Tự hào từ cái… nhà kho “lò Hoàng Anh Gia Lâm”

18/12/2018 10:26 AM | Xã hội

Khi Huy Hùng rồi Đức Huy sút tung lưới Malaysia, cả triệu người hâm hộ trên khắp Việt Nam vỡ òa cảm xúc. Ở một căn phòng nhỏ trên đất Gia Lâm có hàng chục cầu thủ nhí đang châu đầu vào chiếc tivi n...

Tự hào Hà Nội

Và không chỉ các cậu nhóc vui, những người thầy vô danh của Huy, Hùng, Trọng, Mạnh… cũng tự hào lắm, với đầy những hy vọng khấp khởi.

Trận chung kết lượt đi, ông Park lại thay đổi đội hình xuất phát, với Huy Hùng và Đức Chinh lần đầu đá chính. Lần đầu tiên, bộ đôi của Hà Nội là Đức Huy – Hùng đá cặp tiền vệ trung tâm và cả 2 cùng ghi bàn. Hùng băng dứt điểm căng mở tỷ số và sau đó, đến lượt Huy vung chân hạ thủ môn Malaysia.

Ở ĐT Việt Nam, Văn Hậu là "em út" khi chưa đầy 19 tuổi nhưng đã là nhân tố không thể thay thế bên cánh trái. Hàng thủ, Quế Ngọc Hải cùng 2 trung vệ của CLB Hà Nội là Đình Trọng – Duy Mạnh hợp thành bộ ba giúp ĐT Việt Nam trắng lưới ở vòng bảng.

Trận chung kết lượt đi, nếu như Mạnh lãnh nhiệm vụ "chiến đấu" khi lao vào tranh chấp, sẵn sàng dùng tiểu xảo để khắc chế ngòi nổ quan trọng nhất của đối thủ là đội trưởng Zaquan Adha thì Đình Trọng "bắt chết" mũi nhọn Tahala và chơi hay đến mức được liên tưởng như một "Cannavaro của ĐT Việt Nam".

 Tự hào từ cái… nhà kho “lò Hoàng Anh Gia Lâm” - Ảnh 1.

Đinh Trọng khóa chặt mũi tấn công Idlan Talaha cùa ĐT Malaysia ở cả 2 trận chung kết lượt đi và về. Ảnh: Đ.Đ

Tuyến giữa có Huy Hùng, Đức Huy và bên trên là Quang Hải, ngôi sao quan trọng nhất trong lối chơi mà HLV Park Hang-seo xây dựng. Dù không ghi bàn nhưng trận đấu trên sân Bukit Jalil chính là màn trình diễn xuất sắc nhất của cầu thủ nhỏ con này, với những pha xử lý đẳng cấp rồi tung ra các pha chọc khe "chết người", đặt Đức Chinh, Tiến Linh vào thế đối mặt với thủ môn.

Cũng đáng để tự hào, khi quân Hà Nội có đến 7/11 cầu thủ đóng vai chính ở ĐTQG. Và trừ Văn Hậu bắt đầu và trưởng thành từ Trung tâm đào tạo trẻ Hà Nội T&T, 6/7 gương mặt còn lại đi lên từ lò đào tạo "Hoàng Anh Gia… Lâm", cái tên vui vui mà dân bóng đá Hà Nội vẫn đọc nhại khi nhắc đến Trung tâm đào tạo và huấn luyện bóng đá Hà Nội (Sở TDTT Hà Nội) đặt bên Nhà thi đấu Gia Lâm.

Tự hào "Hoàng Anh Gia… Lâm"

Phải đến khi U23 Việt Nam với thành công ở VCK U23 Châu Á 2018 mà quân số đóng góp đông nhất là của Hà Nội, nhiều người mới biết đến tự tồn tại của một trung tâm đào tạo trẻ như thế có tồn tại bao năm qua.

Thế mới có chuyện, một gia đình có con đang theo tập ở trung tâm Hà Nội khi đọc báo mới biết, sát cạnh nhà có nơi dạy bóng trẻ con. Và nhắc đến cái lò đào tạo từng dạy, nuôi dưỡng những ngôi sao của ĐTQG bây giờ, có không biết bao nhiêu giai thoại khóc cười.

Ví dụ như Thành Lương, người sở hữu 4 Quả bóng Vàng Việt Nam, giờ vẫn đầy tự hào khi gặp thầy hay bàn đồng trang lứa từng tập cùng rồi nhắc lại sự tích "cái hố xí ngày xưa". Ngày Lương từ Phù Lưu xách balo có đôi giầy và 2 bộ quần áo sang xin tập, do không có chỗ ở nên được bố trí ở căn phòng duy nhất không ai ở, sát cạnh khu nhà vệ sinh.

 Tự hào từ cái… nhà kho “lò Hoàng Anh Gia Lâm” - Ảnh 2.

Huy Hùng, nhân tố gây bất ngờ nhất ở 2 trận chung kết của ĐT Việt Nam. Ảnh: Đ.Đ


Chuyện về "lò Hoàng Anh Gia… Lâm" lắm chuyện khó tin, như việc các HLV vẫn đùa vui "dạy bóng đá kiêm bảo mẫu và trông trẻ con". Bởi không ít trường hợp, như cùng lứa với những Huy Hùng, Hùng Dũng hay Đình Trọng, Duy Mạnh…, do hoàn cảnh đặc biệt nên được gửi đi theo tập bóng đá.

Nhà có điều kiện nên sướng quá hay khó bảo, thuộc diện trẻ hư thì cho tập bóng đá để quen khổ, vào quy củ cũng có và có cả gia đình vỡ nợ, bố mẹ đi tù hay bỏ nhau nên không ai trông, có chút năng khiếu nên nhà đẩy luôn đi tập và cả năm kệ các thầy, chẳng ai ngóng nghiêng.

Do điều kiện khó khăn, lò đào tạo này chỉ nhặt được quân từ các huyện ngoại thành Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên, Sóc Sơn, Thanh Trì hay vùng ven Hà Nội. Cứ mỗi đợt tuyển sinh đầu vào (Trung tâm chỉ đào tạo từ 11 đến 17 là chuyển giao, trước là Hà Nội ACB và sau là CLB Hà Nội) là bao chuyện khôi hài.

Các thầy đi quanh Hà Nội nhặt quân, có cậu bé năng khiếu thuyết phục mãi gia đình mới đồng ý cho tập thử nhưng rồi sang đến nơi thì "chạy mất dép" luôn. Làm sao một gia đình bình thường, chưa cần nói dân Hà Nội, có thể gửi cho ăn tập ở một nơi mà đứa trẻ phải ngủ ở gầm cầu thang cơ chứ?

Không phải trung tâm bóng đá tư nhân, có doanh nghiệp đỡ đầu kiểu PVF, HAGL hay Viettel, khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện lẫn cơ chế nên đành phải chấp nhận có gì dùng nấy, thế nên mới có những câu chuyện cảm động, khi có phụ huynh nhà có điều kiện hô hào anh em bạn bè những người máu bóng đá cùng chung tay.

Sửa sang lại phòng ốc, mùa hè nóng hơn 40 độ cố lắp mấy cái điều hòa cũ hàng thanh lý cho trẻ con ngủ ngon lấy sức còn mùa đông có thêm đệm, chăn ấm hay bộ đồng phục áo rét mà tập luyện, mỗi người một chút và phân chia nhau để đôi khi chỉ cần có thêm mấy cái tủ, cái bàn học…

Tự hào để hy vọng

Chuyện buồn kể lại cho vui và gần đây thì cũng khác nhiều, khi các ĐTQG trẻ thành công, tạo ra những hiệu ứng tích cực lên cả nền bóng đá cũng như tác động trực tiếp đến nhận thức, quan tâm cho bóng đá trẻ và những người vẫn đang âm thầm làm trẻ được… thơm lây.

Đơn cử như bầu Hiển, ở buổi tổng kết năm 2017 với Tập đoàn T&T đã "mưa rơi" tiền thưởng, không quên những HLV hay người thầy từng liên quan đến đào tạo, dìu dắt những Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Đức Huy… cũng có lì xì 20 triệu thay lời cảm ơn.

 Tự hào từ cái… nhà kho “lò Hoàng Anh Gia Lâm” - Ảnh 3.

ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 đầy xứng đáng. Ảnh: AFF


Chung kết lượt đi ĐT Việt Nam hòa Malaysia 2-2 mà "quân Hà Nội" với Huy Hùng rồi Đức Huy ghi bàn còn Văn Hậu, Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh trở thành những niềm tự hào lẫn tấm gương đúng nghĩa, họ có thể không biết rằng ở những căn phòng cũ nơi mình từng ra đi có những người thầy, người anh có chút niềm vui, hy vọng thiết thực nhất.

Và cả lũ trẻ nữa, y như những tuyển thủ đang khoác áo ĐT Việt Nam và tỏa sáng của ngày xưa, đầy tự hào, khát khao lẫn ước vọng về một ngày mai…

Rồi ở lò Hoàng Anh Gia… Lâm" ấy, một ngày không xa các cậu bé cổ vũ ĐT Việt Nam bây giờ, cũng sẽ lại vỗ ngực tự hào từng bước đi từ cái nhà kho, nhà vệ sinh ấy…

Theo Triết Long

Cùng chuyên mục
XEM