Từ đám cưới của Công chúa Nhật Bản: Khi chiếc vương miện vắt kiệt tinh thần của những người phụ nữ

26/10/2021 15:28 PM | Sống

Làm phụ nữ ở Nhật Bản không dễ, với những tiêu chuẩn đầy khắt khe mà xã hội dành cho họ bao đời nay. Nhưng có lẽ, nơi khắc nghiệt nhất dành cho phụ nữ Nhật Bản là ở trong hoàng tộc.

Cách đây gần 3 thập kỷ, Thượng Hoàng hậu Michiko đã từng mất giọng sau khi công chúng liên tục bàn tán về những thiếu sót của bà lúc sắp chuẩn bị thành vợ của Thiên hoàng Akihito. 10 năm sau đó, con dâu của bà - Hoàng hậu Masako phải rút lui khỏi nghĩa vụ hoàng tộc để điều trị căn bệnh trầm cảm, sau khi truyền thông tỏ ý nghi ngờ bà không thể sinh hậu duệ cho Nhật hoàng Naruhito.

Và giờ đến lượt cháu gái của Thượng Hoàng hậu Michiko - Công chúa Mako (30 tuổi), đã mắc rối loạn sang chấn tâm lý sau khi hứng chịu làn sóng phản đối của công chúng về cuộc hôn nhân với Kei Komuro - một luật sư - được tổ chức vào ngày 26/10/2021.

"Cô ấy cảm thấy nhân phẩm của mình như đang bị chà đạp," - bác sĩ tâm lý của Mako phát biểu trong cuộc họp báo hồi đầu tháng 10. "Giống như một con người không còn chút giá trị."

 Từ đám cưới của Công chúa Nhật Bản: Khi chiếc vương miện vắt kiệt tinh thần của những người phụ nữ - Ảnh 1.

Công chúa Mako trên đường đi cầu nguyện trước lễ cưới

Làm phụ nữ trong Hoàng gia Nhật là một gánh nặng

Dù xuất thân từ hoàng tộc hay gia nhập qua hôn nhân, phụ nữ trong Hoàng gia Nhật phải chịu đựng hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe từ công chúng, truyền thông, và từ các quan chức trong hoàng thất. Với việc gia tộc sẽ luôn được xem là biểu tượng truyền thống của người Nhật Bản, phụ nữ trong hoàng gia gần như là nạn nhân của một phiên bản bất bình đẳng giới đang lan rộng trong quốc gia, nơi sự bảo thủ của xã hội vẫn gắn phụ nữ với những vai trò đầy cứng nhắc.

 Từ đám cưới của Công chúa Nhật Bản: Khi chiếc vương miện vắt kiệt tinh thần của những người phụ nữ - Ảnh 2.

Hoàng gia Nhật Bản năm 1959

Về truyền thống, phụ nữ không được phép kế vị ngai vàng. Nhưng mặt khác, những chỉ trích nhắm vào họ lại lớn hơn so với nam giới - những người được bảo vệ phần nào nhờ dòng dõi được kế vị sau này.

"Bên cạnh những trách nhiệm hoàng tộc, họ còn phải duy trì phong cách ăn mặc luôn đẹp, và buộc phải sinh con sau khi kết hôn," - Rika Kayama, giáo sư tâm lý trị liệu tại ĐH Rikkyo, Tokyo.

"Bạn có trở thành một người mẹ tốt hay không? Dư luận sẽ đặt dấu hỏi. Hay liệu có thể duy trì quan hệ tốt đẹp với mẹ chồng? Sẽ hỗ trợ những người đàn ông trong hoàng thất như thế nào? Có quá nhiều việc phải làm, và phải thật hoàn hảo. Tôi không nghĩ đàn ông trong hoàng tộc bị đánh giá theo kiểu như vậy."

Nhật Bản đang dần thay đổi. Ít nhất có 2 phụ nữ đứng ra tranh cử thủ tướng trong lần bầu của gần nhất. Một số tập đoàn cũng đang nỗ lực đưa phụ nữ vào các vị trí có thẩm quyền cao. Nhưng nhìn chung, xã hội Nhật vẫn đang xem phụ nữ là một "công dân hạng 2". Vợ chồng không được phép tách họ, trong đó yêu cầu phụ nữ sau kết hôn phải cải họ theo chồng. Trong việc quản lý, rất ít phụ nữ nắm vai trò điều hành - dù là Quốc hội hay ở các trường đại học danh tiếng.

Những người phụ nữ đứng ra phản đối sự bất công hoặc ủng hộ bình đẳng giới thường sẽ bị công kích vì vượt quá giới hạn. Những chỉ trích nhắm đến Công chúa Mako trên mạng xã hội giống như sự cộng hưởng với cách đối xử dành cho phụ nữ lên tiếng về nạn tấn công tình dục hoặc quy tắc gò bó nơi công sở.

Những xiềng xích trói buộc từ truyền thống

Trong hoàng tộc, phụ nữ được kỳ vọng sẽ tuân thủ những giá trị tồn tại từ những thời kỳ đầu tiên.

