Tỷ lệ tội phạm giảm quá thấp, cảnh sát phải đi bắt kẻ trộm quần đùi: Bài học về ý thức kỷ luật mà người Nhật nói với chúng ta

15/07/2017 11:03 AM | Sống

Khi số lượng tội phạm tại Nhật Bản ngày càng giảm, cảnh sát phải đi sâu hơn vào các vụ án dân sự, thậm chí những vụ việc lặt vặt để có việc làm. Liệu có bí mật gì đằng sau tỷ lệ tội phạm thấp bậc nhất thế giới như vậy?

Tuần vừa qua, một nhóm cảnh sát tại Kagoshima, một thành phố yên bình nằm tận cùng phía nam Nhật Bản, đã theo dõi một chiếc xe không khóa cả ngày lẫn đêm, đậu bên ngoài một siêu thị. Trong chiếc xe ô tô, người ta có tìm thấy một thùng bia mạch nha. Cuối cùng, một gã đàn ông trung niên đã đi qua và giở trò "chôm chỉa". Toán cảnh sát ấp ra, bắt sống tên trộm bất đắc dĩ. Đây là một trong số ít những tên trộm còn sót lại tại Kagoshima.

Nhiều người sau khi nghe xong câu chuyện sẽ không khỏi ngạc nhiên: Tại sao phải cử một nhóm đông cảnh sát như vậy chỉ để đi bắt một kẻ ăn trộm? Câu chuyện còn nghe như một vụ dàn cảnh để tên trộm kia sa lưới? Chuyện gì đang xảy ra tại Nhật Bản vậy?

Dù bạn thỉnh thoảng vẫn bắt gặp các câu chuyện tội phạm tại Nhật Bản nhưng nếu để ý, bất cứ vụ việc nào nhỏ to cũng được đưa lên báo đài. Trên thực tế, tỷ lệ tội phạm tại Nhật Bản đã giảm đi một cách đáng kể trong suốt 60 năm vừa qua.

Những con đường tại Nhật Bản có thể đôi khi không sạch sẽ nhưng tuyệt đối an toàn. Tỷ lệ giết người tại đất nước này rơi vào khoảng 0,3/100,000 người - con số thuộc hàng thấp nhất thế giới. Tại Mỹ, con số này rơi vào khoảng 4/100,000. Trong năm 2015, chỉ có một vụ giết người bằng súng được ghi nhận. Thậm chí kể cả các nhóm yakuza, băng đảng xã hội đen khét tiếng tại Nhật và là đối tượng mà cảnh sát phải e dè, giờ cũng không hoạt động mạnh. Điều này là do luật pháp Nhật Bản ngày càng cứng rắn và tình trạng già hóa dân số diễn ra nhanh

Tuy nhiên, thay vì cắt giảm bớt nhân viên, lực lượng cảnh sát đang ngày càng đông hơn. Những đội tuần tra an ninh xuất hiện ở hầu khắp các khu phố tại những thành phố lớn. Hiện tại, Nhật Bản có khoảng 259.000 sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục, gấp hơn 17 lần so với 10 năm trước (khoảng 15,000 sĩ quan), bất chấp tỉ lệ tội phạm giảm mạnh. Tỷ lệ cảnh sát trên người dân cũng cao, đặc biệt tại các thành phố lớn như Tokyo. Tokyo là nơi có lực lượng cảnh sát đô thị lớn nhất thế giới. Thống kê cho thấy tỉ lệ cảnh sát so với số lượng cư dân ở thủ đô Tokyo rất cao, nhiều hơn so với thành phố New York, Mỹ 25%.

Số lượng cảnh sát thì đông nhưng các vụ án thì quá ít ỏi. Nghịch lý ấy đã khiến cảnh sát Nhật Bản sẵn sàng điều tra cả những vụ án nhỏ nhặt như trộm xe đạp hay việc tàng trữ một lượng nhỏ thuốc gây nghiện. Một người phụ nữ đã miêu tả lại cảnh 5 cảnh sát xông vào căn hộ chật hẹp của cô sau khi người phụ nữ này thông báo bị mất một chiếc quần đùi trên dây phơi. Năm ngoái, một đội thám tử có vũ trang đã được chỉ định điều tra và tiếp cận 22 người trồng cần sa để sử dụng tại những khu vực nông thôn hoang vắng.

Trên thực tế, khi cảnh sát không có việc gì để làm, họ trở nên sáng tạo hơn hay mở rộng phạm vi điều tra. Các hành vi mang tính tội phạm cũng "rộng" hơn, theo bà Kanako Takayama từ đại học Kyoto chia sẻ. Trong một tình huống gần đây, họ đã bắt giữ một nhóm người thuê chung chiếc xe ô tô vì cho rằng nhóm người này có thể chạy taxi trái phép. Tại nhiều tỉnh khác, cảnh sát cũng bắt đầu điều tra và truy lùng những người lái xe đạp vượt đèn đỏ.

Hồi năm 2015, một người đàn ông đã bị bắt giữ vì dám vẽ râu Adolf Hitler lên trên tấm poster in hình Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Bà Takayama cho biết các thám tử đã tiến hành điều tra tại khuôn viên trường đại học mà không có sự cho phép của nhà trường để giám sát các học sinh "hư hỏng". Trong một vụ việc hy hữu xảy ra cách đây 15 năm, cảnh sát ở thành phố Hokkaido - khu vực thưa dân cư nổi tiếng của Nhật Bản, đã "móc nối" với băng đảng xã hội đen khét tiếng yakuza để dàn dựng một vụ vận chuyển lậu súng vào Nhật nhằm hoàn thành chỉ tiêu bắt giữ tội phạm.

Việc cảnh sát "vẽ việc" ra để làm cũng đem lại nhiều lợi ích đáng kể. Kể từ năm 2010, số ca bạo hành trẻ em tại nhà đã giảm đáng kể. Điều đó đồng nghĩa với việc cảnh sát đã can thiệp và sâu xát hơn với các vấn đề dân sinh.

Kể cả những người trước đây từng chỉ trích hệ thống luật pháp của Nhật Bản cũng phải công nhận mọi thứ đang diễn ra theo chiều hướng tích cực. Tỷ lệ tái tội phạm giảm rõ rệt và nhiều nỗ lực đang được triển khai để giúp người trẻ không phạm pháp. Cảnh sát cũng hộ trợ các gia đình để giáo dục con cái. Tỷ lệ đi tù của người trưởng thành cũng thấp hơn tại các quốc gia giàu có; 45/100,000 người, so với tỷ lệ 146/100,000 tại Anh và 666/100,000 tại Mỹ.

Tuy vậy, không phải cảnh sát làm việc không hiệu quả. Kể cả có nhiều cảnh sát và ít tội phạm, họ cũng chỉ giải quyết được 30% số đó.

Bất chấp nỗ lực "nằm vùng" của cảnh sát, tòa án ra phán quyết cuối cùng không truy tố vụ trộm bia ở thành phố Kagoshima. Theo luật sư Yoshihiro Yasuda, tỷ lệ tội phạm ở Nhật thấp không phải do năng lực cảnh sát mà chủ yếu do người dân sống có kỷ luật.

Năm 2016, một vụ tấn công bằng dao tại Nhật khiến 19 người thiệt mạng đã trở thành vụ thảm sát lớn nhất trong lịch sử đất nước này. Đến đầu năm nay, vụ bé gái Việt Nam thiệt mạng tại Nhật cũng khiến dư luận chấn động. Tuy nhiên, đây gần như là những vụ án nghiêm trọng duy nhất trong năm tại Nhật Bản. Thực tế, tỷ lệ phạm tội tại đất nước này đã giảm suốt 60 năm qua. Tại Nhật Bản, tỷ lệ giữ súng trong nhà chỉ là 1/175 hộ gia đình, so với tỷ lệ tại Mỹ là 1/3.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới giảm tỷ lệ tội phạm tại Nhật Bản. Trong văn hóa Nhật Bản, việc ngồi tù là một vết nhơ cuộc đời của mỗi người. Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới tỷ lệ tội phạm giảm tại Nhật Bản là do những quy định và luật pháp chặt chẽ. Tỷ lệ tự thú tại Nhật Bản cao tới 95% và cảnh sát phá án được tới 98% các vụ án mạng. Niềm tin rằng người dân Nhật Bản không bao giờ phạm pháp khiến hệ thống pháp luật luôn coi nghi phạm là có tội, cho đến khi có bằng chứng vô tội. Với xã hội đề cao thứ bậc, nghi phạm phải đối mặt với những áp lực lớn; họ không chỉ bị án phạt từ tòa án mà còn phải chịu bản án đáng sợ hơn từ dư luận và cộng đồng.

Tuy nhiên, lý do đóng vai trò chính trong sự suy giảm tội phạm tại Nhật Bản suốt gần 100 năm qua là việc giáo dục và kỷ luật của người dân càng ngày càng nâng cao. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em tại Nhật Bản đã được dạy những bài học về kỷ luật, về những quy cách xử sự trong cuộc sống, các phép tắc cần thiết để tồn tại trong xã hội đề cao luật lệ. Tại Nhật Bản, những điều luật xuất hiện không phải để phá vỡ mà để tôn trọng. Với một quốc gia đề cao lòng tự tôn, người ta coi việc phạm tội là điều đáng xấu hổ và sẽ không được dung thứ trong xã hội.

Có một điều bất thành văn trong xã hội Nhật Bản: không bao giờ được đi quá giới hạn. Kể cả những thành viên của băng đảng Yakuza khét tiếng cũng không bao giờ đi ẩu trên đường, xả rác hay phá hàng lối.

Một đặc điểm khác của văn hóa Nhật Bản là sự đề cao tính cộng đồng và những điều mang tính chất có thể dự đoán. Hiểu một cách đơn giản, họ thích mọi thứ vào khuôn khổ với quy chuẩn như nhau. Nói như vậy không có nghĩa là người Nhật Bản không thích những thứ mới mẻ; họ thích những điều mới mẻ phù hợp với nhu cầu của bản thân cũng như dễ đoán. Chính vì vậy, nếu bạn làm điều gì ngoài khuôn khổ của xã hội, người ta sẽ nhìn bạn bằng cái nhìn kỳ lạ. Phạm tội là một trong những hành động có tính chất như vậy.

Áp lực văn hóa và truyền thống đè nặng lên mỗi con người, mối lo về việc tương lai cuộc sống của họ có thể bị hủy hoại cùng với những bài học phép tắc từ ngày còn nhỏ đã giúp làm giảm tỷ lệ phạm tội tại Nhật Bản. Trên thực tế, dù các vụ phạm tội vẫn tồn tại nhưng có xu hướng ít bạo lực và liên quan tới những vấn đề tâm lý nhiều hơn các xung đột, hiềm khích trong công việc, cuộc sống.

Dù nguyên nhân vì sao đi chăng nữa, câu chuyện tội phạm của Nhật Bản cũng là bài học để nhiều quốc gia học tập theo. Có thể nói, người Nhật Bản hiểu rõ mọi hành vi tội ác đều bắt nguồn từ sự giáo dục của gia đình và xã hội. Việc đề cao kỷ luật cùng sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình và xã hội sẽ là nền tảng một đất nước văn minh không có tội phạm.

Theo Skye

Cùng chuyên mục
XEM