Tùng BT: Trước khi thành 'host', tôi hay 'nói xấu' các Shark, sáng lập Saigon Tếu khi đang trầm cảm, ghét việc khởi nghiệp theo phong trào
Kinh doanh, khởi nghiệp, đầu tư,... được Tùng BT tự nhận là những thứ đã ngấm vào máu của anh, khiến anh nói thao thao bất tuyệt mà không biết chán. Vì thế, anh quyết định đảm nhận vai trò "host" của Sau bể cá mập - một chương trình "hot" về startup, đầu tư hiện nay.
Hẹn gặp anh Tùng BT - "Host" của chương trình "Sau bể cá mập", đồng sáng lập Saigon Tếu, người có 16 năm khởi nghiệp, tôi thật sự đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trái ngược với suy nghĩ anh là người điềm đạm và có vẻ… khó gần thì anh khiến tôi đứng hình bởi màn chào hỏi "dở khóc, dở cười".
Ở anh Tùng BT toát lên một năng lượng tích cực, anh say mê kể về các thương vụ, hành trình khởi nghiệp gian nan, tâm tư trăn trở dành cho thế hệ trẻ và về cả lý do khiến anh quyết định trở thành "host" chương trình được đông đảo giới tài chính, các nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư quan tâm.
Ít ai biết đằng sau sự hào sảng, dí dỏm, hài hước, anh Tùng BT (Tên thật Trần Thanh Tùng, SN 1988, TP. HCM) cũng có nhiều góc khuất, nỗi niềm đau đáu và cả suy tư khó nói nên lời…
Sau khi thành "host", tôi bớt "ghét" các Shark hơn
- Đến với "Sau bể cá mập", cảm xúc của anh thế nào? Đâu là lý do khiến anh nhận lời trở thành "host" chương trình?
Trước khi đến với "Sau bể cá mập", tôi dẫn một chương trình của FBNC - nhà đài về Kinh doanh và Tài chính. Còn bình thường, tôi hay ngồi ở vị trí được phỏng vấn chứ ít khi trở thành "host". Đảo lại vị trí khiến mọi thứ trở nên lạ lẫm, khác biệt. Từ người nói nhiều, thích phân tích, tôi phải… chậm lại để dành "đất" cho các "cá mập" và "startup".
Thú thực trước khi trở thành "host" chương trình hàng đầu về gọi vốn, đầu tư, tôi từng có nhiều bài "review" về "Shark Tank", và chủ yếu toàn "nói xấu" các Shark. Tôi từng thắc mắc: "Nhà khởi nghiệp này không có gì đặc biệt, tại sao các Shark lựa chọn đầu tư?", "Các Shark có đầu tư thật không?", "Hợp tác xong, mọi thứ đi đâu?", "Liệu các 'cá mập' đã hiểu rõ bản chất của startup?".
Trước khi là "host", theo dõi chương trình với lượng thông tin ít ỏi nên tôi luôn cảm thấy… chưa đã. Vì thế, tôi muốn mang những thắc mắc của mình để hỏi các Shark. Đến khi được giải đáp ngọn ngành, tôi mới hoan hỉ, hài lòng. Có nhiều thứ mà nếu không phải là "host", mình không hỏi sâu để nắm thông tin.
Ngoài ra, mục đích khác khiến tôi tham gia là muốn làm Marketing. Tôi cũng là người kinh doanh và khởi nghiệp 16 năm, vì thế tôi cũng muốn xây dựng thương hiệu cá nhân, mở rộng hệ sinh thái của mình.
- Có nhiều kinh nghiệm trong sáng tạo nội dung, là chuyên gia, diễn giả nhiều chương trình,... chắc hẳn anh không quá lo lắng khi đảm nhận vai trò "host"?
Bất cứ chương trình nào cũng đều có "format" riêng. BTC cũng cung cấp cho tôi bộ câu hỏi gợi ý, sau đó tôi dựa vào khả năng để khai thác, dẫn dắt, tôi tự hào vì "khui" được ra nhiều chuyện thú vị.
Tôi cũng là một "angel investor" (nhà đầu tư thiên thần), tôi đầu tư vào những doanh nghiệp nhỏ và những lĩnh vực là thế mạnh. Vì thế tôi tự tin về kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm. Thật ra, "Sau bể cá mập" tìm một người không hẳn là MC mà chỉ cần hoạt ngôn, nói đúng những gì đang diễn ra trong kinh doanh cùng với khiếu hài hước. Tôi thấy bản thân khá phù hợp ở vai trò này.
Tôi là "content creator" tính đến nay đã được 5 năm, cùng với quá trình trong quá trình giảng dạy, hỗ trợ các "startup" nên dễ nói lên bằng ngôn từ của mình. Tôi cũng là người thuộc trường phái nói chuyện tự nhiên, mọi người gặp tôi trên mọi nền tảng đều như một. Phong cách của tôi thế nào thì mang lên chương trình thế đó. Mọi thứ nằm trong máu, dường như không cần luyện tập nhiều.
- Anh đặc biệt ấn tượng với "startup" nào?
Đó là thương hiệu máy chiếu Beecube của nhà sáng lập Phan Anh Vũ. Bạn ấy là người trẻ nhưng rất thông minh, chọn mô hình kinh doanh ít rủi ro. Thông thường khi "startup" lĩnh vực công nghệ, nhiều người nghĩ ngay tới đầu tư nhà máy sản xuất nhưng Vũ không nghĩ vậy mà có sự đánh giá thị trường khách quan. Vũ nắm rõ được thế mạnh của ngành, hiểu được bản chất của ngành.
Tôi nghĩ Phan Anh Vũ là đại diện tiêu biểu cho những bạn trẻ khởi nghiệp, nhất là trong thời buổi thuế cao, chi phí vận chuyển lớn. Vũ rất giống cách kinh doanh của tôi, đó là không muốn quăng tiền qua cửa sổ mà muốn mọi thứ có sự đổi chác và gia tăng giá trị của công ty, giảm chi phí vốn, đồng thời vẫn giữ hoặc tăng lợi nhuận
- Vậy anh sẽ đưa ra lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang khởi nghiệp trong năm nay?
Tôi khuyên các bạn đừng khởi nghiệp vì tôi ghét khởi nghiệp theo phong trào. Tôi đã tham gia rất nhiều chương trình sinh viên, học sinh khởi nghiệp và nhận ra rất ít mô hình làm thật, thành công, còn lại chỉ dừng ở ý tưởng.
Tôi cũng đồng hành với các phong trào khởi nghiệp và chưa thấy một "startup" nào của sinh viên thành công, nếu có thì cũng được làm bởi những người không phải là sinh viên, sinh viên chỉ là người đại diện. Giới trẻ phải biết "giãn nở" hoàn toàn, từ những gì mình có được, ăn no mặc ấm để biết phát triển bản thân.
- Nhiều Shark, doanh nhân nổi tiếng ủng hộ phong trào sinh viên khởi nghiệp, nhưng anh lại khuyên các bạn trẻ đừng khởi nghiệp. Quan điểm của anh có hơi trái chiều?
Quan điểm của tôi hơi khác biệt so với người khác. Tôi học ngành Khoa học máy tính, do đó đọc rất sâu, hay "wording" những phần mềm máy tính và cảm thấy rằng khả năng hoàn thành sản phẩm của IT Việt Nam rất thấp, có thể gia công được. Nhưng để hoàn thiện một sản phẩm đặc thù rất khó, cần phải có chuyên môn.
Khởi nghiệp phải có R&D, tài chính, marketing, vận hành, nhân sự, pháp lý,... Cũng chính vì thế, 10 năm đầu tiên trong quá trình khởi nghiệp, có lúc tôi kiếm được rất nhiều tiền, nhưng cũng có lúc phá sản vì tôi thiếu một số kiến thức nhất định.
Từ trải nghiệm của bản thân, tôi thấy một sinh viên không thể có khả năng hội tụ những thứ đó. Nhưng tôi vẫn muốn tham gia những chương trình khởi nghiệp, vẫn muốn training, hỗ trợ sinh viên vì các bạn có tham vọng giống tôi thời trẻ. Tôi cũng khởi nghiệp từ lúc 19 tuổi, bắt đầu và không thể dừng được vì có "máu" kinh doanh. Đến nay, tôi có kiến thức, kỹ năng, người cố vấn, tiền bạc,... sẵn sàng hỗ trợ. Còn các bạn trẻ nhiều người chỉ đơn giản là… khởi nghiệp cho vui, thỉnh thoảng đạt được giải thưởng cao vì chỉ cần nói hay, thuyết trình giỏi. Những đối tượng không có hoài bão như vậy, tôi không hướng đến.
- Tính thực tế trong khởi nghiệp rất quan trọng, vậy đâu là cách anh giúp các bạn trẻ hiểu ra, tránh những mơ tưởng viển vông?
