Ra mắt hoành tráng, đưa mô hình cửa hàng tiện lợi đầy đồ ăn đến Indonesia y hệt Việt Nam nhưng 7-Eleven vừa phải đóng cửa vì lý do chẳng ai ngờ!
Hơn 8 năm hoạt động, 7-Eleven đã phải đóng cửa toàn bộ cửa hàng ở Indonesia sau nỗ lực "bán mình" bất thành.
Tại thủ đô của Indonesia, 7-Eleven không phải là kiểu cửa hàng tiện lợi “lấy đồ, thanh toán rồi đi” điển hình. Nó giống một quán cà phê hơn: Khách sẽ tới, ngồi xuống bàn, ăn những thức ăn đóng gói và chọn một loại đồ uống lạnh như Slurpee. Cửa hàng này có điều hòa nhiệt độ, wifi miễn phí. Mở cửa 24 giờ mỗi ngày và chính bởi vậy nó trở thành một địa điểm yêu thích cho giới trẻ Indonesia sau giờ tan làm hoặc tan học.
Với 176 cửa hàng trên khắp cả nước, chuỗi cửa hàng này hiện đang phải đối mặt với thách thức từ sự tức giận của các nhà chức trách; Các đối thủ cạnh tranh địa phương thì tỏ ra “ghét bỏ” thương hiệu nước ngoài này.
Ra mắt hoành tráng, như một nhân tố cách mạng của thị trường
Henri Honoris – chủ tịch Modern Putra Indonesia – đơn vị nhượng quyền thương hiệu này ở Indonesia mô tả 7-Eleven như một dạng “lai” giữa cả mô hình hiện đại và truyền thống. “Sau khi tan học, mọi người thường vào những quán cà phê hoặc hàng ăn để gặp gỡ, trò chuyện. Hiện tại những người trẻ tuổi muốn một nơi có điều hòa nhiệt độ và có cả wifi nữa. Vì vậy chúng tôi đã kết hợp tất cả những điều đó vào 7-Eleven”.
Khi bắt đầu hoạt động vào năm 2009, 7-Eleven đã hoàn toàn thay đổi ngành công nghiệp bán lẻ khi chứa cả không gian ăn uống bên trong.
Tại thời điểm đó, những đối thủ cạnh tranh trong nước như Alfamart và Indomaret chỉ có đủ không gian để mọi người vào mua hàng đơn thuần. Tuy nhiên, 7-Eleven lại hoàn toàn khác biệt. Những hàng xe dài xe máy đỗ bên ngoài dưới biển hiệu sáng trưng vào cả ban đêm là minh chứng cho thấy sự phổ biến của họ.
Honoris và các nhân viên 7-Eleven quan sát thói quen của khách hàng. Để thu hút những người trẻ tuổi, MPI còn cho bán cả loại kem Cold Stone Creamey. Họ cũng tạo ra những vị mới cho món gà rán – mặt hàng bán chạy nhất tại đây.
Hơn nữa, công ty cũng ra mắt một dịch vụ để khách hàng nào mua nhiều kem, gà rán và những món ăn sẵn khác có thể dễ dàng gọi taxi để đi về nhà. Và dịch vụ giao đồ ăn cũng được áp dụng cho những người thích ăn luôn tại nơi làm việc.
Thời điểm năm 2014, đồ ăn sẵn và nước uống chiếm hơn 90% doanh thu của 7-Eleven Indonesia.
Thời điểm năm 2014, cửa hàng tiện lợi đã thay đổi cuộc sống của nhiều người dân Indonesia còn 7-Eleven là “vị cứu tinh” cho Modern Internasional – công ty mẹ của chuỗi cửa hàng nhượng quyền này.
Được thành lập bởi ông của Honoris là Otije vào năm 1971, ban đầu công ty sản xuất và bán camera Fujifilm. Khi Honoris tham gia vào công ty từ năm 2001, mảng kinh doanh camera kỹ thuật số dần lụi bại. Doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh. Honoris sớm nhận ra nên tiến hành cắt giảm nhân sự. Kết quả là, nhân sự của công ty chỉ còn 1.300 người vào năm 2008 thay vì 2.650 người vào năm 2007.
Cũng chính tại thời điểm đó, gia tộc này quyết định cần phải thay đổi mô hình kinh doanh nếu muốn tiếp tục tồn tại. Họ tiếp cận 7-Eleven và sau đó nhận nhượng quyền từ công ty mẹ ở Nhật Bản. Cả 2 bên đã đồng ý các điều khoản nhưng kế hoạch bị tạm hoãn do khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997. Ban đầu, chính những lãnh đạo tại 7-Eleven Nhật Bản tỏ ra lo sợ nhưng sau 2 năm thỏa thuận, họ cũng ký kết hợp đồng chính thức vào năm 2009.
Gia tộc Honoris đã lấy lại phong độ từ đó. Năm 2013, 7-Eleven chiếm khoảng hơn 60% trong tổng doanh thu 1,27 nghìn tỷ rupiah (tương đương 103 triệu USD) của tập đoàn.
Honoris nói rằng anh sẽ tiếp tục tập trung vào điều hành các cửa hàng này. Thời điểm đó, điều kiện thuận lợi cho phép Modern Putra Indonesia mở tới 90 cửa hàng vào năm 2015 so với mục tiêu 50 cửa hàng mỗi năm. Honoris nói rằng trong khi công ty vẫn tập trung ở thủ đô Jarata thì những cửa hàng gà sẽ được mở rộng ra những thành phố lân cận và nâng tổng số cửa hàng lên 2.500 trong 1 thập kỷ tới. Anh cũng dự đoán sau này, cửa hàng tiện lợi sẽ chiếm gần 100% doanh thu toàn tập đoàn.
Tuy nhiên, mọi chuyện không suôn sẻ như Honoris nghĩ!
Ngay từ khi cửa hàng tiện lợi mới du nhập vào Indonesia, nhiều vấn đề bắt đầu nảy sinh. Dù là biểu tượng của sự hiện đại hóa nhưng cửa hàng tiện lợi cũng trở thành trung tâm của những chỉ trích từ các chủ cửa hàng tạp hóa truyền thống với lý do “đánh cắp khách hàng” của họ. Người dân quanh những cửa hàng tiện lợi cũng phàn nàn về việc bán rượu và tiếng ồn bởi cửa hàng này mở thâu đêm.
Các nhà chức trách địa phương cũng lo ngại và họ bắt đầu ngừng cấp giấy phép kinh doanh cho mô hình này. Ngay tại thời điểm đó, đối thủ cạnh tranh của 7-Eleven là Lawson đã bị buộc phải đóng cửa vì hoạt động trái phép. Ngoài ra, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng được biết đến là người có tư tưởng ủng hộ tuyệt đối đối với siêu thị truyền thống.
Về phía 7-Eleven, thời điểm đó họ đang bắt đầu mở rộng, tấn công mạnh hơn vào những vùng quanh thành thị và trở ngại về mặt luật pháp kể trên gây ảnh hưởng không hề nhỏ. Việc 7-Eleven kinh doanh hợp pháp hay không trở thành đề tài tranh cãi kịch liệt bởi mảng kinh doanh của họ trải từ bán lẻ tới dịch vụ thực phẩm.
Đây là siêu thị mini hay một quán cà phê? Không ai có thể định nghĩ rõ được. Bản thân chính quyền cũng tỏ ra lúng túng trong việc tạo ra các điều luật áp dụng cho chuỗi này.
Cuối cùng, 7-Eleven hoạt động dưới giấy phép 1 nhà hàng. Honoris nói công ty của anh không khó khăn trong việc có được giấy phép hoạt động nhưng những cản trở về luật pháp khiến MPI khó thực thi kế hoạch mở rộng ra các vùng khác. Để giải quyết việc này, công ty đã chuyển tập trung sang mở những cửa hàng nhỏ hơn bên trong những tòa nhà văn phòng hoặc trung tâm thương mại ở thủ đồ Jarkata
Honoris vẫn cam đoan rằng 7-Eleven hoạt động dưới sự gắn bó chặt chẽ với những doanh nghiệp nhỏ và điều này có lợi cho cả 2 bên. MPI có nguồn cung sản phẩm mang thương hiệu riêng 7-Eleven là nhiều nhà sản xuất địa phương. Công ty cũng bắt đầu nhượng quyền 7-Eleven cho những cá nhân khác từ năm 2015.
Tuy nhiên những nỗ lực đó không giúp cứ vãn 7-Eleven, rốt cục chuỗi cửa hàng này buộc phải "co hẹp" hoạt động trong phạm vi thủ đô của Indonesia. Nhiều người đã đặt câu hỏi là làm cách nào 7-Eleven họ có thể sống sót trước sự bành trướng của những gã khổng lồ địa phương: Alfamart và Indomaret mỗi đơn vị vận hành 10.000 cửa hàng trong cả nước còn 7-Eleven mới chỉ có hơn 100 cửa hàng.
Quả thật, thực tế đáng buồn đã tới khi hôm nay, MPI tuyên bố đóng toàn bộ các cửa hàng 7-Eleven trên cả nước vì “không còn nguồn lực để điều hành hoạt động”. Trước đó họ đã nỗ lực đàm phán "bán mình" cho tập đoàn Thái Lan nhưng bất thành.