Tuyệt phẩm "Nụ hôn" của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say

09/06/2020 13:00 PM | Sống

Phải si tình và yêu phụ nữ thế nào, Klimt mới có thể vẽ được những kiệt tác như "Nụ hôn"?

Có một thời gian dài, bức tranh duy nhất mà tôi ngắm và truyền nhiều cảm hứng cho tôi nhất, là "Nụ hôn", không phải bất cứ kiệt tác nào của Leonardo Da Vinci, Van Gogh hay Pablo Picasso… Tôi cứ đắm mình trong thứ màu vàng tuyệt đẹp của bức tranh, trong thứ tình yêu dịu dàng của đôi tình nhân, trong sức sống của thảm hoa mùa xuân đua nở và trong gương mặt thanh thản hạnh phúc của người phụ nữ…

Đôi khi trên đời có những điều đẹp đến mức khi chiêm ngưỡng nó, tim ta thắt lại. Đến độ dù lười biếng, vẻ đẹp của tranh Klimt vẫn thôi thúc tôi viết về người họa sĩ đặc biệt này.

Tuyệt phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say  - Ảnh 1.

Bức tranh "Nụ hôn" tuyệt đẹp

Thời niên thiếu

Gustav Klimt sinh ngày 14/07/1862 ở ngoại ô thành Vienna, là con thứ hai trong một gia đình thợ kim hoàn nghèo có tới bảy người con. Trải qua một tuổi thơ nghèo khó như các gia đình nhập cư khác, năm 14 tuổi ông vào học trường Nghệ thuật Trang trí ở Vienna. Ông học tại đây tới năm 20 tuổi như là một họa sĩ trang trí.

Là con trai của một thợ kim hoàn, Klimt hiểu rõ được việc sử dụng các kim loại trong tranh. Tuổi thơ của Klimt được bao bọc trong không gian nghệ thuật, không chỉ với người cha làm kim hoàn, mà còn bởi người mẹ- một ca sĩ nghiệp dư. Dễ hiểu vì sao chàng trai trẻ Gustav Klimt có thể phát triển năng khiếu nghệ thuật thiên tài từ thơ ấu.

Mặc dù vẽ tranh bằng màu, song Klimt có khả năng độc đáo trong việc tạo nên hiệu ứng màu sắc bằng các kim loại quý, đá và đồ trang sức. Không như những họa sĩ trẻ, Klimt thích những nguyên tắc bảo thủ bài bản tại trường, cũng như tôn sùng các họa sĩ lịch sử.

Năm 1880 cùng với người anh trai và một người bạn, họ bắt đầu thành lập nhóm làm việc gọi là "Công ty của nghệ sĩ" và làm các công việc chuyên nghiệp như vẽ những bức tranh hoành tráng trong nhà, hay các tòa nhà công cộng. Ông đồng thời là người nỗ lực đưa tính dục (sexuality) vào các không gian nghệ thuật công cộng. Cũng từ đây Klimt bắt đầu được công chúng biết đến nhiều hơn. Các họa sĩ nổi tiếng của Áo thuộc thế hệ sau như Egon Schiele và Oskar Kokoschka luôn coi Klimt là tấm gương sáng cho con đường nghệ thuật của mình.

Ngoài tranh tường, Klimt vẽ chân dung, phong cảnh và các tác phẩm mang tính ẩn dụ. Klimt cũng vẽ nhiều chân dung, phong cảnh, các tác phẩm mang tính tượng trưng với tràn ngập màu sắc và hoa văn- một ham thích đặc biệt của họa sĩ. Nhiều người nhận định, khi xem các bức họa của Klimt, họ như đắm chìm trong suy tưởng bởi sự giằng xé giữa sự sống và cái chết, giữa tột cùng hạnh phúc và đỉnh điểm của sợ hãi. Những chi tiết vừa mơ hồ, vừa quyến rũ trong tranh Klimt đồng thời là chất xúc tác kích thích mạnh mẽ trí tưởng tượng người xem, đặc biệt nếu được thưởng thức trong bối cảnh văn hóa của thủ đô nước Áo thời bấy giờ.

Phụ nữ là chủ đề chính trong hầu hết các tác phẩm của Klimt. Ông thường vẽ dưới ánh sáng ban ngày, thể hiện màu da thật và mịn màng của phụ nữ. Nhiều tác phẩm khắc họa người phụ nữ trong các tư thế gợi tình, lả lơi hoặc thậm chí khỏa thân khiến công chúng đương thời trong khuôn khổ văn hóa thế kỷ XIX cho là vượt quá ranh giới cho phép và khiêu dâm. Năm 1903, Klimt thậm chí buộc phải tháo bỏ bức Hope I- bức tranh mô tả một phụ nữ mang thai khỏa thân ra khỏi một triển lãm của ông.

Cái chết của anh trai và cha cùng vào năm 1892 đã có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động của Klimt. Klimt từ chối xu hướng cổ điển đã mang lại danh tiếng cho mình để chuyển sang các tác phẩm với phong cách cá nhân rõ rệt. Ông từ bỏ Hiệp hội nghệ sĩ bảo thủ Vienna và cùng với nhiều nghệ sĩ đồng điệu khác, thành lập trào lưu Secession năm 1897, thách thức sự cứng nhắc của hội họa Áo truyền thống. Mục đích chính của trào lưu là đưa nghệ thuật, nghề thủ công và thiết kế vào một trào lưu lớn mang tên Gesamtkunstwerk. Người bạn lâu năm, người tình của Klimt- Emilie Floge cũng tham gia vào Secession với vai trò người may trang phục.

Năm 1888, Klimt nhận bằng khen của Hoàng đế Áo, Franz Josef cho những đóng góp cho nghệ thuật. Ông cũng trở thành thành viên danh dự của Đại học Munich và Đại học Vienna.

Giai đoạn Hoàng kim

Klimt được ví von là "họa sĩ của tình yêu và phái đẹp" do ông đa tình và đam mê vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ. "Không ai có thể tổng hợp các cảm xúc như tình yêu, niềm đam mê hay sự khao khát nhưng đồng thời cũng gây nỗi tuyệt vọng và sự lo lắng giống như Klimt". Klaus Pokorny tại bảo tàng Leopold ở Vienna từng nhận định.

Tuy nhiên, vị họa sĩ của tình yêu và phái đẹp vẫn được biết đến nhiều nhất với các tác phẩm trong thời kỳ Hoàng kim- thời kỳ ông sử dụng vàng lá là vật liệu chủ yếu. Mặc dù chỉ kéo dài một thập kỷ, thời kỳ "hoàng kim" đã góp phần định hình phong cách của ông. Ngoài ra, nó cũng truyền cảm hứng cho vô vàn kiệt tác hội họa hiện đại về sau.

Ảnh hưởng to lớn nhất đến phong cách của Klimt thời kỳ này, không thể không nhắc đến người cha, một thợ chạm khắc kim loại lành nghề, cũng như cảm hứng từ nền nghệ thuật Byzantine rực rỡ vàng son với nhiều dấu ấn còn lưu lại ở Venice và Ravenna - Ý mà ông đã nhiều lần viếng thăm. Khó ai có thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của những bức tranh lấp lánh ánh vàng của Klimt cộng thêm với lối hòa sắc cực kỳ tươi sáng.

Thời kỳ Hoàng kim cũng là thời kỳ Klimt cho ra đời kiệt tác nổi tiếng nhất của mình, bức "Nụ hôn" (1907-1909).  David Sasson, một chuyên gia nghệ thuật nhận định:

"Nụ hôn là bức tranh sơn dầu được nhiều người biết đến nhất trên hành tinh".

Quả đúng vậy. Chưa có bức tranh nào diễn tả tình yêu lại thành công rực rỡ như thế. Trên chiếc giường trải thảm hoa sặc sỡ như tung hô tình yêu là một đôi trai gái quỳ gối ôm hôn nhau. Hai thân thể gói trong hình oval vàng son còn lộng lẫy hơn cả khung cảnh nền đầy ắp sắc màu. 

Người đàn ông trông như một vị thần Hy Lạp cổ đại với vòng hoa đội đầu, chiếc áo choàng với hình vuông và chữ nhật đang cúi xuống hôn người phụ nữ. Vòng tay anh bảo vệ tôn kính khiến người phụ nữ trông như một nữ thần. Trong khi người phụ nữ với những bông hoa duyên dáng trên đầu tỏa hào quang cũng như một vị thần nào đó. Cô tựa vào người đàn ông, say đắm đón nhận tình yêu trong chiếc áo với họa tiết tròn và xoắn ốc. Klimt có cảm hứng đặc biệt với phụ nữ tóc đỏ, do đó không ngạc nhiên khi nhân vật nữ trong "Nụ hôn" có mái tóc màu này.

Tỉ mỉ dát lên nhân vật từng lá vàng, Klimt khiến cho đường nét trong tranh như hòa quyện vào nhau, tràn ngập ham muốn nhục cảm, đê mê của hai người yêu nhau; đặc biệt qua gương mặt thấm đẫm hoan lạc của cô gái. Phía sau đôi tình nhân, bầu trời sao lấp lánh. Dưới chân, hoa cỏ đua nở. Nhiều người nghi ngờ hai nhân vật trong tranh không ai khác chính là Gustav Klimt và Emilie Floge- nàng thơ của Klimt đang ân ái với nhau.

"Nụ hôn" hiện được trưng bày tại Gallery trong cung điện ở Vienna, chỉ cách vài dặm từ biệt thự của Klimt, thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch mỗi năm. Sáng tác sơn dầu đỉnh cao với kích thước 180x180 trở thành biểu tượng cho hội họa thế kỷ XX. Vào tháng 11/2003, Ngân hàng Trung ương Áo đã phát hành đồng 100 Euro với mặt trước là Klimt trong xưởng vẽ với hai bức tranh chưa hoàn thành trên giá, mặt sau in hình cặp đôi trong "Nụ hôn" với dòng chữ "Der Kuss". Tới 14/7/2012, Google cũng đổi logo sang hình bức "Nụ hôn" để bày tỏ lòng trân trọng với Klimt nhân dịp sinh nhật lần thứ 150 của ông. 

Ngày nay những đôi tình nhân, những cặp vợ chồng mới cưới thường chọn những phiên bản của "Nụ hôn" để làm điểm nhấn cho phòng khách và phòng ngủ. Trong những không gian ấy, tinh thần và những sắc màu thắm thiết của bức tranh đã trở thành biểu tượng của tình yêu trong sáng, thiêng liêng, lý tưởng.

Tuyệt phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say  - Ảnh 2.

Riêng với họa phẩm Chân dung Adele Bloch- Bauer của ông, thậm chí công ty sản xuất búp bê Barbie còn tung ra sản phẩm với chân dung của nhân vật này.

Mặc dù thực sự chưa bao giờ đặt chân tới nước Nhật, rõ ràng hội họa Nhật Bản đã có ảnh hưởng rất lớn trong nhiều tác phẩm của Klimt, nhất là trong bức "Máu cá" (1898). Trong bức tranh này, ông sử dụng lối nhìn viễn cận và sự tương phản của các mảng sẫm với những khoảng trống không gian rất phổ biến trong tranh Nhật Bản. Cách thể hiện nhân vật và lối bố cục trong tranh Klimt cũng cho thấy cái nhìn siêu hình của ông về cuộc đời "nổi trôi bất tận". Những mái tóc dài buông xoã trên những tấm thân thanh khiết tựa như những dòng nước chảy mãi, miên man, không ngừng.

Tuyệt phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say  - Ảnh 3.

Không chỉ là một bậc thầy về hội họa, kim loại, đá quý, Klimt còn là một bậc thầy về Marketing. Ông là một trong số ít các nghệ sĩ Áo tái sản xuất các tác phẩm của mình với số lượng lớn và ông cũng cho phép các nghệ sĩ khác chép lại tranh của mình.

Người họa sĩ trầm lặng

Tuyệt phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say  - Ảnh 4.

Klimt bên chú mèo yêu thích của mình

Có phải những con người tài năng thường hiếm sống một cuộc sống bình thường? VanGogh tự tử. Mozart chết trong nghèo khổ ở độ tuổi quá trẻ, Leonardo Da Vinci, thiên tài toàn năng nhưng cả đời cô đơn… Còn Klimt, có danh vọng và tiền bạc ngay lúc còn sống, nhưng ông đã sống như thế nào?

Được biết đến là một người nhút nhát, kín đáo và khiêm nhường, song cá tính của Klimt dường như lại không khác mấy so với những nhân vật nổi loạn, tràn trề sinh lực và đam mê tình ái trong các bức tranh của mình. Ông chưa bao giờ vẽ chân dung tự họa cho chính mình, và thường chỉ khoác lên người một chiếc áo bằng vải thô giản dị, đi dép lên và bên trong không mặc gì. Klimt thường tránh các quán cà phê, các hội nghệ sĩ trong xã hội. Ông làm việc từ ngày này sang ngày khác không biết mệt, dành phần lớn quỹ thời gian và tâm huyết cho các tác phẩm công phu.

Tuyệt phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say  - Ảnh 5.

Xưởng vẽ trong biệt thự tại Vienna của Klimt

Nói về mình, ông rất thẳng thắn: Tôi chẳng để lại pho sách hoặc lời hay ý đẹp nào, càng không có gì để tụng ca cá nhân hoặc tác phẩm của mình. Ai muốn hiểu về tôi với vai trò của một nghệ sĩ, thì việc cần thiết duy nhất là nên xem kỹ các tác phẩm của tôi và hãy tìm thử trong những bức tranh đó tôi là ai và tôi muốn gì.

Đam mê tình ái, song những mối quan hệ riêng tư của ông luôn được giữ kín, do đó, khác với nhiều văn nghệ sĩ châu Âu thời bấy giờ, Klimt không bị vướng vào các vụ bê bối cá nhân ồn ào. Dù thực tế nhiều người đẹp trong tranh của Klimt đều là gái điếm và ông có tới 14 người con ra đời bởi những mối quan hệ này.

Tuyệt phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say  - Ảnh 6.

Năm 90, Gustav gặp Emilie Floge, nàng thơ trong các kiệt tác của ông và là người đã theo ông đến cuối đời.

Ngày nay, các bức tranh của Klimt luôn là niềm tự hào của bất kỳ bộ sưu tập cá nhân hay bảo tàng nghệ thuật danh tiếng nào trên thế giới. Trên các sàn đấu giá quốc tế, các tác phẩm tuyệt đẹp và hiếm hoi của Klimt luôn thu hút quan tâm của giới sưu tập toàn cầu và luôn đạt những kỷ lục đáng kinh ngạc về giá. Trong đó có một số bức được xếp vào hàng đắt nhất thế giới, ví dụ như bức "Chân dung Adele Bloch-Bauer I" (1907) đã được nữ doanh nhân tỉ phú Oprah Winfrey bán cho một người sưu tập Trung Quốc vào ngày 19 tháng 6 năm 2006 với số tiền thu về 135 triệu USD, còn bức "Rắn nước II" (1904) vốn thuộc bộ sưu tập của tỷ phú người Nga Dmitry Rybolovlev khi bán ra thị trường vào tháng 11 năm 2015, và cũng về tay một sưu tập gia châu Á, đã thu về 170 triệu USD.

Gustav Klimt qua đời tại Vienna vào ngày 06/02/1918 do đột quỵ, để lại rất nhiều tác phẩm chưa hoàn thành. Giới sử gia đánh giá những tác phẩm của Klimt là những tác phẩm trữ tình và quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật thế giới. Trong một cuộc bình chọn của tạp chí Times, Gustav Klimt được vinh danh là một trong mười họa sĩ vĩ đại nhất trong giai đoạn thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Quay trở lại với câu hỏi: Phải si tình và yêu phụ nữ thế nào, Gustav Klimt mới có thể vẽ nên những kiệt tác như "Nụ hôn"?

Có lẽ đến tận những dòng cuối câu chuyện đẹp về Klimt, tôi vẫn chưa giải đáp được băn khoăn lúc đầu của mình. Nhưng ít nhất, tôi đã hiểu rõ hơn tại sao "Nụ hôn" hay những tác phẩm khác của Klimt lại quyến rũ người xem tới khó cưỡng đến vậy.

Làm sao có thể không, khi tác phẩm nào của Klimt cũng như chính ông, đã sống một cuộc sống tràn đầy tình yêu, nhục cảm; tràn đầy cái đẹp và thơ như thế?

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom hiện đang mở cửa Triển lãm: "Hình ảnh và Khoảng cách", giới thiệu các sáng tác nổi bật của Gustav Klimt và Egon Schiele để bạn có thể tham khảo. Triển lãm mở cửa đến hết 31/07/2020.

Những tác phẩm đẹp đến nao lòng và đầy ẩn dụ khác của Klimt để bạn tự cảm nhận.

Tuyệt phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say  - Ảnh 7.

Sonja Knips (1889)

Tuyệt phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say  - Ảnh 8.

Ba đoạn đời người phụ nữ (1905)

Tuyệt phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say  - Ảnh 9.

Cây đời (1905- 1911)

Tuyệt phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say  - Ảnh 10.

Hy vọng II (1908)

Tuyệt phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say  - Ảnh 11.

Adele Bloch-Bauer II (1912)

Tuyệt phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say  - Ảnh 12.

Cái chết và Sự sống (1915)

Tuyệt phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say  - Ảnh 13.

Những người bạn phụ nữ (1917)


Tuyệt phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say  - Ảnh 14.

Chân dung một phụ nữ (1917)

Tuyệt phẩm Nụ hôn của Gustav Klimt: Tình yêu thanh thản và mê say  - Ảnh 15.

Nàng và quạt (1918)

Linh Đàm

Cùng chuyên mục
XEM