Từ tháng 1/2025, học sinh phải đáp ứng điều kiện sau mới được lái xe gắn máy
Từ ngày 1/1/2025, Chính phủ sẽ thực hiện những quy định quan trọng nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt đối với học sinh khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy.
Ngày 27/6/2024, Quốc hội thông qua luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Căn cứ theo khoản 1 điều 59 của luật này, độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định cụ thể:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;
- Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
- Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng C, BE;
- Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng D1, D2, C1E, CE;
- Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp GPLX hạng D, D1E, D2E, DE;
- Tuổi tối đa của người lái ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Như vậy, người đủ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển xe gắn máy; người chưa đủ 16 tuổi không được phép lái xe gắn máy dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu vi phạm quy định này, sẽ bị phạt cảnh cáo theo khoản 1 điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Quy định mới hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh
Cung từ 1/1/2025, việc chấp hành luật giao thông sẽ là một tiêu chí để đánh giá hạnh kiểm của học sinh. Theo Nghị định 151/2024, học sinh trung học phổ thông (THPT) và cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được huấn luyện kỹ năng lái xe gắn máy an toàn. Các nội dung chính bao gồm:
1. Nhận biết và xử lý tình huống nguy hiểm khi điều khiển xe;
2. Bảo dưỡng và kiểm tra an toàn phương tiện;
3. Nâng cao ý thức văn hóa giao thông;
4. Thực hiện trách nhiệm của người điều khiển xe cơ giới và các kỹ năng sơ cứu người bị tai nạn giao thông.
Trách nhiệm của Nhà trường
- Tổ chức cho học sinh, gia đình học sinh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm các nội dung: học sinh không điều khiển xe mô tô khi chưa đủ điều kiện theo quy định, không điều khiển xe gắn máy khi chưa hoàn thành chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn; gia đình học sinh không giao xe cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
- Phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện đúng cam kết đã ký và thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin với gia đình học sinh việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh khi tham gia giao thông;
- Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh.
Trách nhiệm của gia đình
- Phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan thực hiện giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh;
- Không giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định;
- Thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện đúng cam kết đã ký và thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin với nhà trường việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh khi tham gia giao thông.
Cũng theo quy định nêu trên, từ 1/1/2025, trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh.
Bên cạnh đó, Nghị định 151/2024 còn hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh bắt đầu vào học THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: phương pháp nhận biết và xử lý các tình huống nguy hiểm khi lái xe; cấu tạo và chức năng của các bộ phận xe gắn máy, phương pháp bảo dưỡng xe, kiểm tra xe an toàn; văn hóa tham gia giao thông; trách nhiệm của người điều khiển xe cơ giới; cứu giúp người bị tai nạn giao thông…