Từng "ăn mòn" lợi nhuận trong quý 3/2021, giá heo đang từng bước quay về đỉnh cũ và "thổi giá" Dabaco, HAGL tăng mạnh
Hưởng lợi từ giá heo còn có "tân binh" Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Gia nhập từ năm 2020, mảng nuôi heo sau 1 năm nhanh chóng trở thành nguồn thu chính của doanh nghiệp khi đóng góp đến 190 tỷ đồng doanh thu – ngang ngửa con số từ mảng chủ lực hiện nay là cây ăn trái. Thậm chí, biên lãi cao khiến heo thu lợi gộp hơn 94 tỷ đồng – gấp đôi lợi nhuận từ cây ăn trái. Sang quý 3, heo tiếp tục đem về cho HAGL gần 183 tỷ đồng doanh thu.
Sau đợt suy giảm mạnh kéo lùi lợi nhuận của doanh nghiệp chăn nuôi, giá heo đang bật tăng và lần lượt quay về mốc cũ trong thời gian gần đây. Tính đến cuối tháng 10/2021, giá heo hơi toàn quốc đã bật tăng trở lại trong ngưỡng 45.000 – 50.000 VND/kg, tăng trưởng 30-40% từ mức thấp nhất hiện tại.
Giới phân tích cũng cho rằng sự cải thiện giá heo hơi đến từ những chuyển biến tích cực hơn đối với thị trường heo hơi trong quý 4/2021, khi Chính phủ gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội tại miền Nam, giúp kinh tế phục hồi và cải thiện chuỗi cung ứng liên tỉnh.
Trong đó, các tín hiệu tích cực bao gồm chợ truyền thống mở cửa trở lại, các chuỗi nhà hàng và quán ăn được phục vụ tại chỗ trở lại, sự đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc xin cho trẻ em theo lộ trình mở cửa trường học và đặc biệt vận chuyển liên tỉnh quay trở lại mức bình thường kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt heo tại miền Nam kể từ quý 4/2021.
Mặt khác, Dabaco (DBC) mới đây cũng đã đạt được những bước tiến mới về vắc-xin chống dịch tả lợn thúc đẩy sự tích cực trên thị trường. Cổ phiếu trên sàn theo đó nhanh chóng "khởi nghĩa", chốt phiên cuối tuần trước (vào ngày 5/11) với giá 63.800 đồng/cp, thanh khoản tăng đột biến.
Được biết, DBC hiện là doanh nghiệp lớn trong mảng chăn nuôi lợn với hệ thống trang trại lớn trải dài ở các tỉnh phía Bắc, cung ứng hàng vạn lợn giống thương phẩm mỗi năm.
Tính đến cuối năm 2020, chi nhánh Lạc Vệ tại Bắc Ninh hiện nuôi 1.800 lợn nái, cung ứng 40.000 lợn giống thương phẩm; chi nhánh DBC Hải Phòng đang nuôi 2.200 con nái cơ bản, cung ứng 60.000 lợn giống thương phẩm; chi nhánh Hà Nam đang có 3.200 lợn nái, cung ứng 90.000 lợn giống thương phẩm, chi nhánh Phú Thọ với 4.800 lợn nái… Ngoài ra, Công ty hiện đang có chi nhánh lợn giống hạt nhân với lượng cung ứng lên đến 55.000 – 60.000 giống nuôi thịt hàng năm.
Hiện, DBC cũng đang chi đến 1.000 tỷ đồng đầu tư trang trại tại Tuyên Quang với quy mô 2.000 con lợn nái, dự kiến cung ứng 60.000 lợn giống thương phẩm mỗi năm.
Hưởng lợi từ giá heo còn có "tân binh" Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Gia nhập từ năm 2020, mảng nuôi heo sau 1 năm nhanh chóng trở thành nguồn thu chính của doanh nghiệp khi đóng góp đến 190 tỷ đồng doanh thu – ngang ngửa con số từ mảng chủ lực hiện nay là cây ăn trái. Thậm chí, biên lãi cao khiến heo thu lợi gộp hơn 94 tỷ đồng – gấp đôi lợi nhuận từ cây ăn trái. Sang quý 3, heo tiếp tục đem về cho HAGL gần 183 tỷ đồng doanh thu.
Dù chỉ vừa tham gia, HAGL tuyên bố đã hoàn thiện hệ thống chuồng trại, sẵn sàng cho năm 2022 triển khai nuôi 15.000 heo nái sinh sản và 300.000 heo thịt xuất chuồng mỗi năm. Đồng nghĩa, nuôi heo cũng sẽ là 1 trong 2 mảng chủ lực thời gian tới của HAGL, song song với cây ăn trái.
Trên thị trường, cổ phiếu HAG đã có những phiên tăng trần tích cực gần đây, sau chuỗi ngày ì ạch. Kết phiên hôm 5/11, HAG kịch trần tại mức 5.740 đồng/cp, thanh khoản giao dịch lên đến 33 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh tiềm năng từ mảng heo, thực tế bức tranh kinh doanh tại HAGL đang sáng hơn với 2 quý liên tiếp có lãi, sau khi bầu Đức nhường lại công ty nông nghiệp cho Thaco "cầm lái". Trút bỏ đứa con từng rất kỳ vọng, bầu Đức chia sẻ không hề hối tiếc và tuyên bố từ nay "Tôi không còn là chúa nợ".
Thực tế, nợ vay tại HAGL giảm đáng kể. Tính đến thời điểm 30/9/2021, tổng nợ phải trả cũng giảm đáng kể xuống còn 1/2 đầu kỳ với 13.435 tỷ đồng. Dư nợ vay chiếm 62% với nợ vay ngắn hạn 1.529 tỷ đồng (giảm mạnh so với mức 8.772 tỷ đầu kỳ) và dư nợ dài hạn 6.791,5 tỷ đồng (giảm mạnh so với mức đầu kỳ 9.331 tỷ đồng). Như vậy, dư nợ vay sau 9 tháng của Công ty giảm đến 9.800 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp quy mô khác cũng thu về hàng ngàn tỷ doanh thu từ nuôi heo hàng năm, bên cạnh mảng cốt lõi là Hoà Phát (HPG). Tham gia nuôi heo từ nhiều năm trước, giai đoạn 2019-2020 khi giá heo liên tục tăng trưởng, HPG cũng hưởng lợi với đà tăng thậm chí đạt 3 chữ số.
Riêng quý 3/2021, do tình hình giá heo hạ nhiệt doanh thu mảng này tại HPG ghi nhận giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái với 1.568 tỷ đồng. Tương ứng, lợi nhuận cũng giảm 11% xuống mức 75 tỷ.
Điểm lại, giá heo hơi đã có sự hạ nhiệt kể từ đầu năm 2021 khi ảnh hưởng của dịch ASF suy giảm đáng kể giúp nguồn cung heo phục hồi trở lại. Tuy nhiên, xu hướng giảm giá heo hơi đã tăng tốc trong quý 3/2021 khi ảnh hưởng của giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại miền Nam đã khiến các cửa chuỗi nhà hàng và quán ăn tại Tp.HCM phải đóng cửa. Ngoài ra, tình trạng đứt gãy của chuỗi cung ứng liên tỉnh khiến nguồn cung heo quá lứa (120 – 150 kg) chiếm khoảng 30% tổng đàn heo toàn quốc, gia tăng áp lực giảm giá bán trên thị trường.
Kết quả, giá heo hơi nội địa suy giảm mạnh với mức giảm giá 40% trong quý 3/2021. Sau 9 tháng giảm giá liên tục, giá heo hơi trong hai tuần đầu tháng 10/2021 đang dừng tại ngưỡng 35.000 VND/kg (-56% kể từ đầu năm 2021).
Chiều ngược lại, chi phí nuôi tăng cao do biến động giá cả hàng hoá toàn cầu, heo theo chia sẻ bởi Chủ tịch DBC – ông Nguyễn Như So – đang ăn hết sổ đỏ người dân và ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp. Riêng DBC, quý 3/2021 chứng kiến sự lao dốc mạnh của lợi nhuận khi chỉ còn 138 tỷ đồng, giảm đến 64% so với cùng kỳ năm trước.