img


Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 1.

Một ngày bình thường, không báo trước, "nó" xuất hiện. Bạn rơi vào trạng thái lo âu thường trực, dù không chắc lo âu điều gì. Dần dần "nó" biến thành cơn sợ hãi. Cảm giác nặng như chì đè lên lồng ngực. Bạn cô đơn cùng cực. Bạn biết mình đang sống, nhưng một phần nào đó bên trong bạn đang chết. Bạn vẫn ngồi cà phê, dạo trung tâm mua sắm, nhưng các hình ảnh bình thường trước đây bỗng dưng trở nên xa rời. Bạn nghe thấy, nhưng không thể nhập vào câu chuyện của bạn bè xung quanh. Thế giới như được nhìn qua một tấm kính mờ đục...

Bạn có thấy những cảm giác này quen thuộc?

Hy vọng "không". Bởi, nếu "có", bạn đã rơi vào hố đen đau ốm tinh thần. Đó có thể là ám ảnh cưỡng chế, tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách… Nhưng phổ biến nhất, là trầm cảm.

Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 2.

Khoa, 28 tuổi, art director cho công ty quảng cáo. Ngoài công việc chính, anh còn tham gia điều hành một diễn đàn âm nhạc. Môi trường làm việc năng động, cơ hội giao tiếp đến từ nhiều hướng. Thế rồi, cách đây một năm, Khoa xin nghỉ việc. Đồng thời, anh cũng "biến mất" khỏi các không gian đời thực cũng như trên mạng. Trong một email trao đổi với bạn thân, anh cho biết đang tự chữa bệnh. Miêu tả tình trạng bản thân, anh viết: "Đó là chuỗi ngày căng thẳng, mệt mỏi triền miên, không lối thoát. Tôi duy trì thói quen làm việc, nhưng cơ thể chống lại tôi. Càng cố gắng càng tăng cảm giác mất cân bằng và lo sợ. Thoạt đầu, tôi tin có đủ sức mạnh để chịu đựng những điều như thế. Nhưng đến một lúc, tôi cần dừng lại để chỉnh sửa, cài đặt lại chính mình."

Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 3.

Hoàng, một nhà báo, miêu tả giai đoạn xuống dốc tinh thần giống như trải qua việc mất đi người mẹ thân yêu. Anh không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào. Cuộc sống không còn màu sắc và âm thanh, chỉ là "bản vẽ hai chiều" bằng phẳng, đơn điệu. Không tìm thấy tiếng nói và cảm xúc của bản thân, anh chỉ có thể mơ hồ nhớ về mình như một điều không thật.

Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 4.

Hằng ngày, chúng ta vẫn đang giao tiếp với các nhân vật như kể trên. Hoặc, chúng ta chính là một trong những nhân vật kể trên. Nhưng, rất ít ai trong chúng ta nhận biết và thừa nhận, mình đang bước trên rìa hay vừa rơi vào hố đen kiệt quệ tinh thần.

Cách sát thủ tiếp cận nạn nhân thường đáng sợ hơn khi hắn hiện ra. Những sát thủ tinh thần đến với ta âm thầm, không có dấu hiệu rõ rệt. Ban đầu có thể là các thay đổi trong biểu hiện giao tiếp như khó chịu, cáu gắt, cô lập bản thân. Rồi tình trạng mệt mỏi thể chất, các triệu chứng chán ăn, mất ngủ. Và cuối cùng, ta bỗng thấy mình rơi vào địa ngục cảm xúc không lối thoát.

Nguy hiểm hơn, mọi thứ đều là các thay đổi bên trong tâm trí. Người ngoài rất khó nhận ra. Bản thân chúng ta, khi gặp bất ổn cũng giấu kín, tự tìm cách xoay xở. Cấp độ dần tăng. Từ tâm lí, nỗi đau chuyển dần sang thể xác, chúng ta rời bỏ công việc, tự nhốt mình, đối xử tệ với bản thân. Rất nhiều trường hợp, khi chuyện đã đi đến chỗ bi thảm, xung quanh mới ngỡ ngàng biết được tình trạng thật sự của người ở ngay sát cạnh bên, qua thư từ hay nhật ký để lại.

Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 5.

Khát khao kiến tạo và hoạt động trong một xã hội phát triển, nhưng chúng ta quên rằng, càng phát triển, áp lực từ xã hội ấy đặt lên từng cá nhân càng tăng. Ngày nay, áp lực là thứ mặc nhiên chúng ta phải chung sống, ở mọi lĩnh vực, với đủ cấp độ. Ở trường phổ thông, ta đối diện thúc ép bài vở, điểm số, thi cử để vào đại học, cạnh tranh giành suất học bổng nhiều kẻ khát khao. Tốt nghiệp, ta mong có công việc tốt, khẳng định vị trí xã hội. Đến công sở, ta lao vào các cuộc đua mang tên deadline, địa vị, lương bổng. Trong gia đình, nơi lẽ ra bình yên hơn cả, ta cũng chịu tác động bởi các kỳ vọng của người thân. Cả khi không có ai, ta vẫn phải đối diện các hối thúc làm sao đẹp hơn, giỏi hơn, kiếm tiền nhiều hơn... Áp lực không chỉ tạo ra bởi xã hội, chúng nằm ngay trong nội tại chúng ta.

Ở mặt tích cực, áp lực khiến cá nhân ta sống có mục đích, nỗ lực không ngừng. Tuy nhiên, cái bẫy của việc đặt ra mục đích sống, đôi khi, chính là mọi thứ còn lại đều như mất sạch sự sống.

Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 6.

Thời đại nào, áp lực sống luôn tồn tại. Thế kỉ 21, chúng tăng lên, nhưng chỉ trở nên quá mức chịu đựng, một phần bởi điều kiện bám rễ ở môi trường Internet. Có một sự thật kỳ lạ: Tính kết nối phi thường của Facebook, Twitter, Instagram không những không khiến con người hạnh phúc hơn, mà có xu hướng khiến họ u buồn, cô độc và lạc lõng hơn. Nghiên cứu của Đại học Michigan năm 2015 cho kết quả: Sự buồn chán, thất vọng ở người trẻ tỉ lệ thuận với thời gian họ dành lang thang trên các mạng xã hội. Một nghiên cứu khác ở Hàn Quốc, nơi được mệnh danh "thiên đường Internet", cho thấy hầu hết người nghiện game online tại đây đều chịu tổn thương bởi nhiều loại áp lực, và game như một cách trốn thoát thực tại.

Hai thập niên trở lại đây, Internet thay đổi cách thức chúng ta liên hệ với nhau, rất nhanh, rất sâu. Cả triệu năm qua, giao tiếp con người chủ yếu dựa trên tiếp xúc trực tiếp. Gặp gỡ ai, ta nhìn vào mắt họ, nghe giọng nói họ, chạm vào họ, cảm nhận sự hiện diện của họ… Thế nhưng, Internet đang thay thế sự hiện diện này, nhanh đến mức não bộ con người chưa kịp thích ứng. Chúng ta đều biết, cảm xúc phát xuất từ não, không phải trái tim. Não bộ là nơi sản sinh các hormon quyết định cảm xúc chủ đạo trong ta như yêu thương, vui sống, hay nóng giận, bi quan… Mất kiểm soát trong việc điều tiết lượng hormon dẫn đến các rối loạn tâm thần. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh, số lượng bệnh nhân trầm cảm tăng lên thời hiện đại là một hệ quả, cho thấy bộ não đang chống lại thay đổi đột ngột do hình thức giao tiếp mới mang đến.

Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 7.

Ngày nay, các liên hệ xã hội có thể chia ra làm hai loại: Liên hệ mạnh bao gồm gia đình, họ hàng, bạn thân, láng giềng… Và liên hệ yếu, là những người xa lạ, các thành viên trong cộng đồng mạng, nhân vật truyền hình, các ngôi sao thường hiện lên trong các bản tin… Về bản chất, liên hệ mạnh mới là căn bản, quan trọng cho sự phát triển nhân cách. Internet giúp làm dày đặc các kết nối, phạm vi liên hệ mở rộng toàn cầu, thậm chí cho ta cơ hội giao tiếp với các celeb đỉnh nhất chỉ thông qua một cú click. Thế nhưng, đó vẫn là các liên hệ yếu.

Bên cạnh tác động tích cực, mạng xã hội không phải không khuyến khích các cảm giác tiêu cực: Lòng đố kị, thói phê phán, các cơn cuồng nộ hay cảm giác tự ti. Chúng ta có xu hướng đăng tải hình ảnh xinh tươi, hoàn hảo lên mạng, và mong chờ điều tương tự từ các thành viên trong mạng lưới. Hạnh phúc, vẻ đẹp, lời ngợi khen, sự tôn vinh được lượng hóa bằng số like và lượt share, dần dần trở thành nỗi ám ảnh. Khi khoảng cách giữa thực tại và thế giới ảo tăng lên, ta có xu hướng vứt bỏ cuộc sống thật để chạy theo ảo giác. Trong mạng lưới của những liên hệ yếu, ta bào mỏng mình, cho đến khi cái "tôi" cá nhân biến dạng. Ta trở thành một zombie của thời đại công nghệ. Từ tình trạng này đến chứng trầm cảm, khoảng cách chưa đầy một bước chân.

Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 8.

Giống như thuật ngữ "bệnh tim" dùng để chỉ nhóm bệnh liên quan đến tim, "rối loạn tâm thần" dùng cho một nhóm bệnh xuất phát từ não bộ chúng ta.

Tổ chức Y tế Thế giới (WH0) cho biết, số người chống chọi với các bệnh rối loạn tâm thần hiện vượt quá 300 triệu, khoảng 4,4% dân số thế giới. Trầm cảm là căn bệnh dẫn đầu, nguyên nhân của hơn 800 ngàn vụ tự sát mỗi năm. Năm 2020, đây sẽ là nhóm bệnh nguy hiểm thứ hai, chỉ sau các bệnh tim mạch, ở mức độ ảnh hưởng cuộc sống con người. Việt Nam không ngoại lệ. Cũng theo WHO, hơn 3,5 triệu người Việt phải chống chọi các chứng rối loạn tâm thần. 40 ngàn trong số đó chọn cách chấm dứt cuộc sống mỗi năm.

Như thế là ít hay nhiều?

Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 9.

Hãy nhìn ra xung quanh. Cứ 100 người, sẽ có khoảng 4 người đang mắc các chứng rối loạn tâm thần và trầm cảm. Trong số 100 người không may ấy, 1 người tìm đến đến cái chết để chấm dứt nỗi khổ đau. Con số này cao hơn tỉ lệ người chết vì thuốc lá. Hằng ngày, ta vẫn đọc tin tức các vụ tự tử do áp lực công việc, thất tình, chán nản với cuộc sống… Tất cả đều xuất phát từ các vấn đề tâm lí, nhưng rất ít người nhận thức đúng về nó.

Thực tế, chúng ta đều là nạn nhân tiềm năng của sát nhân giấu mặt. Thống kê cho thấy, cứ 3 người lại có 1 người từng trải qua các bất ổn về tâm thần, tập trung nhiều nhất ở tuổi thiếu niên và tiền trưởng thành. Các nguyên nhân "truyền thống" là mâu thuẫn gia đình, áp lực công việc, bị ngược đãi, sang chấn sau tai nạn… Tuy nhiên, ở thế kỉ 21, các bác sĩ và nhà tâm lí phải đối mặt với những nguyên nhân mới, phức tạp hơn. Sau cuộc cách mạng công nghệ, số lượng các loại rối loạn tâm thần đã tăng lên đáng kể.

Tại Mỹ, hội chứng Diogenes (lấy tên theo một triết gia hoài nghi Hy Lạp) có ở những người mắc phải nỗi lo sợ các mối quan hệ không bền vững. Tại châu Âu xuất hiện hội chứng Peter Pan, trưởng thành nhưng không chịu rời nhà bố mẹ. Ở Nhật, không ít thanh thiếu niên định dạng mình là các Hikikomori - những người sống cả đời trong bốn bức tường. Với giới trẻ châu Á, nghiện mạng xã hội, game online, ngày đêm đắm mình vào thế giới ảo là vấn nạn lớn.

Bên dưới bề mặt năng động, người trẻ chịu sự thúc bách và dồn ép khắc nghiệt từ môi trường sống hiện đại. Thế giới "phẳng" khiến chúng ta hoài nghi mọi thứ, từ truyền thông, chính trị cho đến tôn giáo... Lo âu, ngờ vực, không tìm được ý nghĩa cuộc đời, thiếu các thanh vịn dẫn lối, khi gặp vấn đề, chúng ta suy sụp, gãy đổ tâm lý, rơi vào trầm cảm dễ dàng hơn thế hệ trước.

Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 10.

Học giỏi, được gia đình cho du học ngành Thời trang ở New York, Quỳnh (nhân vật đề nghị được đổi tên) lên đường với chúc tụng từ bạn bè, kỳ vọng của ba mẹ và kế hoạch của chính bản thân. Nhưng, sau 2 năm, cô về nhà, với cánh tay chằng chịt sẹo do chính cô gây ra. Một năm tiếp đó dành để điều trị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và trầm cảm.

Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 11.

Chúng ta vẫn nghĩ trầm cảm là một cái gì đấy chỉ thuộc về phạm trù "nỗi buồn". Thế nhưng, nó lại đến từ vô số những biểu hiện dù là nhỏ nhất như gặp vấn đề về ăn uống, cho đến cảm xúc tuyệt vọng thường trực.

Khi đã bình phục, Quỳnh kể: "Ở bên đó, host của tôi là một người về hưu. Bà ấy ít trò chuyện và thường vắng nhà. Mọi thứ tôi đều tự xoay sở, từ đi lại, nấu ăn, sắp xếp thời gian học. Ban đầu cũng ổn, nhưng dần dần tôi sụt cân, sức khỏe yếu dần, học kém tập trung, điểm số không như mong đợi. Tôi khóc liên tục, lo âu khi gia đình điện thoại hỏi thăm. Cho đến một ngày, tôi thức dậy, trong tôi là vùng tăm tối còn xung quanh là sự trơ lì. Trong đầu không lúc nào yên lặng. Giọng nói của mọi người liên tục va đập. Ý nghĩ của riêng tôi cố gắng ngoi lên khỏi mớ âm thanh hỗn độn, nhưng vô ích. Tôi gắng bình tĩnh, nhưng có gì đó cố dìm tôi vào sự hỗn loạn. Dưới sự hỗn loạn ấy là cảm giác khao khát được đau. Tôi có vệt rạch đầu tiên như thế. Khi đau, tôi thấy khá hơn. Nhưng khi vết sẹo lành, trạng thái ù lì trầm mặc lại kéo tới. Không ai nhận ra vấn đề của tôi, từ host cho đến đám bạn học. Tôi nghĩ chỉ có tự sát mới kết thúc nỗi tuyệt vọng. Đúng lúc đó ba tôi qua thăm. Tôi cố gắng nói cho ông hiểu. Ông bảo rằng tôi nên bỏ lại những gì đang theo đuổi, vì sức khỏe tinh thần và thể xác quan trọng hơn nhiều."

Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 12.

Quỳnh may mắn, vì cô đã nói ra đúng lúc và được lắng nghe. Thực tế cho thấy, người bị trầm cảm ít được nhận biết và cảm thông. Hiện người ta vẫn nhìn nhận trầm cảm đơn giản là buồn bã, rối loạn ám ảnh cưỡng chế bị đánh đồng với căng thẳng. Cứ như thể ta có thể lựa chọn việc bị bệnh hay không. Đa phần người Việt chúng ta không nhận thức đúng về trầm cảm. Thậm chí nhầm tưởng đó là sự khó chịu trong tính cách, dẫn đến kì thị. Thái độ này giống như cú đẩy tàn nhẫn khiến người bệnh lún sâu thêm vào che đậy và bi quan.

Dù nguyên nhân trầm cảm là gì, quan trọng nhất vẫn là nhận biết và chữa trị kịp thời. Ở các nước phát triển, hệ thống bác sĩ tâm lí được cung cấp miễn phí cho người dân, hoặc nằm trong các gói chăm sóc sức khỏe. Ở Việt Nam, nơi người dân dành dưới 2 đôla một năm cho sức khỏe tâm thần, cơ hội tiếp cận các hình thức trên là chưa thể. Vậy, phải làm sao nếu một ngày kia, ta cảm thấy như thế giới đang nằm bên kia tấm kính mờ đục?

Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 13.

Cảm xúc là thứ không thể sờ nắn hay nhìn thấy, nhưng có thể điều chỉnh cảm xúc từ các thói quen hằng ngày. Bắt đầu bằng việc kiểm lại các mối liên hệ mạnh và yếu mà ta đang có. Đối diện thực tại luôn thách thức. Nhưng, chỉ có thực tại mới mang ta trở lại, trả lại ta sức khỏe và sinh lực. Thay cho hàng giờ lang thang trên net, hãy đăng ký chỗ tập ở phòng gym gần nhà. Thay vì tìm kiếm chú ý từ đám đông trên mạng xã hội, thử nuôi một con thú cưng, dành cho nó tình yêu thương giản dị. Thay vì loay hoay vật lộn với hố đen, sao không dứt khỏi căn phòng cũ, mua vé cho một chuyến đi. Thiên nhiên là liều thuốc chữa lành, luôn tốt hơn ta kỳ vọng.

Trong môi trường cuộc sống thực, việc lựa chọn mối giao tiếp không kém quan trọng. Những kẻ mạnh mẽ, quá khích khiến ta tò mò dõi theo, nhưng kỳ thực, những người cân bằng và lạc quan mới đem lại cho ta năng lượng tích cực. Nói chuyện với anh chị em trong nhà, với đám bạn thân là cách dễ nhất nối ta với đời thực. Từ đó, ta kết nối lại với chính mình.


Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 14.

Một bạn trẻ từng vật lộn với trầm cảm cảnh tỉnh: "Tôi biết không ổn nhưng vẫn quyết định lờ đi, như thể chỉ cần làm thế thì trầm cảm sẽ tự động biến mất. Tôi không nỡ để bản thân đối mặt với xung đột, nhưng cuối cùng thì quỵ ngã. Nhiều người giống tôi, vì lảng tránh và xấu hổ, sau đó rất khó khăn và tốn nhiều thời gian để vực dậy."

Người ta thường liên tưởng chứng trầm cảm với đám mây đen u uẩn, lơ lửng trên đầu người bệnh, hay một bóng ma bám theo. Có lẽ, hình ảnh đám mây đen là ẩn dụ chính xác hơn cả. Ta bị bao phủ, nhấn chìm trong nó, ngỡ rằng chẳng có lối thoát nào. Gió và mặt trời - xua tan đám mây - đến từ sự hỗ trợ của người khác. Đừng ngại ngần hay xấu hổ khi nhờ đến sự giúp đỡ ấy.

Trầm cảm và các chứng rối loạn tâm thần không phải là lời nguyền có thời hạn vĩnh viễn. Chúng ta cần truyền đi các thông tin về dấu hiệu nhận biết, mức độ bệnh, các cảnh báo đến từng người sống chung quanh. Cần sử dụng một hệ thống phân chia mức độ, ghi rõ phải làm gì khi ta chạm các ngưỡng mức. Ví dụ, nếu ta nghĩ đến việc tự tử nhiều hơn hai lần một tuần, lập tức phải tìm bác sĩ hoặc nói cho ai đó thân thiết. Tự nhận thức là cách bảo vệ mình căn bản nhất.

Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 15.

Để thật sự có được bàn tay cứu mạng, cần đến nỗ lực hai chiều. Sử dụng các loại thuốc cải thiện tâm trạng chỉ là liệu pháp tạm thời. Cách duy nhất hiệu quả, cũng chính là thử thách mà xã hội công nghệ đặt ra: Tình yêu và sự quan tâm con người dành cho nhau. Người bệnh cần được đặt trong sự săn sóc từ gia đình, từ bạn bè, để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trong một thế giới đông đúc, bận rộn hôm nay, một cuộc nói chuyện đúng lúc, vài câu trao đổi đơn giản có thể thay đổi, thậm chí cứu một mạng người. Giới trẻ Việt, với các cộng đồng Beautiful Mind Vietnam (Những tâm hồn đẹp), Chiến thắng trầm cảm… đang đóng góp rất nhiều trong việc phổ biến kiến thức, đón nhận, trò chuyện và lắng nghe để giúp đỡ những người bệnh rối loạn tâm lí.

Từ sự cô đơn thời hiện đại, ta đứng cách bệnh trầm cảm chưa đầy một bước chân - Ảnh 16.

Cuộc nghiên cứu dài nhất trong lịch sử của Đại học Harvard, bắt đầu từ năm 1938 và đi đến kết luận năm 2012, đặt ra câu hỏi cho 724 người tham gia "Điều gì khiến chúng ta hạnh phúc?". Trải nghiệm cuộc đời của họ được ghi lại trong quyển Triumphs of Experience: Điều làm ta hạnh phúc không đến từ của cải, danh tiếng hay thành quả lao động, mà được quyết định bởi những mối quan hệ. Dựa vào những người thân thiết, ta đủ sức vượt qua thử thách, tìm được ý nghĩa, cũng như xác định lí do tồn tại trên đời.

Thực sự đáng để nghĩ suy, khi phương pháp chữa trầm cảm, căn bệnh của thế kỷ 21 - thế kỷ của những giao tiếp ở tốc độ ánh sáng - lại là hai hành động cơ bản nhất trong mối liên hệ con người: Trò chuyện và lắng nghe.

Hãy lên tiếng. Hãy lắng nghe. Bởi, không ai hiện diện trên Trái Đất này đáng bị bỏ mặc, chịu đựng cô đơn và lạc loài.

Nam Lâm
Vũ Tuấn Anh
BiMaxx
Theo Trí Thức Trẻ16/6/2017


Trí Thức Trẻ