Tự sự của người cha sống quá nửa đời người: Cay đắng nhất không phải không có tiền tiết kiệm mà là thấy con cái lụi bại, không có ý chí!

29/03/2023 17:17 PM | Sống

Người cha đau đớn dù bản thân cố gắng đến mấy vẫn không thể thay đổi cuộc đời của con.

Nhiều người nói rằng, chỗ dựa vững chắc nhất của một đứa trẻ chính là của cải mà cha mẹ đã tích lũy. Cũng có người nói, con cái hưởng phúc của mình, nghĩa là  phải tự biết phấn đấu mới đạt được thành quả. 

Nửa cuộc đời của tôi hết bươn chải từ quê lên thành phố để mong cho con cái sau này có điểm xuất phát tốt nhất. Không ngờ đến cuối cùng, tận mắt chứng kiến con không biết phấn đấu, cuộc sống đi vào bế tắc.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn nghèo. Quê tôi cách thành phố hơn 20km nên từ nhỏ, tôi may mắn được chứng kiến sự phát triển phồn thịnh ở nơi đây. Vì thế, tôi luôn cố gắng học tập để thi vào trường đại học với ước muốn có công việc ổn định và ở lại thành phố làm việc.

Ra trường, tôi vào làm ở một doanh nghiệp nhà nước, thu nhập ổn định. Sau vài năm dành dụm, tôi mua được nhà, rồi chẳng lâu sau tôi lập gia đình và có con.

Tôi cũng có một khoản tiết kiệm sinh lãi hằng tháng. Dù không nhiều nhưng cuộc sống của tôi tạm ổn định, đủ đầy.

Sống quá nửa cuộc đời, người cha nhận ra: Cay đắng nhất không phải không có tiền tiết kiệm mà là thấy con lụi bại từng ngày - Ảnh 2.

Người cha đau khổ vì con trai không thành công như ông mong đợi

Hạnh phúc vỡ òa ngày con chào đời và rồi những giấc mơ dần vỡ vụn

Giống như tâm lý của bao người làm cha, làm mẹ khác, tôi hạnh phúc khi có con và đặt nhiều kỳ vọng vào con. Từ những bài học vỡ lòng, tôi đã suy nghĩ xem tương lai con mình sẽ theo học ngành gì, trường đại học nào.

Tôi mong con có thể thi đỗ vào trường Đại học Thanh Hoa hay Đại học Bắc Kinh – những ngôi trường top đầu Trung Quốc.

Tôi và vợ rất quan tâm tới việc học của con. Vợ tôi cũng đã tốt nghiệp chương trình cử nhân đại học và hiện đang làm quản lý cấp cao cho một công ty tư nhân có tiếng. Vợ chồng tôi tin rằng với điều kiện học tập tốt như vậy cùng với sự hỗ trợ của cha mẹ, con tôi nhất định sẽ đỗ đạt cao, đứng trong top 10 của lớp.

Thời gian đầu, điểm số của con tôi thường đứng cuối lớp. Thế nhưng, vợ chồng tôi không quá lo lắng. Chúng tôi tin rằng càng học lên cao, kết quả của con sẽ được cải thiện.

Chính vì thế, vợ chồng tôi dành nhiều thời gian kèm cặp. Nhưng dù cố gắng đến đâu thì thành tích của con cũng không tốt. Chúng tôi thường động viên nhau cố gắng mỗi ngày, chắc chắn càng lớn thành tích của con sẽ cải thiện.

Nhưng trong hành trình đó, tôi chợt nghiệm ra một chân lý của cuộc sống không phải cứ cố gắng là được. Đôi khi nỗ lực không tỷ lệ thuận với thành quả đạt.

Chỉ một bài toán đơn giản nhưng tôi giảng đi giảng lại cho con đến chục lần mà con vẫn không hiểu. Hay với đoạn thơ ngắn mà con ngồi cả tối cũng không học thuộc nổi. Chưa kể đến môn tiếng Anh, nhắc đến là tôi tức muốn khóc với con.

Chữ viết thì lúc to lúc nhỏ, gạch xóa nhì nhằng. Nếu tôi là giáo viên, hằng ngày phải đọc chữ này chắc không kìm được mà đánh con mất.

Cứ tưởng kiên trì cố gắng sẽ được đền đáp nhưng kết quả là cuối năm cấp 1, tôi đã nhập viện bởi thành tích học tập của con. Nhìn điểm môn Toán, tôi giận run người. Con tôi chỉ được 27/100 điểm. Tôi vô cùng thất vọng trước điểm số của con. Tôi luôn nghĩ dù không đạt điểm tuyệt đối nhưng ít nhất con cũng được 95 điểm.

Hôm đó, tôi quát mắng và yêu cầu con ngồi sửa lại hết những lỗi sai. Nhưng ngay cả đến phép tính đơn giản 7 + 8 mà con cũng không làm được.

Lúc đó, mắt tôi chợt tối sầm lại, hơi thở khó nhọc và được vợ đưa đi viện cấp cứu. Ở viện 1 ngày, bạn bè đến thăm hỏi tôi nguyên nhân nhưng tôi cũng không trả lời vì quá xấu hổ.

Sống quá nửa cuộc đời, người cha nhận ra: Cay đắng nhất không phải không có tiền tiết kiệm mà là thấy con lụi bại từng ngày - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Tận mắt chứng kiến cuộc đời con xuống dốc, cả ngày ở nhà chỉ biết ăn rồi ngủ

Càng lớn con trai tôi càng đổ đốn. Đi học không nghe giảng, trong giờ nói chuyện riêng, về nhà thì không làm bài tập. Thậm chí có hôm, con còn ngủ gật trong lớp, bị giáo viên khiển trách.

Vợ chồng tôi luôn cố gắng giảng giải để con hiểu, mong muốn cải thiện thành tích cho con nhưng đều thất bại. Tôi chợt nhận ra với tình hình này con trai tôi không thể thi vào trường THPT. Với năng lực yếu kém của con, dù tôi có chi tiền cũng chẳng trường nào chịu nhận.

Cuối cùng con trai tôi chỉ đỗ vào trường nghề với điểm số thấp. Lúc đó tôi rất xấu hổ, đi đâu cũng sợ mọi người hỏi thăm con mình học trường gì. Có người biết chuyện an ủi nhưng chỉ khiến vợ chồng tôi hổ thẹn.

Con trai tôi học ở trường nghề 3 năm nhưng chẳng thu được kiến thức gì. Hằng ngày, con toàn giao du với nhóm bạn xấu, lêu lổng. Sau khi tốt nghiệp, con tiếp tục ỷ lại vào vợ chồng tôi. Con chỉ nằm dài ở nhà, không chịu học lên cao, cũng chẳng kiếm việc làm.

Nếu tôi là ông chủ, là sếp lớn có thu nhập cao thì việc tiếp tục nuôi con cũng chẳng sao. Nhưng tôi chỉ là một nhân viên nhà nước bình thường, đồng lương ít ỏi đủ trang trải cho cuộc sống và có một khoản tiết kiệm nhỏ phòng khi ốm đau. Vậy tôi lấy gì để nuôi con mãi được?

Tôi tìm cách xin cho con đi làm tại một trung tâm gần nhà. Nhưng đi được 3 buổi, con nhất quyết không đi nữa vì thời tiết nóng, công việc mệt nhọc. Tôi cay đắng nhận ra, con trai tôi không chỉ yếu kém về năng lực mà còn không có ý chí, nghị lực vươn lên.

Hằng ngày con tôi chỉ ở nhà, hết ăn rồi lại ngủ, xong đi chơi với đám bạn. Tôi cảm thấy cuộc đời mình thật thất bại, sống mà như đã chết.

Tôi đặt tay lên trán và ngẫm nghĩ xem 20 năm qua vợ chồng tôi sai ở đâu? Tại sao con tôi lại thành người như vậy? Có lẽ do sự nuông chiều quá mức của vợ chồng tôi đã đẩy con đến tình cảnh này. Tôi không biết liệu tương lai con sẽ đi đâu, về đâu?

Sau nhiều đêm suy nghĩ, vợ chồng tôi quyết định cắt mọi khoản chu cấp của con. Con muốn tiêu tiền, con phải tự lao động kiếm tiền để trang trải. Có lẽ đây là biện pháp cuối cùng để kéo con ra khỏi vũng bùn đen.

Theo Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM