Tuyến đường sắt liên vận Việt – Trung đang được khai thác thế nào?
Với khổ ray 1.435mm kết nối tới ga Gia Lâm (Hà Nội), tuyến đường sắt liên vận Việt – Trung đang được khai thác mỗi ngày một chuyến với điểm đầu ga Nam Ninh (Trung Quốc) và điểm cuối là ga Gia Lâm (Việt Nam).
Đoàn tàu liên vận Việt - Trung đỗ tại ga Gia Lâm (Hà Nội) sáng 25/2. Ảnh: Xuân Tùng.
Tuyến đường sắt Việt Nam từ Ga liên vận quốc tế Gia Lâm đi Lạng Sơn và sang Trung Quốc có đường ray lồng, gồm cả khổ ray 1.000mm (chỉ tới ga cuối là Đồng Đăng) và khổ ray 1.435mm (nối sang Trung Quốc và châu Âu).
Hiện tàu khách DD5/6 của Việt Nam chạy trên ray 1.000m chỉ khai thác chặng Long Biên – Đồng Đăng và ngược lại hàng ngày, cùng một số đoàn tàu hàng. Tàu khách này hiện chỉ có 3 toa gồm 1 toa khách ghế mềm điều hoà, 1 toa khách ghế cứng không điều hòa và 1 toa hàng.
Để phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều vào ngày 27-28/2 tới, tàu DD5/6 chỉ khai thác tới ga Lạng Sơn (Hà Nội – Lạng Sơn và ngược lại), riêng ga Đồng Đăng tạm thời dừng hoạt động tàu này từ ngày 24/2 tới hết ngày 2/3/2019.
Với khổ ray 1.435mm, hiện có cả tàu khách và tàu hàng liên vận quốc tế được khai thác. Với tàu khách hiện có tàu MR1/2 hoạt động chặng Hà Nội - Nam Ninh hoạt động hàng ngày. Theo đó, tàu MR1 từ Nam Ninh tới ga Gia Lâm lúc 5h sáng và khởi hành đi Nam Ninh lúc 21h20 hàng ngày.
Tàu MR chạy trên khổ ray 1.435mm chặng Gia Lâm - Nam Ninh đỗ tại ga Gia Lâm. Ảnh: Xuân Tùng.
Đồng thời khổ ray này còn khai thác tàu M1/2 chặng Hà Nội – Bắc Kinh vào thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần. Cả tàu MR1/2 và tàu M1/2 đều có thể kéo tối đa 15 toa khách, nhưng tùy vào lượng khách mỗi tuyến sẽ cơ động số tao, thông thường các tàu này có 3-5 toa. Ở địa phận Việt Nam, các tàu này đón và trả khách ở ga Gia Lâm, Bắc Giang, Đồng Đăng. Nếu khách Việt Nam có nhu cầu đi có thể mua vé do Đường sắt Việt Nam cung cấp đi Trung Quốc, hoặc các chặng ga nội địa Việt Nam.
Ngoài ra, đường sắt liên vận Việt – Trung với khổ ray 1.435mm còn khai thác tàu hàng liên vận quốc tế, nhưng tàu này không cố định ngày giờ hoạt động, số toa phụ thuộc vào lượng hàng hoá. Do đó, có ngày có 3-4 chuyến tàu hàng, có ngày không. Hiện tàu hàng này không chỉ đưa và nhận hàng hóa Trung Quốc, một số khách hàng Việt Nam còn gửi và nhận hàng đi châu Âu và ngược lại trên tàu này (qua Trung Quốc).
Được biết, hiện tuyến đường sắt Gia Lâm – Đồng Đăng (cả khổ 1.000mm 1.435mm) đều có thể tiếp nhận tàu có tải trọng tối đa mỗi tàu lên tới 90 tấn, với tối đa 15 toa. Do đó, tải trọng của tuyến đường sắt này được cho là không hề thấp, kể cả cầu Bắc Thủy.
Do đó, về mặt lý thuyết, nếu Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lựa chọn đường sắt để tới Việt Nam, tàu của ông có thể qua Bắc Kinh, theo tuyến đường sắt liên vận khổ ray 1.435mm để tới ga Đồng Đăng, thậm chí tới ga Gia Lâm.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong sáng 25/2 tại ga Gia Lâm, hoạt động của ga vẫn diễn ra bình thường, không có bất kể hoạt động tăng cường an inh, chỉnh trang nào diễn ra ở đây. Trong khi đó, tuyến tàu khách nội địa DD5/6 vẫn hoạt động hàng ngày trên chặng ga Long Biên – ga Lạng Sơn (chỉ không tới ga Đồng Đăng).
Ga Gia Lâm sáng 25/2 hoạt động bình thường, không có bất kể sự chuẩn bị, hay tăng cường an ninh nào tại đây. Ảnh: Xuân Tùng.
Được biết, ngoài đường sắt chuẩn bị sẵn sàng đón tiếp Chủ tịch Kim Jong-un, phía đường bộ Việt Nam cũng lên phương án phân làn đường, cấm xe trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Đồng Đăng. Tuy vậy, việc ông Kim Jong-un lựa chọn phương tiện nào để tới Việt Nam vẫn chưa được tiết lộ.
Toàn tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng có chiều dài khoảng 167km, với 21 ga, tốc độ chạy tàu khoảng 60km/h, năng lực thông qua 19 đôi tàu/ngày đêm.