Tỷ lệ ly hôn cao kỷ lục chưa từng thấy, ngành dịch vụ ‘tiêu hủy bằng chứng hôn nhân’ nở rộ tại Trung Quốc

27/09/2024 14:22 PM | Quốc tế

Số vụ ly hôn tại Trung Quốc đang cao gấp 4 lần so với 20 năm trước.

Tỷ lệ ly hôn cao kỷ lục chưa từng thấy, ngành dịch vụ ‘tiêu hủy bằng chứng hôn nhân’ nở rộ tại Trung Quốc- Ảnh 1.

Cô Tan Mengmeng điều hành một studio chụp ảnh ở Hà Nam-Trung Quốc và công việc này vốn phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ kết hôn khi những cặp đôi muốn chụp ảnh cưới. Thế nhưng đà ly hôn tăng, số cặp đôi kết hôn giảm đang khiến cô Tan phải chuyển hướng kinh doanh.

Giờ đây, studio của Tan còn chụp ảnh kỷ niệm cuộc hôn nhân kết thúc cho các cặp đôi, một trào lưu đang ngày càng nở rộ.

Số liệu của Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy số lượng đăng ký kết hôn tại nước này đang giảm mạnh từ khoảng 13 triệu cặp năm 2013 xuống còn 7 triệu năm 2022, mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu được thống kê vào năm 1985 đến nay.

Trái ngược lại, số vụ ly hôn của Trung Quốc lại đạt mức cao kỷ lục 4,7 triệu vào năm 2019, gấp 4 lần so với 20 năm trước.

Tỷ lệ ly hôn cao kỷ lục chưa từng thấy, ngành dịch vụ ‘tiêu hủy bằng chứng hôn nhân’ nở rộ tại Trung Quốc- Ảnh 2.

Số lượng đăng ký hôn nhân và ly hôn tại Trung Quốc (triệu)

Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng đảo ngược tình hình này bằng một luật mới vào năm 2021, qua đó yêu cầu các cặp đôi phải có thời gian suy nghĩ 30 ngày trước khi chính thức ly hôn.

Ban đầu số vụ ly hôn có giảm nhẹ nhưng rồi tăng lại 25% vào năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình này đang góp phần vào cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc khi kinh tế giảm tốc, dân số lão hóa nhanh chóng và phụ nữ ngày càng ít sinh con.

Quay trở lại với Tan, nhiếp ảnh gia này cho biết cô đã chuyển hướng kinh doanh studio của mình sau khi chứng kiến hàng dài cặp đôi xếp hàng ly hôn bên ngoài các văn phòng chính phủ.

Từ năm ngoái đến nay, studio của Tan đã chụp ảnh kỷ niệm cho nhiều cặp đôi ly hôn khi họ cắt đứt quan hệ hôn nhân.

"Đây là một mảng kinh doanh tốt. Sau cùng thì các cặp đôi cũng muốn ghi lại những niềm vui, nỗi buồn khi ly hôn", cô Tan nói.

Thay đổi quan niệm

Câu chuyện của Tan đang cho thấy sự thay đổi quan niệm rất lớn về hôn nhân ở Trung Quốc.

Hãng tin CNN cho hay ly hôn từng bị kỳ thị trong xã hội nước này khi Trung Quốc luôn coi trọng sự đoàn kết và ổn định gia đình.

Tuy nhiên giờ đây rất nhiều bạn trẻ lựa chọn không kết hôn hoặc sẵn sàng ly hôn trong hòa bình.

Sự thay đổi quan niệm này đã tạo nên một ngành kinh doanh bùng nổ, không chỉ trong lĩnh vực nhiếp ảnh của Tan mà còn nhiều mảng dịch vụ khác.

Thậm chí nhiều công ty còn cung cấp dịch vụ loại bỏ kỷ vật cưới cũ của người ky hôn hay bất cứ nhu cầu nào mà các cặp đôi muốn sau khi chấm dứt hôn nhân.

Tại Bắc Kinh, anh Liu Wei và đồng nghiệp vận hành dịch vụ tiêu hủy bằng chứng hôn nhân, một công việc mới nở rộ thời gian gần đây.

Anh Liu và cộng sự sẽ phun sơn lên các bức ảnh cưới rồi đưa toàn bộ đồ vật kỷ niệm hôn nhân vào máy nghiền.

Khách hàng sẽ được quay phim những bước này nhằm đảm bảo sự riêng tư hoặc muốn ghi lại kỷ niệm chấm dứt hôn nhân của mình.

Bản thân anh Liu cho biết mình không có cảm giác gì nhiều dù những cuộc chia ly khá xúc động.

"Ly hôn không phải điều xấu, nó có thể là điều tốt. Vì vậy không cần phải buồn về điều đó", anh Liu nói.

Dịch vụ của anh Liu có giá từ 8-28 USD tùy vào trường hợp, nhưng nhu cầu thị trường đang rất lớn. Kể từ khi mở công ty vào năm 2021, dịch vụ của anh đã tiếp đến 2.500 cặp đôi.

Trong khi đó, mạng xã hội Trung Quốc hiện lan tràn những bức ảnh chia sẻ cho thấy các cặp đôi đang ký giấy ly hôn, trong khi nhiều người chụp ảnh vui vẻ với giấy chứng nhận ly hôn của mình.

"29 tuổi. Ly hôn vui vẻ", một người dùng đăng trên mạng Xiaohongshu ghi rõ.

Chuyên gia nghiên cứu Peng Xiujian của Đại học Victoria cho biết hoàn cảnh thay đổi đang khiến thế hệ trẻ ưu tiên cho tự do cá nhân và phát triển sự nghiệp hơn là gia đình.

"Ý tưởng duy trì cuộc hôn nhân không hạnh phúc để giữ gìn ‘mặt mũi’ hoặc vì nghĩa vụ con cái, cha mẹ, đang mất dần sức hấp dẫn với giới trẻ Trung Quốc", chuyên gia Peng cho biết.

Cũng theo chuyên gia Peng, sự suy giảm hôn nhân là do cả các yếu tố kinh tế và xã hội, bao gồm môi trường làm việc áp lực cao, thị trường lao động cạnh tranh và chi phí sinh hoạt cao ở Trung Quốc.

Bởi vậy giới trẻ ngày nay coi lựa chọn ly hôn không còn là điều đáng xấu hổ như trước nữa.

"Việc ly hôn là một quyết định can đảm không đáng để xấu hổ. Dù chia tay nhưng cả 2 vẫn còn tình cảm và muốn kỷ niệm mối quan hệ đã qua", nhiếp ảnh gia Tan cho hay.

Theo cô Tan, một cặp đôi đã chọn nhà hàng nơi họ hẹn hò lần đầu để chụp ảnh, gọi những món ăn hoài niệm và nhìn nhau để nhớ về kỷ niệm xưa.

"Cuối buổi chụp, cả 2 đều khóc", cô Tan cho biết.

Dẫu vậy cặp vợ chồng này vẫn quyết định ly hôn khi người vợ không thể chịu đựng được những cuộc cãi vã với gia đình chồng. Người chồng thì lại quá bận rộn với công việc để giải quyết chuyện gia đình.

Không vui vẻ

Tất nhiên không phải cuộc chia tay nào cũng vui vẻ.

Nhiếp ảnh gia Tan cho biết có lần một người chồng đã dành toàn bộ buổi chụp ảnh để nghịch điện thoại khiến người vợ bật khóc. Khi lấy ảnh, hầu hết các tấm ảnh đều không có chồng cũ.

"Tôi không dám nói với cô ấy rằng chính người đàn ông đó đã yêu cầu tôi cố gắng không chụp mặt anh ta", cô Tan nói.

Sau đó, cô Tan phát hiện người đàn ông này đặt một nhiếp ảnh gia khác để chụp ảnh cưới với người vợ mới.

Tỷ lệ ly hôn cao kỷ lục chưa từng thấy, ngành dịch vụ ‘tiêu hủy bằng chứng hôn nhân’ nở rộ tại Trung Quốc- Ảnh 3.

Bất chấp điều đó, chuyên gia kinh tế Gary Ng của Natixis cho rằng tỷ lệ ly hôn tăng tại Trung Quốc nghĩa là sẽ có nhiều hoạt động kinh tế hơn tại đây.

Với Tan, cô cho biết sẽ giảm giá 18% cho các cặp đôi ly hôn rồi quay lại với nhau chụp ảnh cưới tái hôn.

*Nguồn: CNN

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM