Từ coder đến người tạo ra ‘mạng xã hội’ đầu tiên trên thế giới trị giá 4 tỷ USD

20/11/2020 14:50 PM | Kinh doanh

GeoCities đã giúp chúng ta nhớ rằng không có gì chúng ta làm trên mạng ngày nay là mới mẻ bởi chúng đã phổ biến từ những ngày đầu của World Wide Web.

Trở lại năm 1994, David Bohnett, một lập trình viên trẻ tuổi đã có một ý tưởng lạ lùng ở thời điểm đó. Anh muốn phát trực tiếp một video trên Internet về giao lộ giữa Đại lộ Hollywood và Phố Vine ở Los Angeles, California.

Bạn của David có một văn phòng ở Hollywood, ngay nơi giao nhau giữa Hollywood và Vine nên anh đứng tại đó để livestream. David đã tự chế một chiếc webcam để hỗ trợ quá trình phát vì thời điểm đó, thiết bị này vẫn chưa phổ biến. Video nhanh chóng tạo ra rất nhiều lượng truy cập.

Nơi David phát trực tiếp là một trong những giao lộ nổi tiếng và có ảnh hưởng lịch sử nhất trên thế giới. Theo đúng nghĩa đen, nó là nơi sản sinh ra ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood. Tuy nhiên, điều mà hầu hết mọi người không nhận ra là, trong một sự xoay vần kỳ lạ của số phận, nó cũng có thể được coi là nơi khai sinh ra mạng xã hội.

Nhận thấy cách Internet và trang web sơ khai đang thay đổi cách mọi người kết nối, David tạo ra một nền tảng nơi mọi người có thể xây dựng không gian trực tuyến của riêng mình. GeoCities.com, một trong những trang web sớm nhất trên thế giới vào cuối những năm 90, đầu những năm 2000, cho phép người dùng tạo các trang web miễn phí.

Từ coder đến người tạo ra ‘mạng xã hội’ đầu tiên trên thế giới trị giá 4 tỷ USD - Ảnh 1.

Giao diện của GeoCities.

GeoCities không phải nền tảng đầu tiên mà người dùng có thể tự tạo trang web. Tuy nhiên, từ các thử nghiệm, David biết rằng như vậy là chưa đủ. Họ cần nhiều hơn thế. Cụ thể, họ muốn cảm thấy mình thuộc về một thứ gì đó lớn hơn, chẳng hạn như một cộng đồng.

Điều đó khiến David và các cộng sự đầu tiên đi đến một quyết định độc nhất vô nhị. Thay vì chỉ cho phép mọi người khởi chạy trang web, GeoCities đặt chúng tại một "thành phố". Dựa trên nội dung website, các thành phố này được đặt tên theo những địa điểm có thật ngoài đời.

Có thể nói rằng đó là hình thức sơ khai nhất của mạng xã hội, nơi mọi người có thể chia sẻ, đóng góp và tham gia vào điều mà họ quan tâm. Ví dụ, Phố Wall tương đương với tài chính, Hollywood là về giải trí hay Nashville cho nhạc đồng quê. Cách sắp xếp đó đã gây được tiếng vang.

GeoCities đã giúp chúng ta nhớ rằng không có gì chúng ta làm trên mạng ngày nay là mới mẻ bởi chúng đã phổ biến từ những ngày đầu của World Wide Web. Mọi người thích trở thành một phần của cộng đồng. Điều đó đúng từ hàng nghìn năm trước khi có Internet và vẫn đúng cho đến tận ngày nay.

GeoCities nhanh chóng trở thành một trong những trang web phổ biến nhất trên Internet. Từng có thời điểm nó là trang web được truy cập nhiều thứ ba trên thế giới với gần 40 triệu tài khoản đăng ký. Điều quan trọng nhất là GeoCities đạt được thành tích đó trước khi Internet phổ biến như hiện tại.

Đến năm 1998, GeoCities phát triển lớn mạnh đến mức David quyết định đưa công ty lên sàn chứng khoán. Ban đầu, giá cổ phiếu trên NASDAQ của họ chỉ 17 USD/cổ phiếu nhưng sau đó, nó đã tăng vọt lên 100 USD/cổ phiếu.

Trong khi các công ty khởi nghiệp khác vào cuối những năm 90 gặp khó khăn vì được xây dựng chủ yếu dựa trên đầu cơ, GeoCities vẫn tiếp tục phát triển và lớn mạnh. Điều đó có nghĩa là nó sở hữu thứ có giá trị thực sự: Một cộng đồng khổng lồ gồm hàng triệu người dùng. Cộng đồng này có giá trị đến nỗi vào đầu năm 1999, Yahoo! đã mua lại GeoCities với giá gần 4 tỷ USD. Đến năm 2009, Yahoo! đóng cửa GeoCities.

Như vậy, từ chỗ tạo ra một chiếc webcam đơn giản, sau 5 năm, David đã bán được công ty với giá hàng tỷ USD. Tất cả là nhờ tầm nhìn về tương lai của cộng đồng trực tuyến của nhà sáng lập.

Hầu hết mọi người sẽ hưởng thụ cuộc sống xa hoa nếu ở trong trạng thái như David nhưng ông thì không làm như vậy. Người đàn ông này vẫn tập trung vào việc cung cấp cho nhiều người hơn nữa quyền truy cập Internet.

Ông thành lập một quỹ phi lợi nhuận với mục đích cải thiện xã hội. Một trong những điều tổ chức bắt đầu làm là tạo ra các trung tâm mạng. Về cơ bản, chúng là phòng Internet, nơi bạn có thể đi vào và sử dụng máy tính miễn phí. Thời điểm hiện tại, những trung tâm như vậy vẫn tồn tại và tổ chức đang điều hành khoảng 60 cơ sở như vậy để tiếp tục hỗ trợ mọi người.

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM