Từ khoản lợi nhuận 2,7 tỷ đến khoản lỗ khổng lồ 700 triệu USD: Bài học từ thất bại dành cho những kẻ kiêu ngạo vì thành công quá sớm

18/03/2019 11:14 AM | Sống

Đây là câu chuyện về một doanh nhân từng là người giàu có nhất Los Angeles, người chưa tốt nghiệp trung học nhưng lại kiếm ra được khối tài sản 15 tỷ USD.

Trong lĩnh vực đầu tư hoàn toàn không có hai kịch bản đầu tư giống hệt nhau. Kirk Kerkorian, doanh nhân, tỷ phú đồng thời là cổ đông lớn nhất của MGM (tập đoàn truyền thông của nước Mỹ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất phim truyện và chương trình truyền hình) được tạp chí "Time" của Mỹ miêu tả là một "cựu tỷ phú hàng đầu Los Angeles, người chưa tốt nghiệp trung học nhưng lại kiếm ra được khối tài sản 15 tỷ USD".

Chiến lược đầu tư của Kirk đó là thu mua một công ty có giá trị thấp, nâng cao giá trị của công ty đó, sau đó kiên nhẫn chờ đợi tới khi tình hình kinh tế có chuyển biến tốt thì sẽ bán nó đi. Hơn chục năm qua, bất kể là ở lĩnh vực nào, cũng không cần biết tình hình kinh tế có chuyển biến ra sao, Kirk đều áp dụng mô thức này. Ông đặc biệt rất thích xe hơi, khoản đầu tư vào xe hơi này từng mang lại cho ông khoản lợi nhuận 2,7 tỷ USD và cũng khiến ông lỗ mất 700 triệu.

01

Kirk lần đầu tiên đầu tư vào một công ty xe hơi là vào năm 1990, khi đó, do suy thoái kinh tế Mỹ và mô hình quản lý kém, giá trị cổ phiếu của Chrysler giảm xuống còn 9 USD. Kirk tin rằng giá cổ phiếu của Chrysler phản ánh vấn đề của nền kinh tế, nhưng nó không hề phản ánh khả năng phục hồi của kinh tế. Vì vậy, Kirk đã mua 36 triệu cổ phiếu Chrysler với giá 10 USD/cổ phiếu, chiếm 10% vốn cổ phần của công ty, đồng thời trở thành cổ đông lớn nhất của Chrysler. Đến đầu năm 1994, giá trị cổ phiếu mà ông nắm giữ đã tăng gấp 6 lần, lên tới 60 USD/cổ phiếu.

02

Năm 1995, Kirk thông qua nghiên cứu thấy được rằng Chrysler có thể làm nhiều hơn nữa để tăng thêm giá trị của cổ phiếu. Dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành Lee Iacocca, giá cổ phiếu của công ty đã đạt đến một mức cao mới. Kirk thấy rằng lợi nhuận hơn 500% mà ông thu lại được từ khoản đầu tư này là không đủ, ông tin rằng giá trị của Chrysler vẫn bị đánh giá thấp, vì vậy ông quyết định đầu tư 23 tỷ USD để mua toàn bộ công ty.

Chrysler tất nhiên từ chối Kirk, nhưng Kirk vẫn tiếp tục mua cổ phiếu của Chrysler. Động thái này cuối cùng đã khiến Daimler-Benz (hiện tại là Daimler AG, 1 công ty ô tô của Đức, đồng thời là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 13 của thế giới) mua lại Chrysler với giá 36 tỷ USD và thành lập Daimler-Chrysler. Trong quá trình mua lại Chrysler của Daimler-Benz, Kirk cũng đã mua cổ phần của Daimler-Benz.  

Khi ngừng khoản giao dịch này, Kirk kiếm được 2,7 tỷ USD, cao hơn tổng sản phẩm quốc nội của tất cả các nước không sản xuất dầu mỏ ở Châu Phi vào thời điểm bấy giờ. Đây là lần thứ hai Kirk đầu tư vào một công ty xe hơi.

Từ khoản lợi nhuận 2,7 tỷ đến khoản lỗ khổng lồ 700 triệu USD: Bài học từ thất bại dành cho những kẻ kiêu ngạo vì thành công quá sớm - Ảnh 1.

03

Năm 2005, Kirk có mong muốn kiểm soát General Motors. Ông đã mua 28 triệu cổ phiếu của GM với giá tiền mặt là 31 USD một cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu cổ phần đạt 8,8%. 5 tháng sau, ông đã mua thêm 2,1 triệu cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu lên 9,9%, và trở thành cổ đông lớn nhất của GM. Khi đó, ông tin rằng giá cổ phiếu của GM và ngành công nghiệp ô tô đã ở mức thấp trong lịch sử.

Tuy nhiên, sau đó ông đã bán tất cả cổ phần của General Motors vì GM đã từ chối ý tưởng của ông về một "liên minh toàn cầu". Lần thứ 3 đầu tư vào công ty xe hơi đem lại cho Kirk khoản lợi nhuận không nhiều, chỉ khoảng 110 triệu USD, và phần lớn đến từ thu nhập cổ tức.

04

Năm 2008, Kirk đã tiến hành phân tích Công ty Ford Motor và nhận ra "giá trị" đáng kinh ngạc của Ford, ông tin rằng nó không hề được phản ánh trong giá cổ phiếu của công ty này. Vào tháng 4, Kirk đã mua 100 triệu cổ phiếu và sau đó thực hiện giao dịch mua tiếp 20 triệu cổ phiếu với tổng giá trị là 170 triệu USD. Vào tháng 6, ông tiếp tục mua thêm 20 triệu cổ phiếu, cổ phần lúc này tăng lên 6,5%, tổng số lượng cổ phiếu đạt 140,8 triệu, trị giá 995 triệu USD, và trở thành cổ đông tư nhân lớn nhất của Ford.

Sau khi việc mua lại hoàn tất, doanh số của Ford đã trực tiếp giảm 35%. Sau đó, công ty tiết lộ tình hình thua lỗ và từ bỏ mục tiêu lợi nhuận trong năm 2009. Vì vậy, giá cổ phiếu của Ford đã giảm mạnh và khoản đầu tư gần 1 tỷ USD của Kirk theo đó đã giảm 2/3.

Đến tháng 10, Kirk bắt đầu giải ngân cổ phiếu, bán 7,3 triệu cổ phiếu với mức giá 2,43 USD/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 65,8% so với giá mua 7,10 USD/cổ phiếu. Giá trị 133,5 triệu cổ phiếu còn lại là 289,7 triệu USD, giảm 2/3. Đến ngày 29 tháng 12, Kirk đã bỏ tất cả các cổ phiếu còn lại mà ông nắm giữ, tổn thất tổng cộng hơn 700 triệu USD. Đây là một cú hích lớn trong lịch sử đầu tư của ông, cái giá phải trả cho thất bại này quả thực quá lớn.

Từ khoản lợi nhuận 2,7 tỷ đến khoản lỗ khổng lồ 700 triệu USD: Bài học từ thất bại dành cho những kẻ kiêu ngạo vì thành công quá sớm - Ảnh 2.

Tại sao Kirk đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô 3 lần đều thành công nhưng đến lần thứ 4 lại thất bại? Lý do chủ yếu nằm ở những điểm sau:

1. Chủ nghĩa kinh nghiệm cá nhân

Trong quá khứ, Kirk đều đã thành công, nhưng lại thất bại vào năm 2008. Đó là do môi trường kinh tế đã thay đổi, thị trường ô tô Mỹ trở nên thiếu tính cạnh tranh, còn bản thân ông lại khăng khăng không thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp mô hình đầu tư cũ của mình. Có lẽ Kirk chỉ đơn giản tin rằng trong hơn nửa thế kỷ, phương thức đầu tư mà ông áp dụng đã thành công và ông có thể tiếp tục thành công với những kinh nghiệm trong quá khứ của mình, nhưng, chỉ dựa vào kinh nghiệm chính là gốc rễ dẫn đến sự thất bại của Kirk.

2. Sự kiêu ngạo tạo ra điểm mù

Tự mãn khá dễ gây ra điểm mù. Điểm mù, ngoài việc khiến bạn không thể nhìn thấy những gì bạn có thể thấy, nó còn ngăn bạn nhận ra rằng bạn đang có một điểm mù. Trong quá khứ, vì Kirk đã thành công rất nhiều lần, ông thậm chí còn không nghĩ rằng mình sẽ thất bại, đây chính là một điểm mù. Trên thực tế, trong lĩnh vực đầu tư, không có hai kịch bản đầu tư giống hệt nhau và sự tự mãn là điều khá nguy hiểm.

Từ khoản lợi nhuận 2,7 tỷ đến khoản lỗ khổng lồ 700 triệu USD: Bài học từ thất bại dành cho những kẻ kiêu ngạo vì thành công quá sớm - Ảnh 3.

3. Không phải lỗi của chiến lược đầu tư

Chiến lược đầu tư Kirk không có lỗi. John Bogle (chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm sáng lập viên Tập đoàn Vanguard, quỹ đầu tư lớn thứ nhì toàn thế giới) từng nói rằng đầu tư giá trị chỉ là "chiến lược tốt nhất thứ hai" và nó không phải lúc nào cũng có hiệu quả, nhưng, điều này không thể là một cái cớ cho sự thất bại. Sai lầm của Kirk là ông đã không tiến hành một cuộc điều tra chuyên sâu để tìm ra những yếu tố gây ảnh hưởng hay những yếu tố bất ngờ có thể sẽ xảy ra.

4. Không có lợi nhuận vĩnh viễn

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế, một khi môi trường kinh tế thay đổi, mô hình đầu tư cũng nên thay đổi. Do đó, các nhà đầu tư phải liên tục cập nhật dữ liệu kinh tế, đồng thời phải thường xuyên giả thiết ra những thử thách để giữ cho mô hình đầu tư của họ có thể bắt kịp được sự thay đổi. Không có gì là mãi mãi, thứ mà các nhà đầu tư nên nắm rõ là thực tế, mà thực tế thường đến từ những đánh giá nghiêm túc và thận trọng.

Như Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM