Tung một lúc 2 chiêu, Hòa Phát đang thật sự khiến Hoa Sen thua trên sân chơi của chính mình?
Việc thâm nhập ngành của Tập đoàn Hòa Phát vào lĩnh vực tôn mạ đồng thời với việc Tôn Nam Kim và Tôn Đông Á là hai đối thủ mạnh cũng chạy đua đầu tư giành thị phần, Tập đoàn Hoa Sen đã phải dốc toàn lực để bảo vệ thị phần của mình trong ngành tôn mạ thông qua việc tận dụng hết công suất vay nợ của mình để đầu tư chiếm lĩnh thị phần, đẩy hệ số nợ lên cao.
Ngành tôn mạ đang chứng kiến cuộc chạy đua đầu tư, cạnh tranh khốc liệt giành thị phần thông qua hạ giá bán, tăng chiết khấu cho khách hàng. Điều này đã khiến cho lợi nhuận của những công ty đầu ngành tôn mạ như Hoa Sen và Nam Kim giảm đáng kể trong quý I/2018.
Sự giảm xuống của lợi nhuận đã khiến giá cổ phiếu của Hoa Sen và Nam Kim giảm khá mạnh tính từ đầu năm đến nay cho thấy các công ty trong ngành tôn mạ bị thiệt hại, vậy ai được hưởng lợi trong bối cảnh này? Không khó để nhận ra người hưởng lợi lớn nhất trong bối cảnh này là Tập đoàn Hòa Phát .
Hòa Phát gia nhập ngành, cầm chân Tập đoàn Hoa Sen trong lĩnh vực tôn mạ?
Với Tập đoàn Hòa Phát, ngành kinh doanh chủ lực của Tập đoàn là Thép Xây dựng. Sau khi đã củng cố vững chắc thị phần thép xây dựng ở thị trường miền Bắc, Tập đoàn đã tiến vào thị trường thép phía Nam với một dự án có quy mô rất lớn, thông qua đầu tư liên hợp thép xây dựng ở Dung Quất, Quảng Ngãi từ năm 2017 với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 60.000 tỷ đồng và công suất dự kiến lên tới 4 triệu tấn.
Dự án thép xây dựng Dung Quất chính là đại dự án trọng yếu nhất của Tập đoàn Hòa Phát trong thời điểm hiện tại. Đây chính là dự án "lên đời" của Hòa Phát. Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã nói rằng, Hoàn thành Dung Quất, Hòa Phát từ người cao 1m7 sẽ thành người cao 3m4 và dự kiến sẽ đưa Hòa Phát vào top 50 công ty thép lớn nhất thế giới.
Hiện tại và trong tương lai gần, ở thị trường phía Nam, chưa có đối thủ nào có khu liên hợp thép xây dựng có quy mô đủ lớn để cạnh tranh về quy mô và hiệu suất so với khu liên hợp thép Dung Quất của Hòa Phát, trừ khu liên hợp thép xây dựng dự kiến được đầu tư của Tập đoàn Hoa Sen tại Cà Ná, Ninh Thuận. Nếu dự án thép Cà Ná, Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen có thể được thực hiện đúng tiến độ, đây sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong tương lai gần của Hòa Phát tại thị trường phía Nam.
Sau khi đã chiếm giữ khá vững chắc vị thế số 1 trên thị trường tôn mạ và vị thế số 2 trên thị trường ống thép, Tập đoàn Hoa Sen đã tích lũy được nguồn lực tài chính đáng kể để đi đến quyết định thâm nhập vào một phân khúc rất quan trọng và rất lớn của ngành thép đó là thép xây dựng thông qua việc công bố quyết định đầu tư vào Đại dự án thép Cà Ná, Ninh Thuận. Nếu đại dự án này được triển khai thành công, nó sẽ là đối thủ lớn nhất và đe dọa đến Đại dự án thép Dung Quất của Hòa Phát và chiến lược tiến chiếm thị trường thép xây dựng phía Nam của Tập đoàn Hòa Phát. Đứng trước bối cảnh này, Hòa Phát sẽ đi những bước đi chiến lược nào để chiếm được ưu thế chiến lược?
Chiến lược của các doanh nghiệp như Hòa Phát trong ngành thép xây dựng đó là chạy đua đầu tư sớm nhất, cho ra sản phẩm sớm nhất và qua đó, thu hồi vốn sớm hơn đối thủ, từ đó, ngày càng tạo ra lợi thế về chi phí thấp hơn so với những tổ hợp thép đi vào hoạt động sau. Vì vậy, Hòa Phát sẽ tạo ra được lợi thế chiến lược nếu như có thể đưa liên hợp thép Dung Quất vào hoạt động sớm hơn nhiều năm so với liên hợp thép xây dựng của Tập đoàn Hoa Sen.
Để thực hiện kế hoạch này, Hòa Phát thực hiện 2 giải pháp chiến lược: (1) thực hiện càng nhanh càng tốt và đưa vào hoạt động sớm nhất có thể Đại dự án Dung Quất và (2) ngăn cản Tập đoàn Hoa Sen có thể tích tụ nguồn lực tài chính mạnh cho việc thâm nhập ngành thép xây dựng để triển khai một Đại dự án thép lớn ở thị trường phía Nam. Làm sao càng làm chậm quá trình thâm nhập ngành thép xây dựng của Tập đoàn Hoa Sen càng tốt.
Để thực hiện mục tiêu chiến lược thứ nhất là đưa Đại dự án Dung Quất vào hoạt động sớm nhất, Hòa Phát đã chuẩn bị thật tốt nguồn lực tài chính thông qua hai biện pháp chính: Thứ nhất, dừng việc trả cổ tức bằng tiền mặt đã thành thông lệ hàng năm, thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu để ưu tiên giữ lại lợi nhuận tái đầu tư và thứ hai, tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu. Năm 2017, Hòa Phát đã thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 40% và phát hành cổ phiếu huy động vốn với số tiền là 5.056 tỷ đồng, nguồn lực tài chính lớn đã giúp cho việc triển khai Đại dự án thép Dung Quất được thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Để thực hiện giải pháp chiến lược thứ hai là ngăn cản tập đoàn Hoa Sen tích lũy nguồn lực tài chính mạnh từ lợi nhuận thu được trong lĩnh vực tôn mạ và ống thép, qua đó tấn công vào lĩnh vực chủ lực của Tập đoàn Hòa Phát là thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát đã tấn công vào ngành kinh doanh chủ lực của Tập đoàn Hoa Sen là lĩnh vực tôn mạ thông qua việc thành lập Công ty Tôn Hòa Phát năm 2016 với số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, bắt đầu cho sản phẩm ra thị trường năm 2018 và dự kiến sẽ đạt doanh thu lên tới khoảng 9.000 tỷ đồng năm 2019.
Nếu ai đã từng chơi trò chơi Đế Chế 4-4, mỗi phe có 4 đội chơi liên minh, thì chiến lược phổ biến đó là, khi một nhà chủ lực trong liên minh kích lên đời 4 thì những nhà còn lại trong liên minh có nhiệm vụ tấn công thật mạnh vào đối phương để cầm chân đối phương càng lâu càng tốt, khiến cho đối phương không thể tập trung tấn công nhà chủ lực, giúp cho nhà chủ lực bên mình lên đời 4 thành công và từ đó có thể "cân bản đồ" và giành chiến thắng.
Không phải ngẫu nhiên khi năm 2016, Hòa Phát quyết định đồng thời việc đầu tư Đại dự án thép Dung Quất và quyết định thâm nhập lĩnh vực tôn mạ. Hòa Phát đã sử dụng hai công ty con là Công ty Tôn Hòa Phát và Công ty Ống thép Hòa Phát gia tăng áp lực cạnh tranh thật mạnh lên ngành kinh doanh chủ lực của Tập đoàn Hoa Sen là tôn mạ và ống thép để buộc tập đoàn này phải tập trung nguồn lực giành lại thị phần ở hai lĩnh vực này và không còn nguồn lực thặng dư để có thể tiến sang ngày thép xây dựng. Mặc dù lợi nhuận của hai công ty này của Tập đoàn Hòa Phát có thể giảm xuống, nó lại là sự thành công về chiến lược của Tập đoàn Hòa Phát vì nó tạo ra ưu thế chiến lược về thời gian cho Đại dự án thép Dung Quất.
Hòa Phát đang chiếm ưu thế trong công cuộc tấn công Hoa Sen?
Việc thâm nhập ngành của Tập đoàn Hòa Phát vào lĩnh vực tôn mạ đồng thời với việc Tôn Nam Kim và Tôn Đông Á là hai đối thủ mạnh cũng chạy đua đầu tư giành thị phần, Tập đoàn Hoa Sen đã phải dốc toàn lực để bảo vệ thị phần của mình trong ngành tôn mạ thông qua việc tận dụng hết công suất vay nợ của mình để đầu tư chiếm lĩnh thị phần, đẩy hệ số nợ lên cao. Bên cạnh đó, việc hạ giá bán, tăng chiết khấu cho khách hàng để giành thị phần cũng khiến cho tích lũy vốn thông qua lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen giảm xuống.
Kết quả của quá trình này là Tập đoàn Hoa Sen đã bảo vệ thành công thị phần số một của mình trong ngành tôn mạ. Tuy nhiên, lợi nhuận tích lũy giảm và công suất vay nợ đã được sử dụng tối đa cho việc bảo vệ thị phần tôn mạ (và cả ống thép) khiến cho Tập đoàn Hoa Sen không còn nhiều nguồn lực thặng dư để chuẩn bị cho kế hoạch thâm nhập thị trường thép xây dựng.
Một điều không thuận nữa với Tập đoàn Hoa Sen (và cũng là lợi thế của Hòa Phát) đó là Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen để thẩm định kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là về công nghệ và môi trường. Trong khi đó, Đại dự án thép xây dựng của Hòa Phát đang hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Như vậy, Tập đoàn Hòa Phát gần như đã thực hiện được đúng các ý đồ chiến lược của mình và sự suy giảm lợi nhuận trong ngành tôn mạ chính là một thành công lớn về chiến lược của Tập đoàn Hòa Phát.