Tướng Nghinh: Không thể chấp nhận việc xưng thương binh, cố thủ đòi mua vé, ăn nhậu ở VFF

11/12/2018 14:30 PM | Xã hội

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội nhấn mạnh, Hội không bao giờ ủng hộ việc xưng thương binh để gây rối, cố thủ đòi mua vé, ăn nhậu ngay tại trụ sở của VFF.

Tối 10/12, sau một ngày bủa vây, gây sức ép và gây rối tại trụ sở VFF để đòi mua vé xem trận chung kết lượt về AFF Cup giữa đội tuyển Việt Nam - Malaysia, một số người xưng thương binh đã tụ tập ăn nhậu ngay tại trụ sở VFF.

Trao đổi với PV vào sáng 11/12, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nghinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội cho biết, có theo dõi thông tin trên thông qua phản ánh của báo chí.

Theo tướng Nghinh, ở đây, cần làm rõ xem những người xưng là thương binh, tụ tập gây rối và xông vào, ăn nhậu trong trụ sở của VFF là ở đâu, có đúng thương binh thật, hội viên của Hội hay không?

 Tướng Nghinh: Không thể chấp nhận việc xưng thương binh, cố thủ đòi mua vé, ăn nhậu ở VFF  - Ảnh 1.

Ảnh: Lao động.

Ông nêu rõ, các cơ quan chức năng cần xác minh rõ thông tin nhân thân và cần thiết, gửi văn bản sang để Hội phối hợp.

"Quan điểm của chúng tôi cho rằng, những hành vi đó là không chấp nhận được và Hội không bao giờ ủng hộ tinh thần như thế.

Bởi, chế độ chính sách là một chuyện còn không nên lợi dụng việc bị thế này, thế kia để làm những việc không hay, gây mất trật tự trong nơi công cộng", Chủ tịch Hội cựu chiến binh Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, những hành vi tụ tập đông người, hò hét, thậm chí xông vào trụ sở VFF cố thủ, ăn nhậu như vậy đã có dấu hiệu của việc gây rối, làm mất trật tự an ninh nơi công cộng.

"Chúng ta phải xác định, trụ sở VFF không phải là nhà hàng, nơi kinh doanh nên nếu xác định không có cán bộ, nhân viên nào mời mà tự nhiên xông vào cơ quan, chiếm giữ một khu vực để ăn uống, nghỉ ngơi là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Cường nói.

Luật sư Cường cho hay, với hành vi như trên, cơ quan chức năng có quyền mời những người này về để kiểm tra và cần làm rõ xem những người xông vào trụ sở VFF như vậy đúng là thương binh hay giả danh thương binh.

Với những người xuất trình được thẻ và xác định đúng là thương binh, cần xác định rõ xem họ hành động như vậy có phải do ảnh hưởng của vết thương dẫn đến làm giảm khả năng kiểm soát hành vi không.

"Nếu những người là thương binh thật nhưng xác định không bị ảnh hưởng của vết thương làm giảm khả năng kiểm soát hành vi mà lại thực hiện việc gây rối như trên thì hoàn toàn có thể xử lý theo quy định của pháp luật đối với vi phạm,

Còn thực tế, những người đã từng đóng góp xương máu cho Tổ quốc để được như ngày hôm nay rất ít khi họ có các hành động không đúng, gây rối hay phá hoại thành quả, hình ảnh mà họ đã chiến đấu tạo nên", luật sư Cường nêu.

Vị luật sư này nhấn mạnh, trong trường hợp, sau khi xác minh, có những người không phải thương binh mà giả danh để trà trộn vào kích động, gây rối cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, luật sư Cường cho rằng, ngoài việc lên án, xử lý nghiêm những người có hành vi gây rối cũng cần xem xét trách nhiệm của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), bởi trong việc tổ chức bán vé làm chưa tốt, chưa hết trách nhiệm nên mới dẫn đến hệ quả này.

"Thực tế, không phải bây giờ mới có những trường hợp gây rối như trên ở cổng, trụ sở VFF mà trước đây cũng xảy ra nhiều nhưng đơn vị này lại không có biện pháp phòng ngừa, xử lý hữu hiệu, giải quyết triệt để.

Ngoài ra, dư luận cũng lên tiếng nhiều về vấn đề chưa tốt trong khâu bán vé của Liên đoàn trong thời gian qua.

Do đó, cần có sự phán xét, đánh giá trách nhiệm của cả hai bên người hâm mộ, nhóm người xưng thương binh kia và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Khi mọi việc công khai, minh bạch sẽ tránh đi những hành vi không đẹp", luật sư Cường nói thêm.

Theo Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM