Từ chuyện cử nhân, thạc sĩ đi làm công nhân ngẫm 4 sai lầm kinh điển của bố mẹ Việt Nam
Phần lớn phụ huynh Việt Nam đều biết chiều con là có hại nhưng họ không hiểu được thế nào là nuông chiều, càng không biết được có phải bản thân mình đang nuông chiều con hay không.
Tại Việt Nam không hiếm cảnh “già nuôi trẻ”, những đứa con xấp xỉ 30 tuổi vẫn trông cậy vào sự cung dưỡng của cha mẹ. Hay không hiếm cảnh nhiều phụ huynh yêu thương con cái hết lòng nhưng đáp lại những gì họ nhận được rất ít: Con cái không nghe lời cha mẹ, không hiểu cha mẹ, ăn bám, thậm chí hỗn láo với cha mẹ. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này không phải là do con cái mà là ở cha mẹ: Nuông chiều con.
Phần lớn phụ huynh Việt Nam đều biết chiều con là có hại nhưng họ không hiểu được thế nào là nuông chiều, càng không biết được có phải bản thân mình đang nuông chiều con hay không. Vậy đâu là sai lầm phổ biến của các bậc cha mẹ Việt Nam:
Sai lầm 1: Giáo dục tố chất khác với giáo dục nghệ thuật
Biểu hiện: Những năm gần đây, Việt Nam thịnh hành phong trào giáo dục nghệ thuật, kỹ năng mới như âm nhạc, mỹ thuật, võ thuật,…Tuy nhiên hầu hết phụ huynh đánh đồng giáo dục tố chất với giáo dục nghệ thuật. Họ hoàn toàn coi nhẹ kỹ năng đối nhân xử thế, xác lập giá trị, lý tưởng sống cũng như quản lý cảm xúc, bồi dưỡng tâm hồn của con em mình. Trong khi đây mới là những thứ cần thiết để con trẻ thi thố ngoài xã hội.
Thiếu sót: Đây là quan niệm chung của đa số phụ huynh Việt Nam: Điểm số tốt= trường học tốt, trường học tốt= tấm bằng đẹp, tấm bằng đẹp= công việc tốt, nhưng công việc tốt không đồng nghĩa với sự nghiệp thành công. Khi con còn nhỏ, thành tích học tập tốt chứng minh nó là học sinh giỏi, nhưng khi con trưởng thành, phải rời xa mái trường, bước chân vào môi trường cạnh tranh nó sẽ bộc lộ khuyết điểm. Xã hội hiện đại đòi hỏi một người muốn thành công cần các loại kỹ năng sinh tồn như kỹ năng quản lý tài sản, kỹ năng vượt khó, kỹ năng quản lý…
Nhiều người tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ nhưng đến khi ra khỏi cổng trường đại học vẫn không biết cách làm sao để kiếm sống, thậm chí cất bằng vào xó tủ để đi làm công nhân.
Sai lầm 2: Đáp ứng mọi đòi hỏi của con
Biểu hiện: Biểu hiện chủ yếu là bề trên nuông chiều con trẻ cả về vật chất lẫn tình cảm. Cha mẹ như một cái máy in tiền. Con thích gì cho nấy, muốn tiền cho tiền, muốn đồ đạc cho đồ đạc. Cho càng nhiều càng thể hiện rằng tôi yêu con sâu sắc. Điều này trực tiếp dẫn đến thói được voi đòi tiên ở tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên.
Hình ảnh cắt từ clip cho thấy người mẹ già liên tục quỳ lạy van xin con năm 2014.
Thiếu sót: Những suy nghĩ lệch lạc như “lộc của bố của mẹ”, “tiền là do ngân hàng phát cho”, không phải là điều đáng buồn về suy nghĩ của những đứa trẻ lớn lên trong một số gia đình giàu có mà là điều đáng buồn cho phương pháp giáo dục của cha mẹ. Những đứa con không biết cách tự thân kiếm tiền, không biết giá trị của sức lao động sẽ có thói quen ham ăn biếng làm, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống tương lai, thậm cuộc sống hôn nhân sau này của chúng.
Nhiều phụ huynh Việt Nam cho rằng dạy con không coi trọng đồng tiền là phẩm chất đạo đức tốt. Điều này không sai, chỉ có điều mục đích của phương pháp này là giảm bớt những ảo mộng hão huyền của con đối với tiền bạc nhưng không có nghĩa phớt lờ giá trị của đồng tiền để rồi tiêu tiền như nước và trở thành một thế hệ ăn bám.
Ngoài ra việc thỏa mãn tức thời, quá mức các yêu cầu của con sẽ tạo ra tính cách ích kỷ, thích làm theo ý mình, tâm trạng bất ổn, ít có cảm giác an toàn, thiếu lòng biết ơn ở con trẻ.
Sai lầm 3: Biết yêu mà không biết dạy
Biểu hiện: Tình yêu thương dành cho con cái xuất phát từ bản năng làm cha, làm mẹ của mỗi người. Nhưng yêu con không phải là cái đích cuối cùng của giáo dục gia đình, yêu mà không biết dạy chỉ làm con thêm hư.
Ở bất kỳ đâu trên Việt Nam, bạn dễ bắt gặp cảnh: Ông bà hoặc cha mẹ bưng bát cơm đuổi theo đứa trẻ để bón cơm, cháu bé cầm đồ chơi trong tay, ngúng nguẩy ăn được miếng cơm lại quay sang chơi một lúc, chạy quanh một vòng rồi mới chịu ăn thêm miếng nữa. Đến lúc cơm canh nguội ngắt, vẫn còn quá nửa bát. Phụ huynh cảm thấy vô cùng xót con vì cục cưng của mình vẫn chưa ăn no.
Thiếu sót: Phụ huynh không đưa con vào khuôn khổ một cách sáng suốt. Người lớn trong nhà đều tranh nhau dành tình cảm cho trẻ, chỉ lo nó không vui, bị tủi thân song lại xao nhãng việc giáo dục con em mình một cách nghiêm tức ngay từ khi chúng còn nhỏ. Điều đó giải thích những gia đình này vẫn không tài nào hiểu được tại sao họ nuoi dạy con bằng tất cả tình thương và tâm huyết nhưng đến một ngày nhận ra đứa con trở nên xa lạ, hỗn láo và không hiểu cha mẹ.
Bạn càng nhân nhượng và nhẫn nại với con một cách vô nguyên tắc thì nó càng khéo léo lợi dụng tình cảm của bạn và cuối cùng là “bắt được thóp” của bạn.
Sai lầm 4: Chăm sóc quá mức, quan tâm ép buộc, lo lắng quá mức
Biểu hiện: Ông bà bố mẹ can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con mà không quan tâm đến suy nghĩ của chúng. Các bà mẹ quan tâm một cách áp đặt, phản đối bất kỳ ý kiến trái chiều nào, cho rằng mình gần gũi con nhất đương nhiên là người hiểu con nhất. Từ lựa chọn quần áo, khẩu vị ăn uống cho đến chuyện học hành, kết bạn, thậm chí lớn lên là kết hôn, làm việc.
Thiếu sót: Đây thực chất là một dạng xâm phạm tâm hồn và xem thường nhu cầu trưởng thành của con cái, gián tiếp làm suy giảm khả năng miễn dịch, khả năng tự lo liệu và thích nghi của chúng. Và ngược lại, khi con trẻ trở nên khó thích nghi với cuộc sống, phụ huynh lại càng bao bọc thêm. Về lâu dài, con trẻ thiếu đi đức tính độc lập, kiên nhẫn, khả năng chịu đựng và khó có ý thức.
Không phải tất cả gia đình Việt Nam đều hoàn toàn giống nhau nhưng mỗi gia đình dù ít hay nhiều đều mắc phải những sai lầm này, cho dù ở mức độ nhẹ. Điều đáng mừng là trong vài năm gần đây, cùng với làn sóng hội nhập, những tư tưởng giáo dục con cái tân tiến được các gia đình trẻ Việt Nam tiếp thu, học hỏi. Tuy nhiên để có hiệu quả và có sự thay đổi đòi hỏi sự đồng lòng giữa các thế hệ trong gia đình từ ông bà đến bố mẹ.