Từng rất “đam mê” cổ phiếu Thế Giới Di Động, nhóm quỹ ngoại tỷ USD bất ngờ “quay xe” bán ròng mạnh tay
Chỉ sau 5 tháng, nhóm quỹ ngoại đã ròng tổng cộng 17,5 triệu cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 7%.
Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners quản lý, vừa thông báo đã bán ra hơn 2,2 triệu cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động vào ngày 7/7. Ước tính theo thị giá MWG đóng cửa ngày diễn ra giao dịch (45.500 đồng/cp), quỹ ngoại này có thể thu về 100 tỷ từ việc bán bớt cổ phiếu.
Sau giao dịch, Arisaig Asian Fund Limited đã giảm sở hữu tại MWG từ 81,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,55%) xuống còn 78,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,39%). Tỷ lệ sở hữu của cả nhóm quỹ ngoại liên quan cũng theo đó giảm từ 7,09% xuống còn 6,93% tương ứng 101,4 triệu cổ phiếu MWG.
Kể từ sau khi mua hơn 4 triệu cổ phiếu vào đầu tháng 2 để nâng sở hữu lên 118,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 8,12%), các quỹ thành viên thuộc nhóm Arisaig Partners đã có nhiều giao dịch trên MWG, phần lớn nghiêng về chiều bán. Chỉ sau 5 tháng, nhóm quỹ ngoại này đã ròng tổng cộng 17,5 triệu cổ phiếu MWG.
Trong đó, động thái bán ròng chủ yếu đến từ Arisaig Asian Fund Limited với tổng khối lượng 24,9 triệu đơn vị. Ngược lại, Arisaig Global Emerging Market Fund (Singapore) Pte.Ltd và Mercer QIF Fund Public Limited Company đều mua ròng với khối lượng lần lượt 5,7 triệu đơn vị và 1,7 triệu đơn vị.
Arisaig Partners là nhóm quỹ chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, quy mô hàng tỷ USD. Lựa chọn của nhóm chủ yếu là các doanh nghiệp đầu ngành, chiếm lĩnh thị phần lớn, có lợi thế cạnh tranh, nắm bắt công nghệ và mang lại lợi nhuận cao. Quỹ ngoại này từng thu lợi lớn sau nhiều năm đầu tư vào Vinamilk (VNM) trước khi rót vốn vào Thế Giới Di Động.
Động thái bán ròng mạnh thời gian gần đây có phần gây bất ngờ khi MWG là một trong những cổ phiếu ưa thích nhất của Arisaig Partners tại thị trường Việt Nam. Với việc MWG thường xuyên kín room, nhóm quỹ trước đây phải mua gom từ các quỹ ngoại khác như Dragon Capital, Pyn Elite Fund,… Giao dịch thường được thực hiện thông qua phương thức thoả thuận qua VSD với mức chênh lệch (premium) lên đến 20% so với thị giá.
Nhóm quỹ ngoại này từng nhiều lần khẳng định việc đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ và không có tư duy giao dịch cổ phiếu. Trong một báo cáo vào giữa năm ngoái, Arisaig Partners đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng của MWG, đặc biệt là Bách Hoá Xanh. Quỹ ngoại còn nhận định mảng bán lẻ bách hoá sẽ vươn lên đóng góp phần lớn vào doanh thu của MWG trong 5 năm tới. Thực tế, viễn cảnh này đã sớm trở thành sự thật vào tháng 5 vừa qua.
Giai đoạn xấu nhất đã qua nhưng quá trình phục hồi còn kéo dài
Ngành bán lẻ nói chung và Thế Giới Di Động nói riêng đang đón nhận nhiều thông tin tích cực thời gian gần đây. Kể từ ngày 1/7/2023, hàng loạt các chính sách đã có hiệu lực, điển hình như việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, tăng lương cơ bản lên 1,8 triệu đồng/tháng đối với 9 nhóm đối tượng,…
Nhận định về ngành bán lẻ trong một báo cáo mới đây, DSC cho rằng những yếu tố xấu nhất của ngành bán lẻ đã qua đi, dự báo thời điểm cuối quý 3 sẽ là điểm rơi thích hợp cho các doanh nghiệp bán lẻ bứt phá sau khi có đủ thời gian thẩm thấu các chính sách, bên cạnh đó đây cũng là thời điểm mẫu iPhone mới được ra mắt, kỳ vọng sẽ giúp hoạt động mua sắm, bán lẻ ấm dần trở lại.
Các cổ phiếu ngành bán lẻ cũng đều đã hồi phục mạnh thời gian gần đây. Riêng MWG đã tăng 30% sau chưa đầy 2 tháng kể từ vùng đáy hồi cuối tháng 5. Cổ phiếu này hiện đang giao dịch quanh vùng đỉnh 8 tháng nhưng vẫn còn thấp hơn gần 40% so với đỉnh đạt được cách đây hơn một năm.
Dù đón nhận nhiều tín hiệu tích cực nhưng Thế Giới Di Động vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn và quá trình hồi phục có thể sẽ kéo dài. Theo BVSC, kết quả kinh doanh các quý còn lại của doanh nghiệp bán lẻ này sẽ cải thiện so với quý 1 nhưng tiếp tục yếu hơn so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng năm 2023 có thể giảm 70% so với năm ngoái, xuống còn 1.231 tỷ đồng.
Tương tự, VCBS cho rằng Thế Giới Di Động sẽ cần thêm thời gian để chứng minh được hiệu quả của chiến lược kinh doanh mới cũng như khả năng đưa chuỗi Bách Hóa Xanh đến điểm hòa vốn trong 2024. Tuy nhiên, VCBS cũng nhận định những gì xấu nhất về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này đã được phản ánh trong quý đầu năm.