Tự tử - Căn bệnh đáng sợ sắp soán ngôi ung thư trong thế giới loài người
Đã bao giờ bạn cảm thấy cô đơn ngay cả khi ở bên cạnh những người thân thiết của mình. Cảm thấy cô độc ngay trong cuộc sống hiện đại, khi mà người ta có thể kết nối với nhau dù cách nhau cả nửa vòng trái đất. Sự cô độc đó không có thuốc chữa và khi lên đến đỉnh điểm, nó chỉ có thể kết thúc bằng cái chết…
Thống kê kinh hoàng
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2014, cứ mỗi 40 giây lại có một người tự tử trên thế giới. Mỗi năm thế giới có 800 ngàn trường hợp tự kết liễu mạng sống của mình. Đặc biệt hơn cả, 25% các trường hợp tự tử xảy ra ở các nước phát triển, giàu có. Số người chết vì tự tử còn nhiều hơn cả nạn nhân của chiến tranh và thảm họa hàng năm.
Tại New York (Mỹ), số người chết vì tự tử còn nhiều hơn số người bị giết hại. Năm 2012, qua thống kê cho thấy số lượng binh sĩ Mỹ tự tử còn nhiều hơn số binh sĩ tử trận. Còn tại Nhật Bản, cứ mỗi ngày lại có khoảng 88 người chết vì tự tử, điều này đã khiến đất nước mặt trời mọc trở thành nơi có tỉ lệ tự tử cao nhất thế giới.
Các nghiên cứu đã cho thấy phần lớn nguyên nhân của các vụ tự tử đều xuất phát từ một căn bệnh không có thuốc chữa, đó là cô đơn. Đó là khi một người phải đối mặt với nhiều áp lực trong công việc, trong cuộc sống và bị cô lập ngay cả với chính gia đình người thân.Từ đó, dẫn đến việc trầm cảm và con người trở nên bế tắc, mất phương hướng. Họ tìm đến cái chết như một sự "lối thoát" cho cuộc sống này.
Dù không phải một căn bệnh thực sự nhưng cô đơn đang dần trở thành một "đại dịch" trên toàn thế giới và nguy hiểm hơn nhiều căn bệnh giết người mà y học bó tay. Theo các bác sĩ tâm lý, để thoát khỏi sự cô đơn ấy với hầu hết mọi người đều không hề dễ dàng. Bởi ngoài sự thay đổi của bản thân thì nó còn tùy thuộc vào sự chấp nhận của xã hội.
Chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển như vũ bão, nó giống như một chuyến tàu cuối ngày, nếu bạn không cố gắng đến đúng giờ, thậm chí là đến sớm thì bạn sẽ bị bỏ lại và không có cơ hội bắt chuyến tàu tiếp theo. Xã hội này cũng vậy, nếu bạn không chủ động chuẩn bị, thích nghi với nó thì bạn sẽ trở thành một kẻ lạc hậu bị bỏ lại đằng sau. Chính những áp lực từ việc chạy đua với sự phát triển, đặt gánh nặng lên vai từng cá nhân đã khiến con người trở nên cô độc ngay cả khi đứng trong đám đông. Họ cùng nhìn về phía trước, nhưng họ không nhìn về nhau.
Áp lực ấy không chỉ ở người trưởng thành mà nó tích tụ từ khi chúng ta còn nhỏ. Như khi đi học, chúng ta phải đối diện với áp lực bài vở, thành tích. Khi lớn lên, áp lực phải tìm một công việc tốt, lương cao, có vị thế luôn đè trên vai và tại công sở, áp lực công việc, chức vị lại tiếp tục dồn nén. Điều đáng nói, trong những gì đã nếu trên, áp lực từ gia đình lại là điều khiến con người ta mệt mỏi nhất. Vốn dĩ, gia đình nên là nơi giúp con người đứng vững trước "sóng gió" của cuộc đời. Nhưng với một số người, hai chữ gia đình lại là tảng đá nặng trĩu, kéo họ đến gần với cái chết.
Hãy lắng nghe và chia sẻ
Sự phát triển của internet, của thế giới ảo, của Facebook, Twitter… tưởng chừng như đã cứu rỗi những con người đang phải chịu nhiều áp lực của cuộc sống, chịu sự cô đơn. Họ có thể tìm kiếm bạn bè từ khắp nơi, thể hiện những gì họ thích dưới một cái tên ẩn danh và không phải chịu sự phán xét từ bất cứ ai.
Thế nhưng, sự thật không phải như vậy. Chính từ thế giới ảo ấy, con người dần sống xa cách với nhau, dẫn tới việc họ thiếu sự giao tiếp, cô đơn và lạc lõng hơn. Năm 2015, Đại học Michigan (Mỹ) đã công bố một nghiên cứu cho thấy sự cô đơn, buồn chán, thất vọng ở những người trẻ tỉ lệ thuận với thời gian họ dành lang thang trên các mạng xã hội. Một nghiên cứu khác ở Hàn Quốc cho thấy hầu hết người nghiện game online tại đây đều chịu tổn thương bởi nhiều loại áp lực và họ sống trong thế giới game chi để trốn thoát thực tại.
Internet cũng khiến chúng ta dần thay đổi cách giao tiếp liên hệ với nhau. Thay vì tiếp xúc, lắng nghe trực tiếp và cảm nhận từng thay đổi, cử chỉ, nét mặt để thấu hiểu nhau hơn thì giờ đây con người lại giao tiếp với nhau bằng những dòng chữ khô khan, những biểu tượng không thể hiện cho cảm xúc thực tế của mình. Trước kia, khi chưa có internet, họ có thể hẹn hò, tụ tập để cùng chia sẻ những áp lực cuộc sống nhưng giờ đây, mọi thứ đều được chia sẻ trên mạng xã hội để mọi người đều có thể vào nhận xét. Và từ đó đã có những người "câu like" bằng việc đưa lên những thông tin không có thật chỉ để nhận được sự quan tâm của nhiều người trong thế giới ảo, bởi thực tại họ đã quá cô đơn.
Và dường như, sự thay đổi cách thức kết nối ấy làm con người chưa thể thích ứng được. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh, số lượng bệnh nhân trầm cảm tăng lên theo sự phát triển của Internet là một hệ quả cho thấy bộ não đang chống lại thay đổi đột ngột do hình thức giao tiếp mới mang đến. Có một sự thật bạn cần phải biết rằng, những kẻ mạnh mẽ, quá khích có thể khiến ta tò mò dõi theo. Thế nhưng, kỳ thực, những người cân bằng và lạc quan mới đem lại cho ta năng lượng tích cực. Và trên thực tế, chúng ta đang dành quá nhiều thời gian của cuộc đời cho những thứ vô bổ chỉ nhằm mục đích "thỏa mãn trí tò mò" mà đánh mất sự kết nối với những mối liên hệ bền vững, chất lượng.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, nhiều người đang dần mất đi khả năng cơ bản nhất đó chính là giao tiếp. Điều đó khiến họ không thể lắng nghe và chia sẻ, khiến họ bị cô lập ngay cả trong gia đình chứ chưa nói đến xã hội. Chính điều đó tạo nên những con người cô đơn đến cùng cực, phải tìm lấy cái chết để trút bỏ gánh nặng đang mang trên vai. Để thay đổi, cứu chữa được "căn bệnh cô đơn", hãy lắng nghe, chia sẻ và giao tiếp nhiều hơn. Một câu chuyện, một lời chia sẻ, một phút lắng nghe của chúng ta, đôi khi đáng giá bằng một mạng sống.