7-Eleven Indonesia đóng cửa và bài học cho 7-Eleven Việt Nam: Khách lúc nào cũng đông, ngồi hàng giờ dùng wifi chùa và chỉ mua... 1 cốc nước
Các cửa hàng 7-Eleven luôn luôn đông đúc nhưng khách hàng chẳng mua gì nhiều cả. Họ chỉ tới đây tụ tập và dùng wifi chùa thôi!
Thời điểm mới gia nhập thị trường Indonesia vào năm 2009, 7-Eleven có vẻ rất thành công. Các cửa hàng lúc nào cũng đông đúc và công ty nhượng quyền thương hiệu này là Modern Internasional dần mở rộng sự hiện diện của 7-Eleven ra các tỉnh thành bên ngoài thủ đô Jakarta.
Tuy nhiên, như đã đưa tin vào tuần trước, toàn bộ 136 cửa hàng 7-Eleven tại Indonesia sẽ bị đóng cửa. Sự việc xảy ra chỉ 6 tuần sau khi thỏa thuận bán 7-Eleven với mức giá 75 triệu USD của Modern cho một tập đoàn Thái Lan bất thành.
Có vẻ như, chi nhánh CP của Charoen Pokphand - đơn vị điều hành 7-Eleven Thái Lan - nơi có số lượng cửa hàng 7-Eleven nhiều thứ 2 thế giới chỉ sau Nhật Bản cũng không tỏ ra mặn mà với 7-Eleven Indonesia.
Khi được hỏi về số phận bi đát của 7-Eleven, Arifin - một người đang đậu xe trước một cửa hàng vừa bị đóng cửa ở thủ đô Jakarta nói rằng anh không mấy bất ngờ: “Các cửa hàng 7-Eleven luôn luôn đông đúc nhưng khách hàng chẳng mua gì nhiều cả. Họ chỉ tới đây tụ tập và dùng wifi chùa thôi. Những người này thậm chí mang cả máy tính xách tay và ngồi hàng giờ ở đó nhưng chỉ mua một cốc nước”. Kết quả là, Modern đã không thể tiếp túc vận hành 7-Eleven nhất là trước sức ép cạnh tranh khủng khiếp từ những chuỗi siêu thị mini tại địa phương như Alfamart và Indomaret cùng với những cửa hàng đồ ăn đường phố khác.
7-Eleven ở Việt Nam được vận hành theo mô hình giống với 7-Eleven Indonesia
“Doanh thu từ 7-Eleven không đủ bù phí vận hành như điện, wifi và phí quản lý”, theo Reza Priyambada - một chuyên gia phân tích bán lẻ tới từ công ty Bina Artha Securites có trụ sở tại Jakarta.
Điều đáng nói là cả Alfamart và Indomaret ban đầu đều bị choáng ngợp bởi thành công của 7-Eleven và họ thậm chí tính kế học theo mô hình này.
Thời điểm đó, cả 2 đã có thời gian dài hoạt động dưới hình thức như một siêu thị mini - mô hình bán lẻ tập trung nhiều hơn vào rau củ tươi và ít bán thực phẩm đóng gói cũng như đồ uống có cồn.
Thế nhưng, khi 7-Eleven xuất hiện và đạt được những thành công ban đầu, Alfamart đã ngay lập tức đàm phán thâu tóm chuỗi cửa hàng tiện lợi khác của Nhật Bản là Lawson. Trong khi đó, Indomaret thì tự ra mắt một thương hiệu cửa hàng tiện lợi mang tên Indomaret Point. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi khác gồm Familymart và Ministop cũng lần lượt nhảy vào thị trường Indonesia sau đó.
Quả thật ban đầu Modern đã rất thành công với 7-Eleven. Đối với những người trẻ tuổi Indonesia, 7-Eleven những năm 2009 được xem là nơi tiêu khiển tuyệt vời: Vị trí thuận tiện ngay mặt đường, đồ ăn sẵn có lại đa dạng, chỗ ngồi thoải mái, có điều hòa và wifi miễn phí - những tiện ích giống hệt một quán cà phê. Khoảng một nửa không gian của cửa hàng là để bày bán thức ăn và đồ uống. Thời hoàng kim năm 2014, doanh thu 7-Eleven đạt mức cao nhất tới 971,77 tỷ rupiah. Tính tới cuối năm ngoái, chuỗi này có tổng cộng 187 cửa hàng.
Kết cục đã được dự báo trước...
Tháng 4/2015, chính phủ Indonesia bắt đầu ra lệnh cấm bán rượu tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Thời điểm đó, đồ uống có cồn chiếm khoảng 15% doanh thu của 7-Eleven. Mặc dù chính phủ đã nới lỏng quy định khoảng 5 tháng sau đó, cho phép nhà chức trách của từng địa phương cân nhắc về việc thi hành quy định này nhưng Jakarta - thị trường lớn nhất của 7-Eleven lại quyết định giữ nguyên lệnh cấm.
Trong khi đó, 7-Eleven lại tỏ ra lúng túng trước những rắc rối về pháp lý khác. Năm 2012, Phòng thương mại Indoensia đã gửi văn bản cảnh cáo tới 7-Eleven về việc kinh doanh bán lẻ mà không có giấy phép hợp lệ.
Giữa tâm bão cấm bán rượu cùng rắc rối về pháp lý, doanh thu của 7-Eleven trong năm 2015 đã giảm 8,8% xuống còn 886,84 tỷ rupiah và Modern cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi công bố thua lỗ 54,76 tỷ rupiah.
Trong khi đó, Alfamart và Indomaret đều cho thấy họ không hề bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm bán rượu khi công bố doanh thu tăng trong năm đó. Nhìn chung, cả 2 đều có thâm niên bán rau củ, thực phẩm tươi suốt 2 thập kỷ với 13.000 cửa hàng trên khắp Indonesia.
Cùng lúc đó, cả hai chuỗi này cũng mở rộng hoạt động kinh doanh bằng việc cung cấp những dịch vụ khác bao gồm thanh toán hóa đơn và đặt dịch vụ du lịch.
Nomura - một ngân hàng đầu tư dự đoán vào tháng trước rằng những dịch vụ như vậy chiếm khoảng 15,3% lợi nhuận trước thuế của Alfamart vào năm ngoái, tăng từ 1,1% so với 4 năm trước đó.
Tại Việt Nam, Vinmart+ là chuỗi siêu thị mini có mô hình tương tự Alfamart và Indomaret, sản phẩm chủ đạo là thực phẩm tươi sống.
Về phía Modern, từ năm ngoái họ đã rục rịch đóng bớt cửa hàng 7-Eleven khi doanh thu bắt đầu sụt giảm. Tổng cộng riêng năm 2016, có 21 cửa hàng 7-Eleven đã bị đóng cửa. Doanh thu của toàn chuỗi tiếp tục giảm sâu tới 23,9% xuống còn 675,28 tỷ rupiah. Modern khủng hoảng trầm trọng hơn khi thua lỗ tới 764,32 tỷ rupiah. Đầu năm nay, Modern tiếp tục đóng thêm 30 cửa hàng 7-Eleven.
Không chỉ 7-Eleven, một đơn vị nhượng quyền chuỗi khác là Ministop tại Indonesia cũng đã phải đóng 10 cửa hàng. Hero Supermarket một tập đoàn bán lẻ được kiểm soát bởi công ty Jardine Mathson Holdings của Hong Kong đã bán Starmart cho Wings Group - đơn vị nhượng quyền FamilyMart. Một vài lãnh đạo cũ của Starmart đã chuyển sang FamilyMart nhưng hiện website của họ chỉ có 59 cửa hàng thay vì 300 cửa hàng như mục tiêu đặt ra trong năm 2015.
Trong khi đó, cả Alfamart và Indomaret đều chứng kiến doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng vào năm ngoái. Được biết cả 2 đều đang xem xét lại việc vận hành các chuỗi cửa hàng tiện lợi và thay vào đó họ sẽ mở hơn 1.200 siêu thị mini trong năm nay.
Bản thân Alfamart cũng đã đóng hàng loạt cửa hàng tiện lợi Lawson. Giám đốc tài chính Tomin Widian trả lời phỏng vấn tờ Nikkei rằng: “Chúng tôi sẽ không mở thêm bất kỳ cửa hàng Lawson nào nữa. Mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi đang được xem xét lại một cách thận trọng”.