Từ giá vật liệu cho đến những 'ngóc ngách' mới như Bitcoin đều bùng nổ: Thị trường toàn cầu đang ở trong một quả bong bóng khổng lồ?
Mọi thị trường từ vật liệu xây dựng cho đến Bitcoin và chứng khoán đều tăng vọt. Điều này làm dấy lên mối lo ngại mới về việc thị trường toàn cầu đang ở trong một quả bong bóng. Việc nhiều loại tài sản cùng đồng loạt tăng giá đến mức này là điều hiếm khi xảy ra.
Tại Mỹ, giá gỗ xẻ đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại. Trong khi đó, doanh số bán nhà chung cư cũng đang ở mức cao nhất kể từ năm 2006 – thời điểm trước khi bong bóng nhà ở vỡ tung. Ngoài ra, TTCK cũng đang khởi sắc, với các chỉ số tham chiếu tại Mỹ cho đến Pháp, Australia đều lập đỉnh mới trong năm nay.
Chưa dừng ở đó, sự điên cuồng còn vượt ra khỏi Phố Wall. Bitcoin lần đầu tiên vượt mốc 60.000 USD vào tháng trước, trong khi Dogecoin cũng chạm đỉnh nhờ nhóm fan hâm mộ sử dụng hashtag #DogeDay trên Twitter. Trong giới đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư đang đổ tiền vào các startup với khối lượng gấp hơn 5 lần so với yêu cầu ban đầu. Định giá của toàn bộ những công ty này đều đạt mức cao mới.
Xu hướng tăng bùng nổ của thị trường khiến ngay cả những nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm cũng phải "bó tay".
Jeremy Grantham – nhà đồng sáng lập và chiến lược gia đầu tư chính của công ty quản lý tài sản Grantham, Mayo & van Otterloo, cho biết: "Điều này rất khác với bất kỳ quả bong bóng nào tôi từng chứng kiến." Grantham nổi tiếng với việc dự đoán chính xác thời điểm sụp đổ của bong bóng tài sản Nhật Bản cuối những năm 1980, bong bóng dot-com năm 2000 và khủng hoảng nhà ở năm 2008.
Ông cho biết: "Toàn bộ những quả bong bóng trước đây đều xảy ra khi điều kiện kinh tế có vẻ gần như hoàn hảo. Ở lần này, mọi thứ hoàn toàn khác, bởi thị trường tăng một cách đáng kinh ngạc khi nền kinh tế đang gặp khó khăn."
Trước đây, Phố Wall cũng từng chứng kiến điều tương tự. Sự hứng khởi quá mức của các nhà đầu tư đối với nhiều loại tài sản đang gợi nhớ đến thời điểm những năm 1920. Hơn nữa, mức định giá cao "trên trời" của các cổ phiếu công nghệ cũng tương tự như đợt bùng nổ của sự kiện dot-com 2 thập kỷ trước.
Ở cả 2 sự kiện này, những đợt suy thoái đầy căng thẳng đã diễn ra, khiến TTCK phải mất nhiều năm để hồi phục. Những tín hiệu chồng chéo từng xảy ra ở thời điểm đó và lặp lại ở hiện tại đã khiến nhiều nhà đầu tư luôn trong tâm thế chờ đợi cho đợt giảm giá thậm chí còn kinh hoàng hơn. Đây sẽ là sự kiện không chỉ khiến nhà đầu tư trên TTCK mất trắng, mà cả những nhà đầu cơ trên các thị trường khác cũng hứng chịu cảnh tương tự.
Quả bong bóng không chỉ được xác định bởi mức định giá quá cao. Thay vào đó, các nhà phân tích và nhà đầu tư cho rằng quả bong bóng được thổi phồng bởi nhà đầu tư luôn tự tin rằng mọi thứ sẽ chỉ tăng giá. Họ bỏ qua những nguyên tắc cơ bản, như liệu một doanh nghiệp có thể tạo ra đủ lợi nhuận để phù hợp với mức giá cổ phiếu hiện tại hay không.
Vấn đề là, thị trường đã thăng hoa trong một thời gian dài hơn dự đoán của những chuyên gia có quan điểm hoài nghi. Ví dụ, trong trường hợp của Nhật Bản vào năm 1989, TTCK đạt mức EPS cao gấp 60 trước khi lao dốc và sự trì trệ đã kéo dài hàng thập kỷ sau đó.
Trong khi đó, ở Mỹ, S&P 500 hiện đang giao dịch với mức EPS là khoảng 26, theo Dow Jones Market Data. Một chỉ số theo dõi định giá khác là CAPE (hệ số lợi nhuận về giá được điều chỉnh theo chu kỳ) cũng ghi nhận mức cao nhất trong 2 thập kỷ là 37,6, trong khi từng chạm mức cao nhất vào tháng 12/1999 là 44,2. Theo FactSet, hàng chục cổ phiếu trong S&P 500 giao dịch cao hơn EPS của chỉ số này, bao gồm Tesla ở mức 1.130 lần EPS và Nvidia là 86.
Meb Faber – CFO và giám đốc danh mục đầu tư tại Cambria Investments, nhận định: "Một thị trường tăng giá không nhất thiết là sẽ sụp đổ". Ông cho rằng, việc chốt lời quá sớm có nghĩa là nhà đầu tư sẽ không mạo hiểm cho tiềm năng sinh lời hấp dẫn trong vài năm.
Theo Wall Street Journal, có nhiều lý do để tin rằng biến động thị trường có thể tiếp tục diễn ra với tốc độ ổn định.
Trong những tháng gần đây, một số cổ phiếu đã rớt giá do lợi suất trái phiếu tăng. Chính diễn biến này lại giúp các cổ phiếu giao dịch ở mức giá hợp lý hơn so với những năm qua. Ví dụ, Amazon hiện đang giao dịch ở mức gấp 79 lần lợi nhuận trong năm qua, thấp hơn mức trung bình 5 năm là 175. Trong khi đó, P/E của Netflix hiện ở mức 62%, giảm so với mức trung bình trong nửa thập kỷ qua là 195.
Hiện tại, thị trường vẫn nhận được sự thúc đẩy đặc biệt từ các nhà hoạch định chính sách. Sau khi đại dịch hoành hành, Fed đã hạ lãi suất xuống gần mức 0 và mở rộng chương trình mua trái phiếu, trong khi gói kích thích hàng nghìn tỷ USD cũng được thông qua. Những biện pháp can thiệp này đã giúp thị trường hồi phục từ mức đáy hồi tháng 3 năm ngoái, ngay cả khi nền kinh tế Mỹ đi xuống lần đầu tiên kể từ năm 2009.
1 năm sau, hoạt động kinh tế hồi phục trở lại, TTCK tiếp tục tăng vọt. Tuy nhiên, Fed vẫn đưa ra tín hiệu sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này càng giúp niềm tin nhà đầu tư được củng cố về việc thị trường sẽ tiếp tục tăng cao hơn. Đó là bởi, lãi suất là "xương sống" của các mô hình định giá dòng tiền chiết khấu. Theo các mô hình đó, lãi suất thấp sẽ mang lại giá trị cao hơn cho dòng tiền tương lai.
Byron Wien là phó chủ tịch nhóm giải pháp tài sản tư nhân của Blackston, ông đã chứng kiến nhiều đợt bong bóng thị trường trong sự nghiệp hơn 3 thập kỷ. Wien nhận định: "Nhà đầu tư đang thấy rằng họ đang đầu tư với sự ‘miễn nhiễm’. Mỗi chu kỳ đều khác nhau, nhưng những trường hợp định giá bất thường đều xuất hiện."
Môi trường ở hiện tại trái ngược với sự bùng nổ giá trị tài sản của những năm 1920, 1980, 1990 và giữa những năm 2000. Khi đó, giới phân tích và đầu tư cho rằng thị trường được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Trong hầu hết những giai đoạn này, Fed đóng vai trò là người phá vỡ bong bóng khi tăng lãi suất để kiềm chế giá tài sản và thường là lạm phát.
Ví dụ, khi Nasdaq lập đỉnh vào tháng 3/2020, Fed đã thực hiện một loạt các đợt tăng lãi suất lên 5,7% trong nỗ lực kiểm soát lạm phát. Lần này, Fed đã bác bỏ quan điểm cho rằng lãi suất thấp đang thổi phồng bong bóng tài sản.
Trong khi đó, một trong những góc khuất của thị trường đã khiến nhà đầu tư "hoảng hốt". Ví dụ, Archegos Capital Management đã mất hàng chục tỷ USD sau một số khoản đặt cược lớn với đòn bẩy cao. Trong khi đó, các quỹ ETF của Cathie Wood đã gặp khó khăn khi đầu tư mạnh vào nhóm cổ phiếu tăng trưởng – nhiều trong số đó không hề có lợi nhuận. ARK Innovation ETF đã giảm 23% so với mức cao nhất hồi giữa tháng 2.
Các quỹ ETF theo dõi SPAC cũng trượt khỏi mức cao nhất từng ghi nhận hồi đầu năm. Các nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm này làm gia tăng mối lo ngại về tính về vững đối với đà tăng của các SPAC. Bitcoin hiện cũng giảm khoảng 20% so với mức đỉnh đạt được cách đây hơn 1 tuần.
Đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy TTCK và các loại tài sản là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhóm này cho biết họ nghĩ rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường đã tăng giá quá mức. Một cuộc khảo sát của E*Trade hồi đầu tháng này cho thấy gần 70% trong số 957 nhà đầu tư tin được khảo sát rằng thị trường đã hoàn toàn, hoặc phần nào ở trong một quả bong bóng.
Dẫu vậy, sự thừa nhận đó cũng không làm giảm tâm lý hứng khởi của họ với TTCK. Chỉ tháng 3, các quỹ tương hỗ và ETF của Mỹ đã đón nhận dòng vốn trị giá 98 tỷ USD – mức cao nhất trong 1 tháng kể từ trước đến nay. Hơn nữa, dòng vốn đổ vào các quỹ này từ tháng 12 đến nay cũng đạt mức 137,8 tỷ USD, sắp chạm mức cao nhất trong 7 năm.
Grantham nhận định: "Mọi thứ càng tăng cao, bạn sẽ phải trả giá càng đắt. Tôi cho rằng đó chính là dấu hiệu của quả bong bóng. Khi mọi thứ tăng cao hơn, bạn có thể ăn mừng, nhưng điều đó không thể thay đổi những tổn thất trong tương lai."
Tham khảo Wall Street Journal