"Có ý kiến cho rằng hoàng gia là một thứ gì đó vượt thời gian, và không nằm trong khuôn khổ của xã hội hiện đại," - Mihoko Suzuki, giám đốc Trung tâm Nhân quyền của ĐH Miami cho biết. Những người ủng hộ chủ nghĩa truyền thống muốn "duy trì ý tưởng lâu đời, thoải mái và ổn định về vai trò của giới tính trong hoàng tộc."

Sau Thế chiến II, các Nhật hoàng từ vị trí được tôn vinh như thánh thần đã thay đổi vai trò theo hiến pháp mới. Và xét trên nhiều góc độ, 3 thế hệ vương hậu của hoàng tộc đã phản ánh sự phát triển của Nhật Bản trong những thập niên tiếp theo.

 Từ đám cưới của Công chúa Nhật Bản: Khi chiếc vương miện vắt kiệt tinh thần của những người phụ nữ - Ảnh 3.

Thiên hoàng Akihito và Thượng Hoàng hậu Michiko trong lễ cưới năm 1959

Khi đất nước rũ bỏ những xiềng xích từ lịch sử chiến tranh, bà Michiko (nay là Thượng Hoàng hậu) đã trở thành phụ nữ thường dân đầu tiên kết hôn với hoàng tộc. Thay vì giao cho các hầu gái, bà tự tay chăm sóc con của mình. Bà cùng chồng - Thiên hoàng Akihito đi khắp Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, mang đến cách cư xử ấm áp tình người hơn so với sự xa cách của hoàng tộc trước kia. Bà sẵn sàng quỳ xuống khi trò chuyện với các nạn nhân sau thảm hoạ, hoặc với người khuyết tật.

Nhưng đến khi bà quyết định cải tạo lại dinh thự của hoàng gia, hay lựa chọn mặc quá nhiều trang phục khác nhau, truyền thông lại tức giận. Những tin đồn xuất hiện, về việc hoàng thất và mẹ chồng đánh giá bà không có đủ sự tôn trọng dành cho hoàng gia.

Năm 1963, 4 năm sau khi kết hôn, bà Michiko mang thai. Nhưng đó là một thai trứng, khiến bà buộc phải phá bỏ và chuyển đến tĩnh dưỡng hơn 2 tháng trong một căn biệt thự. Các tin đồn xuất hiện, cho rằng bà bị suy nhược thần kinh. Và rồi 30 năm sau, bà hứng chịu một đợt stress rất nặng dẫn đến mất giọng, phải mất vài tháng sau mới có thể phục hồi.

Con dâu của bà - Masako (nay là Hoàng hậu) - vốn là một cử nhân ĐH Harvard với một sự nghiệp xán lạn, cho đến khi kết hôn cùng Naruhito - khi đó là Thái tử Nhật Bản. Nhiều người đã mong rằng bà sẽ mang đến một làn gió hiện đại hóa cho một hoàng tộc đã cũ kỹ, và trở thành hình mẫu cho thế hệ phụ nữ lao động trẻ của Nhật Bản.

 Từ đám cưới của Công chúa Nhật Bản: Khi chiếc vương miện vắt kiệt tinh thần của những người phụ nữ - Ảnh 4.

Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako thời trẻ

Nhưng không, bà chọn từ bỏ tất cả. Để rồi giờ đây, mọi hành động của bà đều bị đem ra mổ xẻ, đặc biệt xoay quanh khả năng sinh nở. Sau một lần sảy thai, bà hạ sinh Công chúa Aiko - điều khiến dư luận cảm thấy thất vọng vì đó không phải là một người có thể kế vị. Với nỗ lực bảo vệ khả năng sinh nở, hoàng thất đã hạn chế không cho bà di chuyển, khiến bà buộc phải rút lui khỏi vai trò công vụ. "Sự kiệt quệ về tinh thần lẫn thể chất" là những gì bà đưa ra trong một thông báo vào năm 2004.

 Từ đám cưới của Công chúa Nhật Bản: Khi chiếc vương miện vắt kiệt tinh thần của những người phụ nữ - Ảnh 5.

Hoàng hậu Masako hạ sinh Công chúa Aiko - một cuộc sinh nở không làm hài lòng tất cả mọi người, vì không phải hoàng tủ kế vị

Và giờ đến lượt Công chúa Mako, cháu gái của Thượng Hoàng hậu Michiko. Những sự kiện xảy ra gần đây cho thấy một khía cạnh khác của xã hội, nơi công chúng kỳ vọng cô đạt được những tiêu chuẩn của hoàng gia, dù buộc phải rời bỏ gia tộc sau lễ kết hôn. Họ tức giận, chỉ trích cô khi đã lựa chọn cưới Kei Komuro - một thường dân có xuất thân không tương xứng, thậm chí cho rằng anh là một kẻ đào mỏ vì những rắc rối tài chính từ mẹ của mình. Nhưng dẫu sao thì theo như quy định của Nhật Bản, Mako sẽ mất đi vị thế hoàng gia ngay sau khi giấy tờ hôn nhân được hoàn tất.

Công chúa Mako và hôn phu - Kei Komuro

Vấn đề là trước Mako, đã có 8 công chúa khác chọn kết hôn với người ngoại tộc và phải từ bỏ tước vị, nhưng chẳng ai phải chịu đựng sự công kích giống như cô cả.

"Tôi thấy rất kỳ lạ khi người Nhật tin rằng họ phải lên tiếng về chuyện cô ấy (Mako) sẽ kết hôn với ai," - Kenneth J. Ruoff, nhà sử học chuyên về các đời hoàng thất Nhật Bản tại ĐH Bang Portland.

Cuộc hôn nhân bị "nguyền rủa"

Cha của Mako - Thân vương Akishino, em trai Nhật hoàng Naruhito - ban đầu cũng từ chối chấp thuận cuộc hôn nhân của con gái sau khi cặp đôi thông báo kết hôn vào năm 2017. Ông bảo rằng bản thân muốn công chúng chấp thuận trước khi nói lời chúc phúc cho con. Dường như, một số người đã ghi nhớ câu nói cấy của ông.

"Ông ấy nói rằng con gái nên kết hôn với lời chúc phúc của tất cả mọi người, nghĩa là ngay cả cha công chúa cũng cho rằng chúng ta có quyền can thiệp," - trích lời Yoko Nishimura (55 tuổi). "Tôi nghĩ người Nhật cảm thấy hoàng gia đang đại diện cho họ, nên họ có quyền nêu ý kiến."

Ông Akishino cuối cùng đã chấp thuận. Nhưng những bài bình luận từ báo chí và mạng xã hội đã kịp gây ra nhiều hậu quả.

 Từ đám cưới của Công chúa Nhật Bản: Khi chiếc vương miện vắt kiệt tinh thần của những người phụ nữ - Ảnh 6.

Ngay cả khi cặp đôi lặng lẽ chuẩn bị cho lễ kết hôn riêng tư và không phô trương, sự công kích vẫn không dừng lại. Những tuần gần đây, nhiều người đã tập trung tại quận Ginza, mang theo những tấm biểu ngữ ghi "Đừng làm vấy bẩn hoàng tộc với cuộc hôn nhân đáng nguyền rủa này", và "Hoàn thành trách nhiệm của mình đi trước khi kết hôn."

Một cây viết của tạp chí Gendai Business đã công kích lựa chọn của Công chúa Mako một cách rất nặng nề, cho rằng cô "phơi bày và khiến Nhật Bản xấu hổ trước quốc tế." Trên Twitter, một số người gọi cô là "kẻ ăn cắp tiền thuế", bất chấp việc cô quyết định từ chối khoản tiền hơn 1 triệu USD vốn sẽ được hưởng sau khi rời khỏi hoàng gia.

Số khác thì cáo buộc cô đã giả vờ bị sang chấn để kêu gọi sự thương hại.

"Công chúng sẽ nghi ngờ đấy, nếu vài tháng sau cô đã bảo là mình khá hơn," - một người dùng viết như vậy trên Twitter.

Việc so sánh với cuộc hôn nhân trong Hoàng gia Anh là điều khó tránh khỏi, mà cụ thể là cuộc hôn nhân của Meghan Markle và Hoàng tử Harry. Trước khi vào hoàng gia, Meghan Markle đã chịu đựng hàng tháng trời với những cuộc công kích từ truyền thông Anh, chỉ vì xuất thân của mình. Cũng giống như họ, Mako và Komuro sẽ tới Mỹ, nơi Komuro đang làm việc cho một văn phòng luật tại New York.

 Từ đám cưới của Công chúa Nhật Bản: Khi chiếc vương miện vắt kiệt tinh thần của những người phụ nữ - Ảnh 7.
 Từ đám cưới của Công chúa Nhật Bản: Khi chiếc vương miện vắt kiệt tinh thần của những người phụ nữ - Ảnh 8.

Cuộc hôn nhân của Công chúa Mako và Komuro được so sánh với đám cưới của Hoàng tử Harry và Meghan Markle trong Hoàng gia Anh

Harry và Meghan đã lên tiếng thẳng thắn về những tổn hại tinh thần mà họ phải chịu đựng. Hoàng tử Harry phơi bày về cơn trầm cảm của mình sau cái chết của mẹ anh - Công nương Diana, người cũng từng bị trầm cảm và mắc rối loạn ăn uống.

Công nương Diana cũng từng giúp công chúng nước Anh nhận thức và thảo luận nhiều hơn về các căn bệnh tâm lý. Và phụ nữ trong Hoàng gia Nhật Bản cũng vậy, có thể truyền cảm hứng về nhận thức về vấn đề này ở một đất nước vẫn còn khá thận trọng trước nó.

"Tôi không nghĩ phụ nữ hoàng tộc công khai nói về bệnh tâm lý nhằm mục đích dấy lên tranh luận," - trích lời Kathryn Tanaka, phó giáo sư văn học Nhật Bản tại ĐH Hyogo. "Nhưng tôi cho rằng nó giúp họ (công chúng) có thêm động lực và quyết tâm tìm hiểu."

Nguồn: NY Times

J.D

Cùng chuyên mục
XEM