Tướng Phan Khắc Hy và hơn 500 lá thư tình vượt lửa đạn: Gửi em tất cả nhớ thương và tự hào
Vượt bom đạn chiến tranh, hơn 500 bức thư giữa thiếu tướng Phan Khắc Hy và vợ Nguyễn Thị Ngọc Lan trong suốt 24 năm xa cách chính là sợi dây nối dài tình yêu bất tận.
Theo báo Quảng Bình, thiếu tướng Phan Khắc Hy sinh ngày 1/1/1927 tại làng Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông từng trải qua các cương vị như Chủ nhiệm Chính trị Ban Nghiên cứu sân bay (tiền thân của Quân chủng Không quân); Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân; Phó Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.
Sau năm 1975, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Năm 1980, ông được phong quân hàm thiếu tướng, là đại biểu Quốc hội khóa VIII (1987-1992). Năm 1993, ông nghỉ hưu.
Đối với tướng Hy, ngoài những kỷ niệm về năm tháng chống Pháp rồi chống Mỹ cứu nước, ông còn hay được nhắc tới với câu chuyện về 500 bức thư tình của ông với vợ xuyên qua bom đạn chiến tranh. Những bức thư ấy đã khắc họa hình ảnh một chiến sĩ vừa dũng cảm trong chiến đấu, vừa lãng mạn trong tình yêu.
Tình yêu thời chiến
Vợ của tướng Phan Khắc Hy là bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan. Hai người gặp nhau khi bà Lan tạm dừng việc học, vào mặt trận Bình Trị Thiên chiến đấu. Lúc này, ông Phan Khắc Hy là Phó bí thư Tỉnh uỷ, Tỉnh đội trưởng Quảng Bình, được điều vào xây dựng lực lượng chủ lực.
Họ gặp nhau rồi cảm mến nhau ngay lần đầu gặp gỡ ở chiến trường ngày ấy. Hai trái tim nhiệt huyết với cách mạng, với dân tộc xích lại gần nhau, cùng nhau vượt qua những ngày tháng chiến tranh gian khổ.
“Đó là tiếng sét ái tình đấy. Thanh niên tham gia cách mạng, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng nhưng lòng vẫn thầm mong có tình yêu làm chỗ dựa”, tướng Phan Khắc Hy kể với với Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zing News).
Ông Hy nhớ mãi việc gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Lan rất nền nếp, gia giáo. Bà là cháu ngoại của một nhà nho xứ Nghệ nên dù cảm mến nhau nhưng bà Lan luôn tránh mặt ông Hy, bà sợ gia đình mắng vì vừa ra chiến trường đã yêu đương.
Thế là ông Hy phải nhờ đến Tư lệnh mặt trận Bình Trị Thiên viết thư cho ông ngoại người yêu, xin phép cho hai người tìm hiểu. Đến khi bức thư đồng ý của ông ngoại gửi từ Hà Tĩnh vào, bà Ngọc Lan mới chính thức đón nhận tình cảm của ông Hy.
Ông Hy cũng chia sẻ với Tạp chí trên rằng: “Ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ, tôi đã thấy rung động bởi nét đằm thắm, dịu dàng của người con gái “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu". Hỏi chuyện ra thì mới biết cô là một trong 4 thiếu nữ xung phong ra mặt trận được điều vào làm công tác văn thư. Càng tiếp xúc, tôi càng thấy tim mình xao xuyến nên lấy hết quyết tâm để bày tỏ".
Hai năm sau khi ông ngoại đồng ý cho 2 người tìm hiểu, bà Lan và ông Hy đã nên duyên vợ chồng tại chiến khu Ba Lòng năm 1952. Đôi vợ chồng son chỉ có một tuần tân hôn ngắn ngủi rồi mỗi người lại vất vả ngược xuôi tiếp tục công việc của mình.
Vợ chồng Thiếu tướng Phan Khắc Hy - Nguyễn Thị Ngọc Lan thời trẻ. Ảnh tư liệu
Những ngày ông Hy biền biệt ngoài mặt trận, một mình bà Lan phải quán xuyến mọi việc trong nhà, chăm sóc các con và hai người mẹ già. Mọi tình cảm yêu thương, trân trọng người vợ tảo tần được ông Hy gửi qua những cánh thư. Những bức thư như sợi dây tình cảm đậm đà, tạo sức mạnh giúp hai vợ chồng vượt qua mọi bom đạn và thử thách.
"Em ơi, thương em nhiều lắm, nói và viết khó khi nào hết. Tìm ở đây tất cả tha thiết của lòng anh... Lan vẫn luôn gần anh, đôi mắt hiền và bàn tay mềm mại." (Zing trích đăng 1 đoạn của một trong số hơn 500 bức thư giữa ông Hy và bà Lan).
Hơn 500 bức thư vượt đạn bom
Ông Phan Khắc Hy cứ xa nhà mãi, hết chống Pháp rồi ông lại tham gia chống Mỹ. Ông tranh thủ viết thư cho bà mọi lúc mọi nơi, trên mọi chất liệu mà ông kiếm được vì lời hứa tối thiểu một tháng phải gửi cho nhau một lá thư với vợ.
Tổng cộng trong suốt 24 năm cách xa phải liên lạc bằng thư từ năm 1952 đến khi đoàn tụ năm 1976, hai ông bà đã gửi gắm nhung nhớ, kỷ niệm kháng chiến, chuyện học hành, mong ước về ngày thống nhất đất nước vào hơn 500 lá thư.
Những lá thư chứa bao nhiêu niềm lạc quan, tin tưởng, yêu thương mà ông Phan Khắc Hy viết cho vợ đã được in trong quyển "Những lá thư thời chiến Việt Nam".
Một bức thư giữa vợ chồng tướng Hy
Báo Nhân dân trích đăng nội dung bức thư ông Hy viết cho bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan (lúc ấy học tại Tiệp Khắc) ngày 7/5/1975, tại Sài Gòn vừa được giải phóng như sau:
“Em yêu. Chắc em không ngờ ngày 7/5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn giải phóng… Tròn 30 năm tham gia cách mạng, trực tiếp được dự ngày lịch sử giải phóng hoàn toàn miền nam, ngày vĩnh viễn giành độc lập tự do thống nhất cho Tổ quốc, anh và mọi người vui sướng. Anh vẫn khỏe và cũng như các anh khác, trẻ lại hàng chục tuổi... Vấn đề lớn bây giờ và sắp tới là xây dựng đất nước thống nhất, phồn vinh, em sẽ về cùng tham gia vào sự nghiệp đó…Viết vội chừng này... Gửi em tất cả niềm vui, xúc động, nhớ thương và tự hào...”.
Một tháng sau, từ Tiệp Khắc, ông Hy đã nhận được thư hồi âm từ vợ: "Em mừng quá sức, từ khi được tin giải phóng Sài Gòn thì đã sung sướng và vui mừng vô hạn. Tuy nhiên niềm vui chưa hoàn toàn trọn vẹn vì vẫn còn chờ thư anh…. Từ nay em đã bớt đi một phần lo lắng. Cái lo lắng thường xuyên hơn cơm bữa…. Giá trị của độc lập, hòa bình cảm thấy thiết thân và cụ thể như sờ thấy được anh ạ...".
Trả lời phỏng vấn báo Người lao động, Thiếu tướng Phan Khắc Hy cho hay ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo như chiến tranh, khi phải chiến đấu để bảo vệ đất nước, tình yêu là nhựa sống, là động lực sưởi ấm tâm hồn người lính.
Hơn 500 bức thư của vợ chồng ông thể hiện lý tưởng, tình yêu, sự cống hiến vì Tổ quốc của cả một thế hệ "xếp bút nghiên lên đường chiến đấu".
Những lá thư ấy sau này cũng là chứng tích tình yêu của vợ chồng tướng Hy, là sử liệu giúp ông viết hồi ký. Bởi nhiều sự kiện, nhiều trận đánh ngày ấy đều được ông "báo cáo" về với bà như món quà tặng vợ.
Kết thúc 24 năm cách xa
Năm 1976, khi bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan học xong ở Tiệp Khắc về nước thì ông bà mới chính thức đoàn tự sau 24 năm cách xa.
Hơn 500 bức thư liên lạc giữa hai vợ chồng ông được giữ cẩn thận, trừ một số bức bị thất lạc. Từng bức thư vợ gửi tướng Hy đều giữ trọn vẹn trong chiếc túi xanh bà thêu đến ngày hoà bình.
Còn những bức thư tướng Hy gửi về nhà, mẹ ông đều bọc bằng mo cau, giấu trên gác bếp để ngừa mối mọt. Mỗi khi máy bay Mỹ sắp ném bom, trước khi xuống hầm ẩn nấp bà đều chạy đến gác bếp, lấy gói mo cau bọc thư, đem xuống hầm nên các bức thư vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.
Cho đến khi mái đầu cả hai đã ngả bạc, vợ chồng về hưu, chuyển vào TP HCM sinh sống, ông bà mới thực sự có thời gian bên nhau trọn vẹn, không bị ảnh hưởng bởi công việc.
Hai ông bà khi về hưu. Ảnh: Người lao động
Kết hôn quá nửa thế kỷ, ông bà vẫn dành cho nhau tình cảm vẹn nguyên như ngày nào. Bà vẫn chu đáo lo cho ông từng chén cơm, ly nước. Còn khi bà ốm, ông sẽ đo huyết áp cho bà mỗi ngày, lấy cho bà từng viên thuốc…
"Ông đi biền biệt bao nhiêu năm. Những năm sống tại Hà Nội, ông cũng ở suốt trong đơn vị, không thường xuyên ở nhà. Một tay tôi cùng bà ngoại các cháu lo cho ba đứa con nhưng tôi không trách cứ gì ông ấy. Các con tôi cũng vậy. Bởi ông đang bận việc nước. Và dù xa cách nhưng mẹ con tôi vẫn cảm nhận được tình thương bao la mà ông dành cho chúng tôi. Tình cảm ấy vẫn tươi mới cho đến nay, đã hơn 60 năm rồi" - bà tâm sự với báo Người lao động.
Còn với tướng Phan Khắc Hy, dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng tinh thần hào sảng, quyết liệt của Bộ đội Cụ Hồ vẫn tỏa ra trong cách nói, ánh mắt của ông. Gặp thế hệ sau, nhất là các bạn trẻ, ông rất vui kể lại những câu chuyện thời chiến, ôn lại chuyện non sông, những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Tổng hợp