Từ gỏi gà măng cụt đến đầu ra cho nông sản
Nông sản vùng miền và văn hóa ẩm thực Việt Nam rất phong phú, nếu biết truyền thông quảng bá tốt có thể kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ
"Gỏi gà măng cụt", "trà mãng cầu",… đang là những từ khóa đang "hot" gần đây khiến cho các loại nông sản như: gà ta, măng cụt xanh, mãng cầu xanh tăng giá mạnh, thậm chí có nơi măng cụt xanh còn có giá hơn măng cụt chín.
Quảng bá sáng tạo
Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam - rất ngạc nhiên về tầm phủ sóng của món "gỏi gà măng cụt" gần đây. "Đây không phải là món mới. Tôi nhớ năm 2000, tại một cuộc thi đầu bếp lớn được tổ chức ở khu du lịch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), gỏi gà măng cụt cùng với gà nướng sầu riêng đã giành giải nhất. Đây là những món rất ngon, sử dụng nguyên liệu bản địa, hợp khẩu vị người địa phương. Việt Nam có rất nhiều món ngon như vậy, nếu được quảng bá tốt sẽ là cơ hội kinh doanh, thúc đẩy tiêu thụ nông sản" - bà Sương nói.
Theo ThS Đỗ Quang Huy, giảng viên chính thức của một sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, hiện nay các video về nông sản, các món ăn dân dã rất dễ được lên "trend" (xu hướng - PV) trên TikTok với lượt xem nhiều thay thế cho những clip nhảy nhót, "bóc phốt" trước đây. "Đó là nhờ sự thay đổi lớn về thuật toán của các nền tảng mạng xã hội" - chuyên gia Đỗ Quang Huy nhận định.
Ông Nguyễn Thái Dương, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần iPOS.vn (cung cấp giải pháp số hóa dịch vụ ẩm thực - F&B), cho biết "gỏi gà măng cụt" và "trà mãng cầu" có "trend" từ đầu tháng 3-2023 và có mức thảo luận mạnh mẽ trong 1-2 tuần nay. Tuy nhiên, hiện tại 2 món này mới chỉ được coi là một xu hướng giải trí, chưa phải là sản phẩm mang tính bền vững. "Ngành nông sản và F&B có độ vênh lớn về mặt thời gian. Trend F&B thường kéo dài trong vòng 3-6 tháng, tối đa 1 năm nên thời gian nuôi trồng nông sản sẽ không thể kịp thời gian nở rộ của trend" - ông Nguyễn Thái Dương nhìn nhận.
Chuyên gia Đỗ Quang Huy cũng cho rằng đã là trend thì sẽ theo quy luật là nổi lên nhanh chóng và sau đó chìm xuống để nhường cho trend mới. "Vòng đời của 1 trend từ 1-3 tháng, nếu sản phẩm tốt có thể kéo dài 6 tháng, người kinh doanh cần nắm bắt quy luật để cân đối hàng hóa. Khi phát hiện hàng hóa vào trend thì tập trung nguồn lực để kinh doanh sản phẩm đó, cuối trend sẽ điều chỉnh sang sản phẩm khác. Không có trend này sẽ có trend khác, nông sản Việt Nam rất nhiều" - chuyên gia thương mại điện tử này nhận định.
Nhờ món “gỏi gà măng cụt” mà măng cụt xanh được săn lùng, có nơi giá vượt măng cụt chín
Chủ động tạo trend
Chuyên gia Đỗ Quang Huy cũng thẳng thắn nếu nông dân bây giờ thấy một món nào đó vào trend mới bắt đầu sản xuất, năm sau mới thu hoạch thì chắc chắn sẽ khó bán được hàng.
Cách làm khôn ngoan là nông dân có thể chủ động tạo ra trend để bán hàng hóa sẵn có nhưng cần có sự thống nhất và chuẩn bị bài bản ngay từ đầu mùa. "Cơ hội cho nông sản, đặc sản vùng miền hiện rất lớn bởi những nội dung về ẩm thực rất được công chúng yêu thích và được ưu tiên lên "xu hướng" trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Nếu cùng một thời điểm, có nhiều người cùng nói về một mặt hàng nào đó thì chủ đề đó sẽ lên "trend". Các nông dân ngày nay chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể chụp ảnh, quay phim giới thiệu sản phẩm, livestream bán hàng. Chỉ cần chịu khó học hỏi một chút là có thể làm được" - ông Đỗ Quang Huy quả quyết.
Đây là cách mà Trung Quốc đã làm và rất thành công. Nông dân trực tiếp sản xuất livestream thu hút người dùng, còn khâu vận hành để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đã có đơn vị chuyên nghiệp lo. Bán hàng bằng video và livestream tạo ra cảm xúc cho người mua, khiến họ nhanh chóng "chốt đơn" dù ban đầu không hề có ý định mua sắm.
Tại Việt Nam, các bộ ngành, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các sàn thương mại điện tử, các công ty giao nhận cũng đang đầu tư rất nhiều để đẩy mạnh thương mại điện tử vùng nông thôn, bà con nông dân nên tận dụng cơ hội.
Do nông sản có độ vênh với ngành F&B nên ông Nguyễn Thái Dương khuyên nông dân nên chọn những nông sản phổ biến như: cà phê, trà... hay với trái cây thì đào, vải, chanh... để giới thiệu vì đã được ứng dụng phổ biến trong ngành F&B, nhu cầu tiêu thụ lớn.
Từ sự nổi lên của món gà măng cụt, nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương hy vọng các bộ ngành, địa phương có chiến lược tổng thể truyền thông, quảng bá các món ăn vùng miền, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. "Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam đã lên thực đơn 200 món ăn từ sen - lập kỷ lục Việt Nam; 222 món ăn từ dừa - lập kỷ lục thế giới được đánh giá cao tại các ngày hội. Nhưng tiếc là sau các sự kiện, bộ sưu tập những món ăn này chưa được lan tỏa ra công chúng" - bà Sương nhìn nhận.
Chiến lược quảng bá ẩm thực Việt
Bà Sương cũng chia sẻ các loại nông sản - thực phẩm nước ngoài muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam cũng thường thông qua các đầu bếp Việt bởi họ là người sáng tạo ra các món ăn từ những nguyên liệu ngoại nhập, phù hợp khẩu vị người Việt. "Chúng ta cần có chiến lược tổng thể trong việc quảng bá ẩm thực Việt, nếu không các món ăn truyền thống sử dụng nguyên liệu bản địa sẽ bị mai một trong khi các món lai, sử dụng nguyên liệu đa quốc gia sẽ ngày càng phát triển" - bà Sương cảnh báo.