Từ chuyện cà phê trộn bột pin: Thị trường cà phê rang xay Việt Nam đang phát triển ra sao?
340.000 bao là cà phê rang xay đã được nhập khẩu trong niên vụ 2015/16. Con số này tương đương 62% lượng cà phê cùng loại được xuất khẩu. Sự phát triển của ngành bán lẻ cà phê với các thương hiệu trong và ngoài nước đang làm thay đổi xu hướng tiêu dùng.
Chưa có tiêu chuẩn sạch đối với cà phê rang xay
Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, một trong những vấn đề nóng hiện nay là chưa có một quy chuẩn nào đối với cà phê rang xay. Hệ quả là nhiều thành phần khác được trộn cùng với cà phê để đưa ra thị trường. Công tác quản lý trở nên khó khăn vì chưa có quy chuẩn, còn cà phê được trộn tạp chất nhưng vẫn có bao bì nguyên chất.
"Chưa có một quy chuẩn nào đối với cà phê rang xay để bắt buộc mọi người phải thực hiện. Điều này dẫn đến việc nhiều trường hợp đang trộn những thứ khác vào cà phê. Đáng lẽ doanh nghiệp phải công bố, có nhãn mác. Sau khi Nhà nước hậu kiểm mà không đúng theo chuẩn thì sẽ phạt. Phải làm mạnh nhưng để làm được thì phải có một cái thước. Cái thước đó hiện chưa có. Bây giờ cứ công bố cà phê bẩn nhưng thế nào là cà phê bẩn?" - Nguyễn Viết Vinh nói.
Theo Vicofa, việc xác định cà phê bẩn cần căn cứ vào quy định về danh mục chất cấm của cơ quan chức năng hoặc các tổ chức quốc tế. Nếu doanh nghiệp trộn các loại hóa chất, phụ gia nằm trong danh mục được phép sử dụng, không gây hại đến sức khỏe con người thì không thể cho đó là cà phê bẩn.
Thực tế, các nhà sản xuất lớn trên thế giới cũng đang pha trộn nhiều thành phần khác vào cà phê. Năm 2016 , Nestlé đã thừa nhận rằng các sản phẩm cà phê được bán tại thị trường Việt Nam có thành phần bột đậu rang. Tuy nhiên, hãng này không công bố tỷ lệ (%) các thành phần vì lo ngại "lộ bí quyết kinh doanh". Việc trộn bột đậu nành vào cà phê cũng được Vinacafe Biên Hòa thực hiện từ năm 2012.
Gần đây nhất, hành vi pha trộn ruột pin với cà phê đã được phát hiện tại Đăk Nông. Khoảng 35kg pin đã được đập vụn để trộn với cà phê rang xay. Khoảng 3 tấn cà phê rang xay như vậy đã được cơ sở bán ra thị trường trong hơn 1 quý đầu năm 2018.
Cơ quan công an phát hiện 2 chậu bột pin tại cơ sở sản xuất cà phê rang xay ở Đăk Nông.
Trước đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) đã ban hành 2 quy chuẩn: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở chế biến cà phê – điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (QCVN 01-06) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cà phê nhân – các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm (QCVN 01-26). Với 2 quy chuẩn này, trách nhiệm của Bộ NNPTNT là quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh. Việc quản lý đối với cà phê thành phẩm, các quy chuẩn bắt buộc với cà phê rang xay đang bị bỏ ngỏ.
Vicofa cho biết, kiến nghị ban hành quy chuẩn đối với cà phê rang xay đã được Hiệp hội nhiều lần đưa ra. Nhưng sau nhiều năm Bộ Y tế xây dựng dự thảo thì vấn đề này lại mới được chuyển sang Bộ NNPTNT. Quy chuẩn đang được soạn thảo và chưa thể ban hành ít nhất là cho đến hết năm 2018.
Lượng nhập khẩu đã tăng dần qua các năm
Theo Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), lượng cà phê nhập khẩu đang ngày một gia tăng. Trong niên vụ 2015/16, Việt Nam đã nhập khẩu 640.000 bao cà phê. Trong đó có tới 340.000 bao là cà phê rang và xay. Con số này là đáng kể nếu so với lượng 550.000 bao cà phê rang xay xuất khẩu của Việt Nam.
Niên vụ 2016/17, sản lượng tiêu thụ cà phê rang xay là 2,5 triệu bao. 1 triệu bao cà phê các loại (bao gồm cả cà phê rang xay) cũng được nhập khẩu. Sản lượng tiêu thụ cà phê rang xay của Việt Nam tăng cao đến từ sự phát triển nhanh chóng của các cửa hàng cà phê. Người tiêu dùng thích cà phê rang xay do chúng vẫn giữ nguyên được hạt và hương vị nguyên chất. Bên cạnh đó, hàng loạt chuỗi cà phê ngoại tham gia thị trường cũng kéo theo nhiều loại cà phê mới được nhập khẩu.
Dunkin Donuts, The Coffee Bean & Tea Leaf, The Coffee House, Phuc Long Coffee & Tea, Highlands Coffee cũng cho thấy xu hướng thưởng thức cà phê đang có sự thay đổi.
Khu vực pha chế của một tiệm cà phê.
Số liệu của Vicofa cho thấy, 90% sản lương xuất khẩu là cà phê nhân. Ngành cà phê còn yếu trong khâu chế biến nên chủ yếu vẫn phải xuất khẩu thô. Đây cũng là điểm yếu lớn của ngành hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lên tới 3,2 tỷ USD.
Trong bối cảnh hiện nay, ngành cà phê vừa phải đẩy mạnh hoạt động chế biến để nâng cao giá trị, vừa phải tạo lòng tin về sản phẩm "sạch" đối với người tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Viết Vinh, nhiệm vụ này chỉ thực hiện được với các giải pháp đồng bộ của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Nhưng quan trọng hơn, mỗi cơ sở sản xuất cần trung thực với chính mình.