Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên có gì đặc biệt?

13/08/2018 11:04 AM | Xã hội

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau gần 7 năm thi công là hành trình dài với không ít trắc trở.

Cùng khởi động với một số dự án đường sắt đô thị khác, dù trải qua không ít trắc trở, nhưng Cát Linh - Hà Đông vẫn là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước sắp cán đích.

Mọi thứ giờ đã sẵn sàng cho vận hành thử nghiệm và đưa vào khai thác phục vụ người dân Thủ đô...

Tiên phong cán đích

Giữa tháng 8/2018, PV Báo Giao thông trực tiếp khảo sát tại một số nhà ga và công trường depot dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Không khí thi công nhộn nhịp hơn, vì đây là giai đoạn nước rút, để dự án có thể vận hành thử trong ngay trong tháng 8.

Tại ga Cát Linh, Yên Nghĩa, Phùng Khoang… phần lớn hệ thống thiết bị đã được lắp xong. Thang máy, thang cuốn đều được đưa vào vị trí. Hệ thống máy móc, thiết bị tại nhà điều hành chạy tàu trong khu vực depot cũng cơ bản được hoàn thành; hệ thống hạ tầng trực tiếp phục vụ chạy tàu đã xong, các đoàn tàu thường xuyên được chạy trong khu vực này. Tổng thầu đang khẩn trương thi công hoàn thiện các hạng mục đường nội bộ, tường rào, cảnh quan khu depot, nội, ngoại thất các tòa nhà.

Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT, đơn vị quản lý dự án) cho biết, dự án đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, đạt trên 96% và đang hoàn thiện các hạng mục do phải chờ lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống thiết bị. “Hơn 95% thiết bị đã được đưa về công trường dự án và đã lắp đặt hoàn chỉnh gần 80%, trong đó có cả các thiết bị chính liên quan đến hệ thống điều khiển đoàn tàu. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT và tiến độ thực tế, dự án sẽ được vận hành thử trong tháng 8/2018, sớm hơn một tháng so với kế hoạch trước đây”, ông Phương nói.

Ngày 9/8 vừa qua, rất đông người dân Thủ đô hồ hởi chứng kiến đoàn tàu màu xanh chạy dọc toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13,1km, từ ga Yên Nghĩa đến Cát Linh và ngược lại. Có mặt trên đoàn tàu này, PV ghi nhận, tàu được điều khiển bằng đầu máy của chính đoàn tàu, sử dụng điện lưới, thay vì được kéo bằng đầu máy (màu vàng) chuyên dụng như một lần trước đây để kiểm tra ray. Trên hành trình có lúc tàu được đạt vận tốc 60km/h, dừng đỗ ở một số ga, vận hành êm thuận, không xảy ra bất kỳ trục trặc nào.

Theo Ban QLDA Đường sắt, việc chạy thử tàu nhằm phục vụ căn chỉnh đơn động, liên động các hệ thống thiết bị liên quan đến kỹ thuật vận hành tàu. Sau đó mới đến giai đoạn vận hành thử toàn dự án, gồm việc chạy tàu và điều hành, khai thác vận hành, thời gian thử 3-6 tháng. “Mọi công tác hiện đang được chuẩn bị một cách rốt ráo và đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT”, ông Vũ Hồng Phương khẳng định.

Hành trình dài

Nhìn lại cả quá trình cho thấy, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau gần 7 năm thi công (khởi công tháng 10/2011) là hành trình dài với không ít trắc trở. Trong đó, có cả các sự cố liên quan đến an toàn, rồi vướng mắc trong việc thiếu vốn nghiêm trọng,… tưởng như sẽ phải tiếp tục lùi tiến độ như một số dự án đường sắt đô thị khác đang được triển khai tại Hà Nội và TP.HCM.

Lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt chia sẻ: “Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoàn toàn mới, trong nước chưa có dự án nào để học kinh nghiệm triển khai. Loại hình hợp đồng EPC (thuê tổng thầu xây dựng toàn bộ dự án từ đầu đến cuối, hay còn gọi là hình thức hợp đồng “chìa khóa trao tay”), khi áp dụng quy định pháp lý lại có những vấn đề vướng mắc, không phù hợp thực tiễn”.

“Nói dễ hiểu, ở các nước khác, khi triển khai EPC, chủ đầu tư chỉ ra “đề bài” chung và nhận sản phẩm hoàn thành, còn tổng thầu thiết kế, thi công và chịu trách nhiệm, bảo hành. Song, ở dự án Cát Linh - Hà Đông, chủ đầu tư lại phải tham gia cả các khâu thiết kế, phê duyệt đơn giá, giám sát, thẩm định… Ngoài ra, các nguyên nhân như chậm GPMB, chậm được cấp vốn bổ sung, khi thi công phải điều chỉnh, bổ sung các hạng mục không có trong khâu lập dự án khiến dự án bị đội vốn, một số lần chậm tiến độ”, lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt chia sẻ và lấy dẫn chứng, thực tế, các dự án đường sắt đô thị khác như: Nhổn - ga Hà Nội (Hà Nội), Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương (TP HCM) do các địa phương làm chủ đầu tư đang gặp nhiều khó khăn, đội vốn và nhiều lần chậm tiến độ.

Cụ thể, dự án Nhổn - ga Hà Nội (do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội quản lý, có chiều dài 12,5km, tổng vốn đầu tư ước tính 1,2 tỷ USD) được khởi công ngày 10/10/2010 (trước dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông 1 năm) đến nay mới đạt hơn 41%. Sau 10 năm thi công, dự án cũng trong tình trạng chậm tiến độ, đội vốn hơn 36.000 tỷ đồng. Ban đầu dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 9/2017, nhưng sau đó lùi tiến độ hoàn thành dự án đến sau năm 2021.

Còn tại TP.HCM, dự án đường sắt Bến Thành - Tham Lương có chiều dài 11,2 km, được nghiên cứu và thực hiện các thủ tục từ năm 2008. Dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành dự án trong năm 2018, sau đó TP.HCM xin lùi đến năm 2020 và rồi tiếp tục xin lùi đến năm 2024. Trong khi đó, dự án tuyến Bến Thành - Suối Tiên có chiều dài gần 20km, được khởi công tháng 8/2012. Dự án đến nay đạt hơn 50% khối lượng và giải ngân đạt khoảng hơn 30% vốn. Dự kiến, đến năm 2020 dự án mới có thể hoàn thành, đưa vào khai thác.

Đáng chú ý, hai dự án trên phải báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Theo Hồng Xiêm

Cùng chuyên mục
XEM