Tuổi thơ bị đánh mất của những bé gái được chọn làm "nữ thần" Kumari: Không được học, mất khả năng đi lại bình thường và không thể kết hôn
Không được đi học, mất khả năng đi lại bình thường, gặp khó khăn trong giao tiếp... tất cả là những điều mà các bé gái sẽ gặp phải khi trở thành Kumari.
Kumari là thuật ngữ dành cho những bé gái Nepal may mắn được trở thành hiện thân sống của các nữ thần. Việc bầu chọn Kumari bắt đầu vào thế kỷ 17, mặc dù thực tế là các nghi lễ liên quan đến tập tục này đã xuất hiện sớm hơn nhiều. Kumari được tuyển chọn từ các bé gái 3-5 tuổi. Và các bé gái đó sẽ không được đi học, mất khả năng đi lại bình thường, gặp khó khăn trong giao tiếp và thậm chí là không thể kết hôn.
Người ta tin rằng nữ thần Kumari đến Trái đất trong hình hài của một bé gái trong sáng, vô tội. Vì vậy, các Kumari chỉ được chọn từ các bé gái 3-5 tuổi nhưng không phải ai cũng được tham gia cuộc tuyển chọn Kumari, mà chỉ có những bé gái là con của các nhà quý tộc, giàu có trong vùng. Sau đây là quá trình tuyển chọn Kumari và những yêu cầu khắt khe để có thể trở thành vị nữ thần này:
Tiêu chuẩn đối với các bé gái tham gia vào cuộc tuyển chọn Kamuri: Không có răng bị tổn thương, không được có sẹo và chưa từng mất một giọt máu nào. Tình trạng tóc tai, ngoại hình, giọng nói, sự tương hợp tử vi của bé gái với tử vi của vị vua trị vì đất nước cũng cần phải được xác minh rõ ràng.
Khi đã qua được vòng tuyển chọn làm Kumari, các bé gái sẽ phải trải qua một buổi lễ thanh tẩy. Từ ngôi đền nơi diễn ra buổi tuyển chọn, các bé gái được chuyển đến nơi ở thường xuyên của mình đó là cung điện Kumari Ghar.
Kumari chỉ được rời khỏi cung điện khi phải tham dự một số nghi lễ, buổi tiệc nhất định. Kumari hiếm khi được gặp người thân của mình.
Kumari không được đến trường học. Ngoài ra Kumari cũng không phải làm bất kỳ loại công việc nào. Bạn bè của Kumari cũng được tuyển chọn cẩn thận và thuộc cùng một nhóm thượng lưu quý tộc.
Màu sắc của trang phục Kumari là màu đỏ. Các bé gái Kumari có nghĩa vụ phải tương xứng với hình ảnh thần thánh, mọi hành động và tâm trạng của bé gái đều được gán cho ý nghĩa thần bí. Nếu như tâm trạng của Kumari không tốt thì đó là một điềm xấu đối với những người thỉnh cầu.
Theo tục lệ, Kumari là nơi ngự trị linh hồn của nữ thần thiêng liêng. Vậy nên, Kumari không thể đi bộ trên mặt đất, Kumari luôn được khiêng trong một chiếc kiệu nếu cần phải rời cung điện.
Bàn chân của Kumari được tôn thờ bởi những những người cầu nguyện muốn thoát khỏi các rắc rối và bệnh tật. Người bình thường bị cấm chạm vào Kumari.
Mọi yêu yêu cầu của Kumari đều được thực hiện bởi những người hầu, được gọi là kumarim. Họ được giao nhiệm vụ hướng dẫn khi nào Kumari phải thực hiện nghi lễ này hoặc nghi lễ kia.
Tắm rửa, trang điểm, chuẩn bị cho việc tiếp đón du khách và nhiều hơn thế nữa - mọi thứ đều được giao phó cho người hầu.
Theo tục lệ, Kumari không cần học bởi quan niệm Kumari đã biết tất cả mọi thứ. Đây là lý do tại sao các bé gái không được dạy bất cứ điều gì.Chỉ đến thời gian gần đây, Kumari mới được học tại cung điện với những giáo viên riêng.
Các bé gái sẽ không còn là Kumari cho đến khi có một chiếc răng bị rụng, kỳ kinh nguyệt xuất hiện, hoặc bị thương có chảy máu. Vì những điều đó sẽ khiến thần tính biến mất. Khi đó các bé gái sẽ trở thành một người phàm trần bình thường và không còn là Kumari nữa.
Mỗi cựu Kumari được nhận một khoản trợ cấp cao hơn nhiều so với chi phí sinh hoạt ở Nepal. Việc hòa nhập xã hội không hề dễ dàng đối với những cựu Kumari. Họ khó có thể đi lại bình thường do khoảng thời gian dài không được vận động và gặp khó khăn trong giao tiếp.
Theo quan niệm phổ biến, những cô gái từng làm Kumari sẽ không thể kết hôn. Vì người ta tin rằng, nếu một người đàn ông kết hôn với một người phụ nữ như vậy sẽ không thể sống lâu. Nhưng nhiều cựu Kumari đã làm vợ và sinh con như người bình thường.
Nguồn: Facte