Tỷ phú Elon Musk: "Bám vào bằng MBA, bạn sẽ mãi phận làm lính"

16/01/2017 08:49 AM | Kinh doanh

Theo tỷ phú Elon Musk, học MBA cũng chỉ dạy cho sinh viên cách để đi làm thuê, tuân thủ những quy tắc đã được đặt ra, đi xây ước mơ cho người khác.

Bản thân tỷ phú Elon Musk vốn được ngưỡng mộ với 3 công ty thành công ở 3 lĩnh vực khác nhau khi chưa đến 40 tuổi mà không cần bất kỳ tấm bằng MBA nào. Ông cho rằng, một công ty muốn vươn lên vị trí cao nhất của thị trường, thì điều cần thiết không phải là đi học và lấy bằng MBA mà là nghĩ ra phương thức kinh doanh hiệu quả và sinh lợi nhanh nhất.

Các trường đào tạo lĩnh vực kinh doanh thường có hàng triệu sinh viên theo học với khoảng 200.000 bằng tốt nghiệp MBA mỗi năm. Ở Mỹ, hàng năm số lượng người tốt nghiệp MBA gấp 5 lần số sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật. Thông thường, chi phí đào tạo chương trình MBA lên tới 100.000 USD cho năm đầu tiên, các chi phí khác có thể lên tới 250.000 USD cho 2 năm học. Nhiều người cho rằng, với chi phí đào tạo chót vót như vậy, những người có bằng MBA được các nhà tuyển dụng coi trọng.

Bằng cấp không phải là tất cả.

Theo một nghiên cứu của giáo sư Jeff Kavanaugh, Đại học Taexas, Dallas, Mỹ, các nhà tuyển dụng không thực sự nghĩ rằng những người sở hữu bằng MBA có kỹ năng hữu ích cho công việc.

Giáo sư Kavanaugh khảo sát 500 lãnh đạo, khoảng 3.000 sinh viên của các trường đào tạo kinh doanh, và 10.000 nhà tuyển dụng. Kết quả cho thấy sự lệch nhau khá lớn giữ nhu cầu tuyển dụng thực tế và chất lượng nguồn nhân lực tốt nghiệp từ các trường đại học. 98% các nhà tuyển dụng cho rằng, chương trình đào tạo MBA không giúp sinh viên có những kỹ năng để sẵn sàng làm việc. Ngược lại, các sinh viên sở hữu bằng MBA dường như tự đánh giá quá cao trình độ của bản thân so với yêu cầu của người tuyển dụng.

Theo nghiên cứu này, các nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên theo các tiêu chí: đạo đức làm việc, tư duy phê phán, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp. Trong khi, người tuyển dụng đánh giá các sinh viên không vượt qua điểm 7 cho các kỹ năng cần thiết trên, thì mọi sinh viên đều nghĩ họ thành thạo các kỹ năng này.

Một vấn đề tệ hơn, trong khi các nhà tuyển dụng yêu cầu các sinh viên cần trang bị yếu tố như kinh nghiệm thực tế, tư duy phê phán và đạo đức làm việc từ trường đại học thì hầu hết các sinh viên đang học bằng MBA lại mong muốn học các kỹ năng quản lý nghề nghiệp, kỹ năng mềm, công nghệ trong thời gian đào tạo. Họ cho rằng kinh nghiệm thực tế và tư duy phê phán không mấy quan trọng đối với nghề nghiệp sau này. Thậm chí, các sinh viên đang học MBA được khảo sát suy nghĩ, đạo đức nghề nghiệp là điều không cần thiết.

Sự bất đồng giữa việc đào tạo nguồn lao động và nhu cầu thực tế của xã hội khiến các sinh viên vẫn không nhận thức được những điều họ đang thiếu sót. Rõ ràng, bằng MBA không phải là minh chứng cho khả năng làm việc thực tế. Đào tạo tại trường đại học chưa đáp ứng yêu cầu của người tuyển dụng đối với nguồn nhân lực.

Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động hiệu quả dù không sở hữu nhân lực nào có bằng MBA. Điều đó chứng tỏ, trong hội những người “có bằng MBA” cũng như những bằng cấp khác, một số vẫn sẽ không đủ năng lực làm việc dù sở hữu đủ loại bằng cấp. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận lợi thế lớn của họ trước những người không có bằng MBA. Tấm bằng này sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội làm việc tốt hơn, tất nhiên là khi bạn cũng sở hữu các kỹ năng và kiến thức chuyên môn xuất sắc.

Theo Hoài Trần

Cùng chuyên mục
XEM