Từ sự cố May Sông Hồng, nhìn lại TCM sau "cú sốc" đối tác lớn tại Mỹ tuyên bố phá sản vào cuối năm 2018

20/07/2020 08:44 AM | Kinh doanh

Mới đây, phía TCM cho biết đến nay vẫn chưa thể thu được 1 đồng nào từ đối tác. TCM đã tiến hành phản hồi lên Toà án sở tại, tuy nhiên thủ tục theo vị này rất phức tạp và xử lý trong thời gian dài. Công ty cũng đã thuê luật sư bên Mỹ xử lý vụ này, tuy nhiên đến nay chưa có thông tin gì thêm, và cũng không biết chính xác được tiến trình tiếp theo.

Mới đây, Washington Post đưa tin RTW Retailwinds, công ty sở hữu gần 400 cửa hàng New York&Co tại Mỹ, vừa nộp đơn xin phá sản do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đáng chú ý, The New York & Co là đối tác lớn nhất của May Sông Hồng (MSH), tính đến cuối tháng 3/2020 Công ty đang có khoản phải thu 166 tỷ với New York & Co, chiếm 37,8% khoản phải thu khách hàng và chiếm 6,7% tổng tài sản của MSH.

Phản hồi, phía MSH cho biết Covid-19 là trường hợp bất khả kháng, khi dịch bùng phát tại thị trường Mỹ Công ty đã dự báo trước tình hình này sẽ xảy ra, đồng thời đã trích lập dự phòng một phần từ quý đầu năm và sẽ tiếp tục trích lập vào các tháng tiếp theo. Về khả năng có thể thu hồi được bao nhiêu trong khoản phải thu 166 tỷ với khách hàng NY&Co, lãnh đạo MSH cũng đã liên hệ nhưng chưa có kết quả.

Sự cố tương tự tại TCM 2 năm trước: Đến nay vẫn chưa thu hồi được gì, thủ tục xử lý cần thêm nhiều thời gian!

Thực tế, đây không phải là lần đầu công ty niêm yết trên sàn gặp sự cố khi khách hàng lớn tuyên bố phá sản tại thị trường nước ngoài, trong đó những vướng mắc về hành lang pháp lý, địa lý… ảnh hưởng đến khả năng thu hồi đặc biệt được quan tâm.

Gần 2 năm trước, một doanh nghiệp dệt may khác là Dệt may Thành Công (TCM) cũng đối mặt với sự cố khách hàng bên Mỹ đã chính thức phá sản. Cụ thể, Công ty Sears Holding (Nasdaq: SHLD) chính thức nộp đơn phá sản tại tòa án phá sản Mỹ, trong danh sách các công ty con của Sears Holding nộp đơn phá sản có 2 đơn vị đang giao dịch với TCM, là Công ty Sears, Roebuck và Công ty Kmart.

Lúc bấy giờ, doanh thu 2 công ty này đang chiếm đến 7% doanh thu hàng năm TCM. Xét giai đoạn 2014-2017, tổng doanh thu mỗi năm Công ty dao động từ 2.500 - 3.200 tỷ đồng, như vậy con số mất đi từ vụ phá sản này ghi nhận từ 175-224 tỷ đồng. Chưa kể, Sears, Roebuck and Co cũng đang nợ gần 95 tỷ đồng tại TCM.

Ngay khi nhận được thông báo, TCM cho biết nỗ lực tham gia vào quá trình Tòa án giải quyết thủ tục phá sản để thu hồi số tiền chưa thanh toán. Song song, TCM cũng trích lập dự phòng khoảng 79 tỷ ngay trong quý 4/2018.

Chia sẻ với báo giới, ông Trần Như Tùng – Thành viên HĐQT – cho biết: "Sears nộp đơn theo chương 11 luật phá sản của Mỹ, theo tư vấn của luật sư thì các đơn hàng giao trong vòng 20 ngày trước khi nộp đơn phá sản và những đơn hàng chưa đến kho của Sears thì khả năng thu hồi rất cao, có thể từ 75-100%, còn những đơn hàng trước đó thì khả năng thu hồi từ 30- 50%".

Việc trích lập lúc này giúp giảm áp lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của TCM trong năm 2019, ban lãnh đạo thậm chí nhấn mạnh TCM có thể được hoàn nhập một phần hoặc toàn bộ khoản dự phòng này nếu thu hồi được công nợ từ Sears.

 Từ sự cố May Sông Hồng, nhìn lại TCM sau cú sốc đối tác lớn tại Mỹ tuyên bố phá sản vào cuối năm 2018  - Ảnh 1.

Mặc dù vậy, chia sẻ với chúng tôi về tình hình thu hồi tại Sears, ông Tùng phân trần tính đến hiện tại phía TCM vẫn chưa thể thu được 1 đồng nào từ đối tác. TCM đã tiến hành phản hồi lên Toà án sở tại, tuy nhiên thủ tục theo vị này rất phức tạp và xử lý trong thời gian dài. Công ty cũng đã thuê luật sư bên Mỹ xử lý vụ này, tuy nhiên đến nay chưa có thông tin gì thêm, và cũng không biết chính xác được tiến trình tiếp theo.

TCM sau sự cố: Cả năm 2018 vẫn tăng trưởng nhờ tín hiệu tốt từ thị trường

Có thể nói, sự cố của TCM diễn ra trong bối cảnh ngành dệt may đang trên đà tăng trưởng mạnh trước làn sóng CPTPP giai đoạn 2018-2019. Theo đó, việc trích lập cũng như doanh thu mất đi tại Sears thực tế không tác động rõ nét đến tình hình kinh doanh chung của TCM, cũng như sự lạc quan của giao dịch cổ phiếu.

Ghi nhận, doanh thu quý 4/2018 của TCM đạt 835 tỷ đồng (tăng trưởng 10% so với quý 4/2017), lợi nhuận sau thuế đạt gần 47 tỷ đồng (tăng 118%). Tính chung cả năm 2018, TCM đạt 3.662 tỷ doanh thu, tăng 14% và lợi nhuận sau thuế đạt 260 tỷ đồng, tăng đến 35% so với năm trước, EPS đạt 4.069 đồng.

Đi cùng với tăng trưởng kinh doanh, thị giá TCM cũng nhanh chóng bật tăng mạnh sau đợt giảm đột ngột trước sự cố, thuộc Top tăng trưởng của ngành dệt may nói chung và cả thị trường trong năm 2018. Yếu tố tích cực lúc này, TCM được đánh giá là một trong số ít doanh nghiệp sở hữu chuỗi sản xuất hoàn thiện từ sợi – sệt – nhuộm – may, trong khi các doanh nghiệp khác phải mua ngoài nguyên liệu để sản xuất.

Thị trường xuất khẩu chủ lực của TCM là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Trung Quốc chủ yếu đến từ đơn hàng của các công ty trong tập đoàn E-Land (chiếm 25-29% doanh thu).

 Từ sự cố May Sông Hồng, nhìn lại TCM sau cú sốc đối tác lớn tại Mỹ tuyên bố phá sản vào cuối năm 2018  - Ảnh 2.

Nói là vậy, là ngành khá nhạy cảm trước biến động thế giới, TCM năm 2019 ghi nhận sự giảm sút mạnh, chủ yếu do tác động chung từ thị trường xuất khẩu trước căng thẳng thương mại leo thang, từ đó tác động làm thay đổi tỷ giá giữa các đồng tiền cũng như giá cả hàng hoá giao thương…

Bước sang năm 2020, dịch Covid-19 tiếp tục là gánh nặng Công ty. Tuy nhiên, nhờ nhanh chóng chuyển hướng sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ đã đem về kết quả ngắn hạn tích cực cho Công ty. TCM vừa công bố ước doanh thu tháng 6/2020 vào khoảng 380 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng gần 40 tỷ đồng. Tính chung cả quý 2, TCM ghi nhận doanh thu vào mức 920 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 76,5 tỷ đồng, tăng 46%.

Nói về kết quả này, ban lãnh đạo Công ty cho biết hiện các nhà máy đều hoạt động 100% công suất, không công nhân nào nghỉ làm. Trong tháng 5 và tháng 6/2020, Công ty đã xuất được nhiều đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế sang Mỹ với doanh thu và lợi nhuận tương đối tốt, nhờ đó mà bù đắp được sự thiếu hụt đơn hàng truyền thống trong quý 2/2020.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn để vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19 nhằm đảm bảo công việc và thu nhập cho người lao động. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, TCM đạt doanh thu khoảng 1.685 tỷ đồng, thực hiện 93% kế hoạch; lợi nhuận ước đạt 109 tỷ đồng, vượt 17% kế hoạch và giảm 7% so với cùng kỳ.

Trên thị trường, cổ phiếu TCM đang tăng mạnh lên vùng giá mới. Đà tăng có được một phần đến từ tình hình kinh doanh khả quan, phần lớn còn lại hưởng lợi từ kỳ vọng mới vào Hiệp định EVFTA.

 Từ sự cố May Sông Hồng, nhìn lại TCM sau cú sốc đối tác lớn tại Mỹ tuyên bố phá sản vào cuối năm 2018  - Ảnh 3.

Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM