Từ một trình duyệt non trẻ, Google Chrome đã đánh bại ông hoàng Internet Explorer chỉ trong 4 năm như thế nào?
Theo Statcounter, đến tháng 8/2021, Chrome chiếm 65% thị phần trình duyệt.
Chỉ trong 4 năm, trình duyệt Chrome của Google đã vươn lên từ một dự án non trẻ thành một ông hoàng trình duyệt mà chúng ta biết ngày nay. Hiện nay, Chrome là trình duyệt phổ biến nhất trên thế giới trên cả máy tính và thiết bị di động. Bạn thậm chí có thể nói rằng Chrome đã đẩy Internet Explorer vào cửa tử. Vậy, làm cách nào mà Google thực hiện được kỳ tích khó tin này trong thời gian ngắn như vậy?
Microsoft, cùng với Mozilla và những hãng khác, xây dựng trình duyệt của họ trên những đoạn mã kế thừa. Google đã sử dụng một số công cụ hiện có để tạo Chrome, nhưng phần lớn, họ sử dụng những cách hoàn toàn mới để phát triển trình duyệt.
Khi Google nhảy vào cuộc chơi, Microsoft đã không thực sự bận tâm về việc mang những thay đổi lớn lên trải nghiệm trình duyệt. Trên thực tế, Internet Explorer hoạt động tương tự vào năm 2008 cũng như vào năm 1998. Google đã có kế hoạch thay đổi tất cả những điều đó. Ban đầu, Chrome được coi là một nền tảng để khám phá web theo một cách mới, không chỉ là một trình duyệt. Những khát vọng này đã thúc đẩy Google đổi mới theo một số cách quan trọng, cuối cùng đột phá với thị phần trình duyệt lớn nhất vào năm 2012.
Chúng ta hãy cùng xem cách Google đưa Chrome lên vị trí dẫn đầu từ năm 2008 đến năm 2012.
2008: Ra mắt bản beta
Google ra mắt phiên bản thử nghiệm của trình duyệt Chrome vào ngày 2 tháng 9 năm 2008. Đây là thời điểm rất thú vị trong lĩnh vực công nghệ. Smartphone vẫn còn khá mới mẻ và các ứng dụng không thực sự là mối quan tâm lớn vào năm 2008. Để hướng tới tương lai, Google đã phát triển Chrome với HTML layout engine, WebKit, sẽ hỗ trợ các ứng dụng web như dịch vụ bản đồ phổ biến của họ. Vào thời điểm ra mắt bản beta, Google đã làm một bộ truyện tranh để giải thích lý do tại sao họ tạo ra một trình duyệt mới trong một loạt các lựa chọn hiện có.
Bộ truyện tranh khá dài, tới 39 trang, nhưng trang đầu tiên đã thể hiện triết lý của Google. Trong tâm trí của họ, trải nghiệm trình duyệt lúc bấy giờ đã hoàn toàn lạc hậu. Mọi người không sử dụng Internet để chỉ truy cập các bài báo nghiên cứu cho trường học nữa, không gian web là một nơi rộng lớn có vô vàn nội dung để khám phá. Có lẽ lợi thế độc đáo lớn nhất của Chrome từ rất sớm là môi trường sandbox của các tab trình duyệt riêng biệt. Trình duyệt bị treo là một điều khá phổ biến, đặc biệt là trên Internet Explorer. Sandbox có nghĩa là nếu một tab gặp sự cố, toàn bộ phiên sử dụng sẽ không ngừng hoạt động vì việc đó.
Việc tạo sandbox cho các tab riêng biệt là một động thái hướng tới tương lai của web, nơi các ứng dụng sẽ thay thế trang web làm công cụ chính cho người dùng. Với suy nghĩ này, Google đã thực hiện một bước quan trọng tiếp theo trong việc giành lấy thị trường trình duyệt. Vào tháng 9 năm 2008, dự án Chromium mã nguồn mở được khởi động. Mã nguồn mở không chỉ thịnh hành vào thời điểm đó mà còn thu hút được sự quan tâm của các nhà phát triển đối với Chrome. Google biết rằng họ cần các nhà phát triển để tăng tốc các cải tiến cho Chrome, cũng như sáng tạo cho thư viện tiện ích mở rộng sắp tới của họ.
2009: Chrome OS và tiện ích mở rộng
Đến năm 2009, rõ ràng Chrome đã thu hút được sự chú ý. Mùa hè năm đó, Google thông báo rằng họ đang xây dựng toàn bộ hệ điều hành dựa trên Chrome, được đặt tên đơn giản là ‘Chrome OS’. Đồng thời, người dùng chuyển đổi sang Chrome ngày càng nhiều. Vào tháng 7 năm 2009, đã có hơn 30 triệu người sử dụng trình duyệt mới của Google. Cơ sở người dùng đạt 30 triệu người trong vòng chưa đầy một năm là điều khá khó tin, chắc chắn là điều chưa từng thấy trong các cuộc chiến trình duyệt.
Mặc dù Chrome OS và cơ sở người dùng ngày càng tăng là điều quan trọng, nhưng chúng không phải là thành công lớn nhất của Chrome trong năm 2009. Vào tháng 12 năm 2009, Google ra mắt thư viện tiện ích mở rộng, mang tính cách mạng vào thời điểm đó. Đây là bước ngoặt lớn, là điều mà Google hy vọng sẽ có thể thuyết phục người dùng rằng ứng dụng là tương lai của duyệt web.
Người dùng và nhà phát triển đều yêu thích các tiện ích mở rộng. Chỉ trong thời gian hơn một năm, thư viện tiện ích mở rộng đã có hơn 10.000 tiện ích và theme. Tùy chỉnh là một điều thể hiện phong cách cá nhân sâu sắc và mọi người chấp nhận ý tưởng cá nhân hóa giao diện và chức năng trên trình duyệt của họ.
Vào cuối năm 2009, Chrome đã có 5% thị phần. Mặc dù con số đó có vẻ nhỏ, nhưng hãy nhớ rằng đây là một sản phẩm hoàn toàn mới, đang chiến đấu để cạnh tranh trong một thị trường lâu đời. Theme và tiện ích mở rộng, cùng với tốc độ đáng kinh ngạc của Chrome nhờ sandbox, đã sẵn sàng giúp Google chiếm thị phần lớn hơn nữa vào năm 2010.
2010: Kiếm tiền và cửa hàng Chrome
Với việc Chrome đang phát triển với tốc độ chóng mặt, đã đến lúc Google bắt đầu kiếm tiền từ thành công này. Vào tháng 8 năm 2010, Google bắt đầu tính phí các nhà phát triển 5 USD để phát hành ứng dụng Chrome của họ trong thư viện tiện ích mở rộng. Đây vừa là một cơ hội thu nhập vừa là một biện pháp an ninh. Khoản phí 5 USD cho phép Google triển khai xác minh miền cho tất cả các ứng dụng mới được gửi để phát hành.
Trong suốt năm đó, Chrome tiếp tục chứng kiến mức tăng người dùng lớn nhất từ trước đến nay. Tăng gấp ba lần từ 40 triệu lên 120 triệu trong năm 2010, Google đã đe dọa vị trí hàng đầu của Microsoft về thị phần trình duyệt. Có lẽ điều thú vị nhất là Microsoft đã không làm gì được để ngăn Chrome tiến lên hàng đầu. Hầu hết các tính năng mà IE9 bổ sung cho Windows đã tồn tại trong Chrome. Nếu Microsoft tung ra phiên bản IE được thiết kế lại vào năm 2010, thì ít nhất họ cũng đã trì hoãn việc Chrome vươn lên vị trí số 1.
Vào cuối năm 2010, Google đã ra mắt Chrome Web Store. Không giống như thư viện tiện ích mở rộng nhỏ trước đó, đây là một cửa hàng ứng dụng đa dạng hơn cho người dùng Chrome. Các nhà phát triển mới đã tham gia và Chrome nhanh chóng không chỉ trở thành trình duyệt nhanh nhất mà còn là trình duyệt linh hoạt nhất.
Các tiện ích, plugin và chủ đề trong Chrome Web Store đã định hình cách mọi người sử dụng web và thậm chí cả cách kiếm tiền từ nội dung web. Với các tiện ích mở rộng chặn quảng cáo xuất hiện, phương pháp kiếm tiền từ nội dung web bằng quảng cáo truyền thống không còn khả thi nữa. Điều này đã mang đến những cơ hội cho Google để đổi mới trong lĩnh vực kinh doanh chủ chốt khác của họ ngày nay - cũng chính là quảng cáo.
Sự phát triển của Chrome đang trên hành trình thành công và thực hiện những điều khác biệt so với mọi trình duyệt khác, nhưng Google vẫn không hài lòng. Đã đến lúc Chrome cần có một vài thủ thuật mới, phần cứng chuyên dụng và đặc điểm nhận diện mới.
2011: Logo mới, Chromebook và trang New Tab
Ngay từ đầu, Chrome đã có logo 3D. Đến tháng 3 năm 2011, thiết kế đó trông khá lỗi thời. Apple bắt đầu xu hướng đưa các biểu tượng phẳng lên iOS và Google không muốn thiết kế của họ có vẻ lạc lõng. Google đã thực hiện thay đổi nhỏ trong thiết kế, nhưng có tác động khá lớn. Vẫn giữ nguyên cách phối màu, Google đã làm phẳng logo của Chrome để mang lại một cái nhìn hiện đại hơn.
Vào tháng 5 năm 2011, Google ra mắt Chromebook. Trong khi netbook khá phổ biến vào năm 2011, ý tưởng về một chiếc laptop không có ổ cứng lại khá xa lạ. Chromebook sẽ xử lý tất cả các tác vụ thông qua trình duyệt Chrome. Lúc đầu, thị phần của Chromebook đã bị đình trệ bởi sự ra mắt iPad của Apple. Rất may, với sự bền bỉ từ các OEM và các chỉnh sửa từ Google, Chromebook đã trở thành một cú hit, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.
Với việc Chrome OS đang chạy trên phần cứng chuyên dụng, Google đã có một lối đi khác để tăng cơ sở người dùng cho Chrome dưới dạng trình duyệt. Trong thập kỷ tới, Chromebook sẽ trở nên phổ biến trong phân khúc máy tính giá rẻ, hiện chạy cả ứng dụng Android và Linux.
Để kết thúc năm 2011, Chrome đã ra mắt một tính năng khác sẽ sớm trở thành tiêu chuẩn trên tất cả các trình duyệt - Trang Tab Mới. Mặc dù cực kỳ đơn giản, nhưng đây là ý tưởng rất hấp dẫn. Việc tổng hợp tất cả các trang hoặc ứng dụng Chrome yêu thích của bạn ngay khi mở ra tab mới thật hợp lý. Khi mọi người tùy chỉnh trang tab mới, nó giúp duyệt web dễ dàng hơn và trực quan hơn.
Đến cuối năm 2011, Chrome chiếm gần 25% thị phần, gần bằng vị trí thứ hai của Firefox. Để thực hiện bước nhảy vọt cuối cùng, Google cần đưa Chrome lên các thiết bị di động.
2012: Chrome xuất hiện trên Android và iOS
Khi nhìn lại, thật đáng ngạc nhiên là phải mất đến 4 năm để Google mang Chrome lên Android. Android chính thức trở thành hệ điều hành vào tháng 9 năm 2008, cùng thời điểm Chrome beta ra mắt. Vì đây là cả hai sản phẩm của Google có thời gian ra mắt giống nhau, nên Chrome lẽ ra đã ra mắt trên Android trước năm 2012. Tuy nhiên, di động là nền tảng quan trọng nhất mà Google cần để chiếm lấy vị trí đầu bảng. Họ không muốn làm hỏng điều đó.
Vào tháng 2 năm 2012, Chrome cuối cùng đã ra mắt trên Android. Với hàng triệu thiết bị Android đang hoạt động, đây là một chất xúc tác to lớn để chiếm rất nhiều thị phần chỉ trong một bước đi. Chỉ bốn tháng sau, Google ra mắt Chrome dành cho iOS. Mặc dù Safari vẫn còn phổ biến hơn đối với người dùng iPhone, nhưng cơ hội để nắm bắt một phần cơ sở người dùng đó là rất lớn. Chỉ mất vài tháng nữa kể từ thời điểm này để Google có thể lật đổ Microsoft một cách dứt điểm.
Gần cuối mùa hè năm 2012, Google được công bố đã dẫn đầu thị phần trình duyệt, với 31% người dùng chọn Chrome. Microsoft chắc chắn đã giúp đẩy nhanh sự sụp đổ của chính họ bằng cách không thực sự đổi mới với các tính năng của Internet Explorer, trong thời điểm mà Chrome đã hướng đến tương lai của các ứng dụng web. Theo Statcounter, đến tháng 8/2021, Chrome chiếm 65% thị phần trình duyệt.