Từ trường hợp tiền kỹ thuật số Libra, Việt Nam không thể đi ngược xu hướng?

10/07/2019 09:15 AM | Kinh tế vĩ mô

Việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể chưa phù hợp đối với thực tiễn ở Việt Nam; tuy nhiên, cũng không thể đi ngược lại với xu thế...

Ngày 18/6/2019, Facebook thông báo sẽ triển khai tiền điện tử Libra vào nửa đầu năm 2020, cho phép hàng tỷ người dùng mạng xã hội này trên thế giới có thể giao dịch tài chính trực tuyến.

Việt Nam ở đâu và đón nhận sự kiện dự kiến trên như thế nào khi có một cộng đồng lớn sử dụng mạng xã hội Facebook? Hay cụ thể hơn, tiền điện tử Libra đến khi đó có được giao dịch, dùng để thanh toán tại Việt Nam không?

Trong một báo cáo vừa công bố đầu tháng này, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và nguyên cứu BIDV cho rằng, xu hướng tiền kỹ thuật số không thể ngăn cấm hoàn toàn, mà vấn đề là nên quản lý, kiểm soát như thế nào.

Một “hạ tầng tài chính và tiền tệ toàn cầu” xuất hiện

Libra được mô tả là một “hạ tầng tài chính và tiền tệ toàn cầu”, được tạo ra từ khối chuỗi (blockchain), được cho là có mức độ biến động thấp, độ an toàn cao hơn so với các đồng tiền kỹ thuật số hiện nay như Bitcoin , Etherum…,

Theo Sách trắng về Libra, dự án này hướng đến việc tạo ra một hệ thống tài chính toàn diện hơn, với mục tiêu ban đầu là giải quyết nhu cầu của những cá nhân (được đánh giá là nghèo hơn nhưng lại đang phải chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ tài chính và khoảng 1,7 tỷ người trưởng thành trên toàn cầu hiện không được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống, cũng như những người đang và sẽ dùng facebook) và một số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham gia kinh doanh, quảng cáo trên facebook.

Như vậy, có thể hình dung, nếu được cộng đồng và các nhà quản lý chấp nhận, số lượng khách hàng sử dụng đồng tiền này để giao dịch thanh toán (và có thể nhiều mục đích khác) trên toàn cầu có thể lên đến trên 2 tỷ người.

Giá trị của đồng Libra được đảm bảo bởi các tài sản thực như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu hay tín phiếu chính phủ, được giữ trong Kho dự trữ Libra, nhằm tạo dựng niềm tin về giá trị nội tại của đồng Libra. Kho dự trữ Libra sẽ được điều hành với mục tiêu bảo toàn giá trị đồng Libra qua thời gian.

Đây cũng chính là một điểm khác biệt cơ bản giữa Libra với các loại tiền kỹ thuật số khác vốn không thực sự có giá trị nội tại và đi kèm là sự biến động giá trị rất mạnh dựa theo kỳ vọng, thu hút những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn.

Đồng thời, với cơ chế vận hành của rổ tài sản dự trữ nêu trên, Libra được cho là ít biến động hơn nhiều so với các đồng tiền kỹ thuật số khác.

Ở thời điểm hiện tại, không phải nhiều quốc gia chấp nhận tiền kỹ thuật số như một phương tiện thanh toán hợp pháp; thậm chí, loại tiền này còn bị cấm ở một số quốc gia.

Các quy định pháp lý áp dụng cho tiền kỹ thuật số nhìn chung còn chưa đầy đủ, kể cả ở các quốc gia cho phép giao dịch chúng.

Ngay từ khi chưa ra mắt, đồng Libra đã vấp phải nhiều sự phản đối từ một số nhà lập pháp và chính trị gia trên thế giới.

Ngay sau khi ngày công bố 18/6/2019, Facebook đã bị một số nghị sĩ Mỹ yêu cầu tạm dừng phát triển hoàn toàn dự án Libra và phải điều trần trước Quốc hội; trong khi Bộ trưởng Tài chính Pháp cho rằng không thể để Libra trở thành một loại tiền tệ tương tự như tiền tệ do ngân hàng trung ương phát hành.

Những lo ngại khác bao gồm việc Facebook có thể trở thành một “ngân hàng ngầm”- shadow bank, nguy cơ về hoạt động rửa tiền, tội phạm…

Mặc dù đã có bước tiếp cận và làm việc với các ngân hàng trung ương và chính phủ một số nước, đặc biệt là các quốc gia cho phép giao dịch tiền kỹ thuật số, song chắc chắn Facebook và các thành viên sáng lập còn rất nhiều việc phải làm trước khi đồng Libra và các ứng dụng khác có thể đi vào hoạt động hợp pháp.

Việt Nam không thể đi ngược xu thế?

Tiền kỹ thuật số có thể coi là một phát minh của nhân loại, là xu thế, sẽ còn tiếp tục tồn tại; mặc dù có thể có những đồng tiền thoái trào, nhưng những đồng tiền mới lại xuất hiện, với những ưu điểm nổi trội hơn, bù đắp được những nhược điểm của các đồng tiền trước đó.

Hơn nữa, công nghệ chuỗi khối, với những ưu điểm vượt trội, sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực tài chính-ngân hàng.

Do đó, không thể ngăn cấm hoàn toàn mà vấn đề là nên quản lý, kiểm soát như thế nào.

Từ trường hợp tiền kỹ thuật số Libra, Việt Nam không thể đi ngược xu hướng? - Ảnh 1.

 Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và nguyên cứu BIDV, Chính phủ cần có phương thức quản lý phù hợp.

“Việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp đối với thực tiễn ở Việt Nam; tuy nhiên, cũng không thể đi ngược lại với xu thế, với yêu cầu thực tiễn là cấm tuyệt đối sử dụng đồng tiền này”, Nhóm nghiên cứu cho hay.

Theo đó, Nhóm nghiên cứu cho rằng, việc quản lý tiền kỹ thuật số nói chung và đồng Libra nói riêng (nếu đồng tiền này đi vào hoạt động) của Việt Nam nên theo hướng thận trọng, có quan sát và vận dụng.

Các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền điện tử, tiền kỹ thuật số cần phải được cấp phép theo tiêu chuẩn nhất định. Hoạt động của các tổ chức, cá nhân trên cần phải thường xuyên được giám sát chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch.

Bên cạnh đó, cũng cần có những quy chế đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số như quy định về việc phân tách giữa tài sản của khách hàng với tài sản của công ty, phải đáp ứng các yêu cầu về tài chính, chuyên gia, quy trình và công nghệ thông tin.

“Nền tảng công nghệ chuỗi khối là một xu thế và sẽ được ứng dụng rộng rãi do nhiều ưu điểm của công nghệ này.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các bộ, ngành theo lĩnh vực của mình và các tổ chức tài chính, trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ… cần sớm tìm hiểu, tiếp cận, xây dựng hành lang pháp lý để người dân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam có thể ứng dụng, khai thác và kiểm soát rủi ro nền tảng công nghệ khối chuỗi này”, Nhóm nghiên cứu kiến nghị.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng và nhất quán thực thi chiến lược tổng thể về hệ thống thanh toán quốc gia; trong đó, thanh toán không tiền mặt cần có đột phá.

Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp quản lý các giao dịch thanh toán, chuyển tiền (gồm cả tiền kỹ thuật số) xuyên biên giới nhằm đảm bảo cam kết hội nhập, mở cửa, nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro.

Cuối cùng, Nhóm nghiên cứu đề xuất cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc xuất hiện đồng Libra này; từ đó có phương án về cách tiếp cận, ứng xử và kịch bản quản lý, giám sát phù hợp.

Theo Trần Thúy

Cùng chuyên mục
XEM