Tỷ phú giàu nhất châu Á muốn đẩy nhanh quá trình trao quyền thừa kế, cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất nhì lịch sử sắp diễn ra

29/12/2021 19:20 PM | Xã hội

Mukesh Ambani - tỷ phú giàu nhất châu Á, muốn đẩy nhanh quá trình thay đổi vị trí lãnh đạo trong Reliance Industries và chứng kiến đế chế 217 tỷ USD mở rộng dưới thời của 3 người con.

Tập đoàn kinh doanh từ ngành bán lẻ đến lọc dầu "đang trong quá trình thực hiện sự chuyển đổi lãnh đạo quan trọng, từ người thuộc thế hệ trung niên sang thế hệ trẻ tiếp theo", ông Ambani cho biết trong bài phát biểu hôm 28/12. Ông nói thêm: "Tôi muốn quá trình này được đẩy nhanh."

Tỷ phú giàu nhất châu Á với khối tài sản 91 tỷ USD không cho biết chi tiêu về việc chuyển đổi này được lên kế hoạch như thế nào. Tuy nhiên, theo Bloomberg đưa tin vào tháng 11, ông đang nghiêng về kế hoạch chia cổ phần tương tự như nhà Walton.

Ông không muốn một cuộc chiến tranh giành tài sản sẽ xảy ra, khiến nhiều gia tộc trên thế giới bị chia cắt và cũng giống như ông và anh trai trong quá khứ. Sự thay đổi trong vị trí lãnh đạo của Reliance sẽ đánh dấu một trong những đợt chuyển giao tài sản lớn nhất thế giới trong thời gian gần đây.

Tỷ phú 64 tuổi nói, toàn bộ các lãnh đạo cấp cao - bao gồm cả ông, nên "nhường chỗ cho những nhân tài có năng lực cao, tận tâm và có những bước đi đầy hứa hẹn" tại Reliance.

Ambani đang nỗ lực thực hiện quá trình chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ. Cuộc chiến tranh giành tài sản gay gắt với anh trai là Anil Ambani đã nổ ra khi cha ông qua đời vào năm 2002 mà không để lại di chúc. Mâu thuẫn căng thẳng đến mức mẹ của ông - bà Kokilaben Ambani, buộc phải can dự và lập ra một thoả thuận gia đình vào năm 2005 để chia tách hoạt động kinh doanh của Reliance giữa 2 anh em.

Ông chưa tiết lộ công khai về kế hoạch mới và mốc thời gian về việc rời vị trí chủ tịch và giám đốc điều hành của Reliance. Song, các con của Ambani ngày càng xuất hiện với tần suất cao hơn. Phát biểu trước cổ đông vào tháng 6 vừa qua, ông cho biết cặp song sinh Akash và Isha (30 tuổi), cùng em trai Anant (26 tuổi) sẽ đóng những vai trò quan trọng tại công ty.

Bloomberg đưa tin vào tháng trước, vị tỷ phú đang cân nhắc chuyển tài sản của gia đình vào một cấu trúc tương tự quỹ. Quỹ này sẽ kiểm soát đế chế kinh doanh Reliance Industries.

Phát biểu vào hôm qua, Ambani nhắc lại rằng các con của ông đang gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, như một phần của quá trình thay đổi các vị trí lãnh đạo. Ông nói, ông có thể nhìn thấy ở các con "những tia sáng và tiềm năng của cha ông là Dhirubhai Ambani - nhà sáng lập Reliance, vì đã có đóng góp vào sự phát triển của Ấn Độ."

Ambani được cho là đang học theo cách mà nhà Walton chuyển giao quyền lực sau cái chết của nhà sáng lập Sam Walton năm 1992. Nhiều gia đình giàu có, như nhà Dumas thừa kế đế chế thời trang Hermes, hay nhà Johnson thừa kế S.C. Johnson & Son cũng để người nhà tiếp quản hoạt động kinh doanh.

Song, nhà Walton – gia đình giàu nhất thế giới – chỉ giữ quyền lực ở cấp độ hội đồng quản trị. Đối với hoạt động điều hành công ty, họ đã thuê người ngoài từ năm 1988. Nhờ đó, những thành viên của gia tộc giàu nhất thế giới lại có thể tập trung vào sở thích riêng. Họ có thể tự kinh doanh, đầu tư hoặc làm từ thiện.

Sam Walton đã chuẩn bị cho kế hoạch từ năm 1953, tức là gần 40 năm trước khi ông qua đời.  Theo di chúc, Sam Walton chuyển 80% cổ phần công ty gia đình cho 4 người con - Alice, Rob, Jim và John, giúp giảm thuế thừa kế và gia đình duy trì quyền lực kể cả khi công ty phát triển thành hãng bán lẻ lớn nhất thế giới. Theo Bloomberg, nhà Walton hiện sở hữu 47% Walmart thông qua Walton Enterprises và các quỹ khác. Vì không muốn lặp lại những mâu thuẫn giữa ông và anh trai, Ambani dĩ nhiên ủng hộ mô hình thừa kế này.

Winnie Qian Peng – giám đốc bộ phận Doanh nghiệp Gia đình và Khởi nghiệp châu Á tại Đại học Khoa học – Kỹ thuật Hong Kong, cho biết: "Hiếm ai lựa chọn cách chia tài sản như Ambani. Thông thường, những gia tộc giàu có sẽ muốn nắm quyền đến tận cùng. Nhưng ông ấy khá khôn ngoan vì muốn tránh những sai lầm của chính gia đình mình trong quá khứ."

Tham khảo Bloomberg 

Chi Lan

Từ khóa:  ngành bán lẻ
Cùng chuyên mục
XEM