Từng bị trêu chọc là “thằng bán dấm”, 8X này giành học bổng ở Canada và gọi vốn được 4 tỷ đồng cho sản phẩm nhà làm
Từng tự ti vì bạn bè gọi là “thằng bán dấm”, rồi trải qua những ngày tháng bị mẹ đón muộn ở trường vì mẹ bận giao hàng, 8X Hà Nội vừa được ông chủ Sunhouse và Sam Holdings đầu tư 4 tỷ đồng cho sản phẩm dấm gạo và hồ tiêu muối với 36% cổ phần công ty.
Từng bị trêu chọc là “thằng bán dấm” và "đói meo" ở trường vì mẹ đón muộn
Trần Tâm Phương sinh năm 1988, vốn là con nhà nòi khi bố mẹ đều là những người làm trong lĩnh vực khoa học.
Mẹ anh, bà Trần Thị Mai Loan, vốn làm tại Viện Hóa – trực thuộc Viện Khoa Học Việt Nam. Cách đây hơn 20 năm, bà nhìn thấy tiềm năng thương mại hóa của sản phẩm dấm gạo, đồng thời nhu cầu tài chính của gia đình tăng khi con trai được sinh ra nên bà đã quyết định mở xưởng sản xuất tại nhà. Câu chuyện Dấm gạo Thủy Tâm bắt nguồn từ đó.
Lớn lên cùng dấm gạo, lúc nào Phương cũng thấy mẹ tất bật, luôn chân luôn tay. Có lần Phương tự hỏi: “Sao mẹ phải tập trung vào những sản phẩm như thế, bận bịu suốt ngày”.
Phương kể, có những lúc Phương bị bỏ đói ở trường vì mẹ đến đón muộn do bận giao hàng. Rồi lớn lên một chút, Phương giúp mẹ giao hàng ở các chợ. Nhiều lần, trong ký ức tuổi thơ của mình, Phương bị bạn bè trêu chọc và gọi là “thằng bán dấm”.
Phương từng học tại chuyên Amsterdam và thi đậu vào lớp Cử nhân tài năng khoa Hóa của ĐH Quốc gia Hà Nội. Rồi sau đó, con đường học tập tiếp tục rộng mở với học bổng toàn phần 35.000 USD tại ĐH British Columbia (Canada) ngành công nghệ hóa.
Năm 2011, Phương tốt nghiệp và trở về Việt Nam. Từ rất lâu trong suy nghĩ của mình, 8X này đã cảm nhận rằng những sản phẩm bố mẹ làm hoàn toàn có thể thương mại hóa được. Nhưng đến khi đi học ở nước ngoài, anh càng thấy tiềm năng của sản phẩm và nếu không tiếp quản thì sản phẩm sẽ khó phát triển được khi mẹ không còn làm.
Chuẩn bị 1 năm để gọi vốn
Phương chia sẻ, anh đã chuẩn bị một năm cho màn gọi vốn ở Shark Tank. Anh dẫn mẹ và em gái đến chương trình gọi vốn 3 tỷ đồng cho 15% cổ phần công ty Viet Ferm, sở hữu thương hiệu dấm gạo và hồ tiêu.
Theo chia sẻ của Phương, doanh thu mỗi năm từ dấm gạo, hồ tiêu ngâm vào khoảng 2,5 tỷ đồng. Mặc dù dấm gạo không phải sản phẩm mới lạ gì trên thị trường và có sự cạnh tranh nhất định, nhưng hồ tiêu ngâm là sản phẩm mới phát triển trên nền tảng của cái cũ và mang lại biên lợi nhuận tốt.
Phương cùng mẹ và em gái gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam.
Hồ tiêu ngâm có chi phí sản xuất là 20.000 đồng/lọ, bán ra 50.000 đồng/lọ. Còn dấm, chi phí sản xuất là 6.000 đồng/chai, bán buôn 8.000 đồng/chai, bán lẻ 10.000 chai. Hiện nay, thị trường là hàng trăm cửa hàng truyền thống và thương hiệu phở Lý Quốc Sư.
Phương cho biết, số tiền 3 tỷ đồng nếu huy động được từ các shark sẽ chi 1,2-1,5 tỷ đồng cho nhà xưởng trong năm đầu, 500 triệu đồng cho marketing. Số tiền còn lại sẽ mở rộng thị trường trong năm thứ 2.
Shark Nguyễn Xuân Phú – Nhà sáng lập – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse hỏi Phương: Số tiền 3 tỷ gia đình hoàn toàn có thể vay được, sao lại gọi vốn? Phương đáp: “Bọn em đến đây với cái tâm của người làm nghề, biết các Shark là người có kinh nghiệm trong kinh doanh nên nếu kết hợp được sẽ nâng sản phẩm lên tầm cao mới”.
4 tỷ cho 36% cổ phần công ty
Shark Trần Anh Vương – CEO CTCP SAM Holdings và Shark Phú rất thích thú với dự án hồ tiêu và dấm của Viet Ferm.
“Anh rất thích sản phẩm này, hiện tại công ty anh sở hữu thương hiệu bánh kẹo Hoàng Mai với sản phẩm bánh kẹo Richy. Đó đều là thương hiệu lớn trong ngành thực phẩm. Đội ngũ bán hàng lên tới hàng nghìn người, doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm nên nếu kết hợp được thì tốt. Tuy nhiên, anh muốn 3 tỷ cho ít nhất 35% cổ phần”, Shark Phú nói.
Trong khi đó, Shark Vương muốn có sự kiểm soát ở mức 40%: “Tập đoàn anh có đầu tư vào nông nghiệp, anh có vùng hồ tiêu nguyên liệu và có nhà máy sản xuất hồ tiêu xuất khẩu ở Đắc Nông nên cũng quan tâm. Anh muốn anh và anh Phú sẽ nắm 40% cổ phần”.
Tuy nhiên, CEO Viet Ferm chỉ muốn dừng ở mức 25% cổ phần vì anh lo ngại, nếu ai đó chiếm đến 50% cổ phần công ty thì mất quá nhiều quyền kiểm soát công ty.
Shark Phú cho rằng Phương nên thoát khỏi tư tưởng nắm giữ nhiều hay ít cổ phần. Ông lấy ví dụ, founder của các công ty lớn như FPT, Thế giới Di động chỉ nắm từ 5-10%. Nếu founder mà giữ đến 80% thì công ty sẽ phát triển chậm.
Shark Vương đưa ra đề nghị: 4 tỷ cho 36% cổ phần công ty.
Trong giây phút lưỡng lự và suy nghĩ, Shark Vương thuyết phục: “Anh với anh Phú tham gia thì công ty có thêm 2 sức mạnh. Shark Phú mạnh về phân phối, anh thì mạnh về nông nghiệp và đang đầu tư nhiều ở Tây Nguyên. Đây là cơ hội để đưa hồ tiêu, dấm gạo phát triển ra thế giới”. Và CEO Viet Ferm đồng ý nhận 4 tỷ đồng vốn góp cho 36% cổ phần công ty.