Trong khởi nghiệp, có một từ khóa rất quan trọng là MVP (minimum viable product) - sản phẩm khả dụng tối thiểu của doanh nghiệp. Nếu theo trường phái khởi nghiệp tinh gọn nhắm tới MVP, nghĩa là bạn bắt buộc phải tạo ra kết quả trước.
Có lần, tôi "mentor" cho một sinh viên trường UEH. Bạn ấy đạt được top 3 cho mô hình chuỗi fast food. Sản phẩm là sa kê - một loại quả được Liên Hợp Quốc công nhận là giải pháp cho nạn đói thế giới trong vòng 10 năm tiếp theo, có thành phần dinh dưỡng cụ thể. Đặc điểm của cây là dễ trồng, có thể nhân rộng. Tôi chỉ bảo bạn ấy làm đúng một việc là mở quầy ra ngoài đường bán. Và bạn ấy bán được 12 triệu đồng trước khi vào vòng trong. Đó là tính thực tế bởi bạn đã bán được, có tiền lời, có mô hình kinh doanh.
Một trong những việc cần làm trước khi qua đời là diễn hài độc thoại
- Vậy còn Saigon Tếu - Nhóm hài độc thoại gắn liền với tên tuổi anh thì sao, anh đã sáng lập như thế nào?
Lý do tôi tạo nên Saigon Tếu vì bản thân từng bị trầm cảm. Khoảng 72% người khởi nghiệp đều trải qua giai đoạn trầm cảm. Tháng 10/2018 tôi bị trầm cảm, lúc đó tôi tham gia thiền, lên chùa tịnh tâm 10 ngày và học được khá nhiều điều về Phật giáo. Tuy nhiên điều đó không thật sự khiến tôi vui vẻ, hạnh phúc. Cũng trong khoảng thời gian này, tình cờ tôi xem được hài độc thoại ở Singapore, học hỏi cách diễn và tìm kiếm diễn viên. Đến tháng 4/2020, nhóm hài độc thoại đầu tiên ở Việt Nam chính thức được thành lập.
Hiện tại, nhóm có khoảng 50 nhân viên nhưng chỉ có 7 diễn viên. "Format" video chỉ diễn tả được 40% nghệ thuật hài độc thoại. Hài độc thoại không phải là bộ môn diễn kịch. Khi đi xem kịch, mọi người sẽ ngồi rất gần nhưng cảm thấy không thể kết nối với người diễn. Nhưng ở hài độc thoại, mọi người vào sẽ được nói chuyện với diễn viên độc thoại.
Ở Hà Nội có một nhóm hài độc thoại được Saigon Tếu hỗ trợ, ai cũng có thể đăng ký đi diễn và tôi khuyên mọi người nên đi diễn một lần trong đời. Trong một vài cuộc khảo sát, 98% người Mỹ cho rằng, diễn hài độc thoại là việc họ phải làm trước mất. Bạn có thể đọc cuốn sách "Hài độc thoại" để hiểu thêm về bộ môn này, nó có công thức rõ ràng. Ở nước ngoài, hài độc thoại đã tồn tại từ rất lâu, nhưng ở Việt Nam, nó lại là bộ môn mới.
Giờ Saigon Tếu có lượng fan trung thành, tôi muốn thúc đẩy văn hóa này vì trung bình 1 phút cười 4 lần, trong 23 phút, người diễn phải khiến khán giả có 1 "big laugh" (cười lớn). Số lượng tiếng cười trong một thời điểm của hài độc thoại so với những bộ môn khác rất lớn. Mọi người sẽ không cảm nhận được cụ thể nếu không tham gia show online và offline.
- Những lợi ích mà hài độc thoại đem đến cho mọi người gồm những gì, thưa anh?
"Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ". Thời điểm Saigon Tếu ra đời là giai đoạn nhiều người mắc trầm cảm vì hệ luỵ của COVID-19. Còn hiện tại, dù cuộc sống đã bình thường hóa nhưng vẫn có nhiều người rơi vào trầm cảm, vì vậy tôi muốn mọi người có tiếng cười sảng khoái, càng cười nhiều thì đời càng vui. Khi cười, mọi áp lực đều tan biến.
Khi trở thành diễn viên hài độc thoại, bạn sẽ vừa phải viết kịch bản, vừa là người diễn, người tương tác với đám đông khán giả, vừa tự xây dựng trên mạng xã hội trực tuyến. Đó là lý do tại sao ở Mỹ rất là ưa chuộng bộ môn này, đòi hỏi chúng ta vận dụng nhiều kỹ năng. Vì vậy nên 1 diễn viên hài độc thoại sau này có thể trở thành "host", MC hoặc đơn giản là tự tin nói chuyện trước đám đông. Bộ môn này cũng giúp tôi hoạt ngôn hơn, dễ dàng truyền đạt ý kiến của bản thân hơn. Đây là kỹ năng rất quan trọng trong khởi nghiệp.
- Có những câu chuyện liên quan đến 18+ ở Saigon Tếu, nhiều người thì bày tỏ điều này không nên được lan truyền. Là người đứng sau chương trình, anh có ý kiến như thế nào?
Theo tôi, ngày nay thế giới này ngày càng cởi mở hơn, tự do ngôn luận hơn. Có một số thứ chúng ta không được nói cách đây 10 năm, nhưng bây giờ chúng ta nói hằng ngày và coi đó là chuyện bình thường.
Cũng như danh xưng "Tùng BT" (Tùng Biến Thái) được đặt từ 16 năm trước - thời điểm giáo dục giới tính còn hạn chế. Tôi không coi đó là một cản trở mà xem nó là thử thách. Lý do ra đời cái tên đơn giản là tôi muốn giáo dục giới tính cho mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Ngoài ra, tôi còn thành lập nên một số group tạo được tiếng vang về giáo dục giới tính như: Yêu là đủ, Loli & the wolf, Chào cờ, chào!
Tôi không nhận sự hỗ trợ từ gia đình nhưng nếu thất bại, tôi biết vẫn có nhà để về…
- Được biết cha anh đã có sự nghiệp huy hoàng, sao anh không kế thừa và phát triển mà lại chọn một lối đi chông gai hơn rất nhiều?
Khi khởi nghiệp, tôi bị phản đối ngay từ ban đầu nhưng tôi vẫn theo đuổi đam mê. Về sau, tôi cũng ít chia sẻ công việc với người thân, đôi khi mọi người đọc báo mới biết tôi đang làm gì. Đơn giản là tôi không muốn cha mẹ phiền lòng.
Nhà tôi có điều kiện kinh tế khá, nhưng tôi không kế thừa sự nghiệp của cha mà tự khởi nghiệp. Tôi không vay mượn một đồng nào từ gia đình, không nhờ sự hỗ trợ từ cha mẹ nhưng tôi hiểu, dù có thất bại ê chề, tôi vẫn có mái nhà để trở về.
Tính đến nay, tôi có 2 thất bại lớn trong đời. Lần đầu là ở độ tuổi 19 - 25 tuổi, lý do là khi khởi nghiệp, do thiếu kiến thức nên bị đối tác lừa gạt. Lần thứ 2, tôi thất bại do thiếu kiến thức về tài chính. Bản chất của kinh doanh là chơi với tiền mà không nắm vững bản chất thì chết chắc. Giờ ngẫm lại, điều hối hận nhất của tôi là không bỏ ra 4,5 triệu đồng để đăng ký học một khóa kế toán, hậu quả là tôi đã mất hơn 10 tỷ đồng.
Giờ đang hot bộ phim "Mai" của Trấn Thành. Thời tôi bằng tuổi Dương (Sâu), tôi đã có sự nghiệp riêng, có nhà, có xe. Khi đó mà tình yêu tới, chắc chắn tôi chẳng để vuột mất như Sâu. (cười lớn).
- Bây giờ khi nhìn lại, anh thấy đâu là điều anh tự hào nhất và đâu là thế mạnh của anh?
Nghề của tôi là kinh doanh, thế mạnh về Marketing. Tôi có chuyên môn kinh doanh tổng quát. Nhìn lại, việc học Khoa học máy tính cũng giúp tôi xây dựng tư duy logic, mỗi lần nghiên cứu thứ gì đó, tôi thường "đào" rất sâu và học rất nhanh.
- Cách phân bổ thời gian của anh như thế nào và hiện tại anh có cảm thấy quá tải công việc không?
Lúc nào tôi cũng thấy quá tải, vì quá tải là bản chất của việc phát triển liên tục. Khởi nghiệp là "tự thân vận động". Để giảm bớt áp lực, đỡ tốn nhiều thời gian, tôi xây dựng hệ thống bài bản và để hệ thống vận hành tự động. Hiểu đơn giản là giờ tôi lắp con người vào bộ máy để có thời gian thảnh thơi hơn.
Khi có thời gian rảnh rỗi, tôi không quen mà luôn kiếm thêm chuyện để làm. Giờ tôi ngồi đây với bạn nhưng nhiều công ty và hệ thống của tôi vẫn đang tự vận hành. Thậm chí có một số quy trình: level 1 tự vận hành, level 2 tự phát triển,…
Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị!