Tư duy mét vuông chặn đường thoát lũ: Tiểu Paris bị 'bóp chết'
Là thành phố cao nguyên, lẽ ra Đà Lạt không thể bị ngập lụt. Thế nhưng giờ đây hễ có mưa lớn là nhiều khu vực ngập chìm trong biển nước.
Đà Lạt từng được mệnh danh là tiểu Paris với hàng ngàn biệt thự kiến trúc châu Âu trang nhã, những khu nhà thấp tầng được bao bọc bởi những mảnh vườn, rừng cây xanh tốt. Còn bây giờ khu vực đô thị và thậm chí một số vùng ngoại ô, nhà hộp, nhà ống, cao tầng mọc lên nhan nhản.
Lượng du khách lên Đà Lạt nghỉ dưỡng tăng đều hàng năm và gần đây nở rộ xu hướng người dân xứ nóng đổ xô lên Đà Lạt nghỉ cuối tuần. Giới nhà giàu, một chủ có thể mua hẳn vài thửa đất để xây biệt thự, còn những người khác thì ở nhà nghỉ, khách sạn. Có cầu ắt có cung, khách sạn mọc lên như nấm.
Giá bất động sản tăng vọt đẻ ra tư duy mét vuông. Người ta tận dụng từng tấc đất để xây dựng nhằm tăng diện tích thương mại khiến Đà Lạt bị bê tông hóa quá mức, trong khi việc quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật (hệ thống thoát nước, hồ tích nước, công viên cây xanh…) không theo kịp với tốc độ xây dựng các công trình lưu trú. Thế nên chẳng phải đợi đến mưa to, chỉ cần lượng mưa trung bình nhưng kéo dài là nhiều khu vực ở Đà Lạt bị ngập vì nước không thoát kịp.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, để vận hành tốt một đô thị thì cần có không gian cây xanh mặt nước chứ không thể xây dựng bất chấp. Nhà đầu tư thường suy nghĩ ngắn hạn, chủ yếu vì lợi nhuận chứ ít khi nghĩ đến sự phát triển chung của đô thị, trong khi chính quyền thì thiếu tầm nhìn về phát triển bền vững; công tác quy hoạch chưa tốt, không đủ không gian cho mặt nước…
Mạnh ai nấy làm nhà kính
Không chỉ nhà cửa mà hệ thống nhà kính, nhà lưới đã và đang “mọc” lên nhan nhản ở thành phố Đà Lạt. Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết Lâm Đồng có khoảng 5.500 ha nhà kính, nhà lưới thì Đà Lạt đã chiếm tới gần 2.800 ha.
Phương thức nông nghiệp này đang phát triển tự phát, ồ ạt dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch, cảnh quan và môi trường sinh thái của Đà Lạt. Từ các điểm cao của thành phố nhìn xuống, hầu như chỗ nào cũng xuất hiện những mảng màu trắng đục của nhà kính, xen lẫn các khu dân cư nội ô chật chội, thay thế dần những mảng xanh của đồi thông.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho rằng việc phát triển nhà kính quá nhanh cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng.
Không những thế, nhà kính còn xâm lấn làm thu hẹp các lòng hồ, con suối. Hồ Than Thở, một danh thắng cấp quốc gia đang bị nhà kính áp sát, làm biến dạng. Hồ Vạn Kiếp rộng hàng chục héc ta giờ chỉ còn là khe suối nhỏ. Đan kia - Suối vàng, hồ chứa nước sinh hoạt của toàn thành phố cũng nhấp nhô nhà kính ở một số vị trí ven hồ. Hồ Mê Linh bị thu hẹp diện tích rất lớn. Nhiều đoạn dọc suối Cam Ly bị các nhà kính áp sát, thu hẹp dòng chảy...