Từ câu chuyện "quả táo thần kỳ" của Nhật Bản, thấy tiềm năng to lớn của Việt Nam

05/06/2022 08:10 AM | Xã hội

Trung bình hàng năm, mỗi nông dân Nhật Bản xuất khẩu được số nông sản trị giá 40.000 USD (hơn 900 triệu đồng).

Cả thế giới luôn rất ngưỡng mộ cách người Nhật trồng và bán nông sản đặc biệt với giá đắt đỏ nhưng luôn chạy hàng. Nhưng để có được điều đó thực sự không phải chỉ là "con đường trải đầy hoa hồng". Bài viết mới đây trên trang Health Pure Simple cho rằng, cách người Nhật trồng và bán nông sản siêu đắt đỏ, siêu lợi nhuận thực sự là bài học siêu đáng giá.

Và Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi từ kinh nghiệm của người Nhật.

Bài học từ Nhật Bản

Nhật Bản không có lợi thế về nông nghiệp vì thiếu đất nông nghiệp. Cho đến năm 2019, nước này chỉ có 1,3 triệu hộ nông dân và hơn 65% nông dân trên 60 tuổi. Tuy nhiên, trung bình mỗi năm, mỗi nông dân Nhật Bản xuất khẩu được số nông sản trị giá 40.000 USD (hơn 900 triệu đồng).

Người Nhật không chỉ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp mà họ còn biết kể câu chuyện về hành trình tạo ra những loại trái cây đặc biệt của  mình.

Tại thị trường Việt Nam, táo Nhật Bản là mặt hàng được ưa chuộng trong những năm gần đây dù giá dao động từ 1,5-2 triệu đồng (70-90 USD)/kg. Nhưng ngoài mức giá cao, người tiêu dùng còn nhớ câu chuyện về người nông dân Kimura đã dành 10 năm nỗ lực để tạo ra giống táo thần kỳ cho Nhật Bản.

 Từ câu chuyện quả táo thần kỳ của Nhật Bản, thấy tiềm năng to lớn của Việt Nam - Ảnh 1.

Táo trở thành loại trái cây số một mà Nhật Bản xuất khẩu ra thế giới. Ảnh: Tokyo Weekender

Vùng Iwaki thời đó trồng táo, nhưng kỹ thuật canh tác ở Nhật Bản vẫn phụ thuộc nhiều vào thuốc trừ sâu. Bốn vườn táo của Kimura cũng đang cho trái nhờ việc phun thuốc trừ sâu thường xuyên. Táo từ vùng Iwaki đều cùng 1 hương vị.

Tuy nhiên, sức khỏe của vợ ông không tốt và bà trở nên nhạy cảm với thuốc trừ sâu. Vì thương vợ, ông đã bỏ phương thức canh tác cũ. Nhưng nếu không phun thuốc trừ sâu, cây táo sẽ không ra hoa, kết trái.

Sau nhiều năm thử nhiều phương pháp trồng khác nhau, ông Kimura nhận ra rằng vấn đề không phải là sâu bệnh mà là đất, mối quan hệ với thiên nhiên, côn trùng, động vật sống xung quanh và nguồn nước.

Sau 8 năm miệt mài với phương pháp mới, một trong số hơn 400 cây táo của ông đã ra hoa và kết trái vào mùa thu. Hai quả táo hiện diện như một phép màu giữa khu vườn đã khô cằn, suy kiệt suốt hàng chục năm. Ông Kimura gọi chúng là hai "quả táo thần kỳ".

Mùa sau, hoa táo nở trắng cả vườn. Ông không còn sợ côn trùng phá hại khi khu vườn trở lại trạng thái cân bằng tự nhiên. Các phương pháp ông sử dụng không làm xáo trộn trật tự tự nhiên vì chúng là chế phẩm sinh học an toàn cho thực vật.

Một quy trình hoàn hảo đã ra đời. Vào mùa xuân, khi cây táo nở hoa, ông tự tay ngắt bỏ từng chùm hoa lẻ và chỉ để lại một số chùm nở đẹp nhất để thụ phấn. Khi cây táo đơm quả xanh thì tiếp tục tỉa bớt quả và mỗi cành chỉ để lại một quả. Vào cuối thu, đầu đông, táo bắt đầu chín đỏ đều, đáy to tròn, đạt tiêu chuẩn thu hoạch.

Với phương pháp canh tác này, táo của ông Kimura đã làm thay đổi nền nông nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là nghề trồng táo.

Táo ông trồng có thể để được lâu mà không bị héo, có mùi thơm dịu, màu sắc đẹp mắt. Những trái táo "thần kỳ" được các chính trị gia và người nổi tiếng ca ngợi và được phục vụ như món tráng miệng trong các nhà hàng sang trọng ở Tokyo, nơi bạn phải đặt bàn trước 1 năm mới có cơ hội thưởng thức.

Táo cũng đã trở thành loại trái cây số một mà Nhật Bản xuất khẩu ra thế giới và mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Tuy nhiên, ở Nhật Bản, không chỉ có câu chuyện về quả táo thần kỳ của ông Kimura mà còn có những câu chuyện về giống nho Ruby Roman, giống nho mẫu đơn, dưa hấu đen, dưa lưới Yubari hay xoài "Trứng của Mặt trời"…

Mỗi loại trái cây đều có hương vị riêng, một câu chuyện gắn liền với vùng đất, con người và quy trình trồng trọt, thu hoạch nghiêm ngặt.

Những câu chuyện này được truyền bá rộng rãi tới người tiêu dùng. Vì lý do này, hàng năm ở Nhật Bản vẫn tổ chức các cuộc đấu giá trái cây. Có người sẵn sàng bỏ ra hàng chục nghìn USD để mua hai quả xoài, một cặp dưa, hoặc một chùm nho.

"Câu chuyện" của Việt Nam cần được kể nhiều hơn

Việt Nam là quốc gia có tài sản để phát triển nông nghiệp với diện tích cây ăn trái lớn. Tuy nhiên, khi Việt Nam bán sản phẩm ra thế giới thì chỉ có sản lượng lớn chứ không siêu lợi nhuận. Theo tác giả Lori A. Abernethy, có lẽ người nông dân Việt Nam đã quên kể câu chuyện về văn hóa, lịch sử và quá trình nông nghiệp của vùng đất sản sinh ra sản vật.

Với nhiều năm kinh nghiệm bán lẻ và phân phối rau quả Việt Nam, ông Paul Lê - Phó chủ tịch Tập đoàn Central Retail của Thái Lan - cho biết điều đáng mừng của rau quả Việt là nông dân rất tích cực trồng các sản phẩm ngon và an toàn.

Tuy nhiên, họ phải xây dựng được "câu chuyện" cho từng sản phẩm của vùng đất, cách trồng trọt và tình yêu với sản phẩm của mình thì mới có được lòng tin của người tiêu dùng.

Ông cho biết, Việt Nam có truyền thống văn hóa với hơn 4.000 năm lịch sử, đất đai và khí hậu là lợi thế để người nông dân tạo ra những sản phẩm nông nghiệp ngon nhất thế giới.

Chẳng hạn như quả vải của Việt Nam, ông cho rằng đây là loại quả ngon nhất so với các sản phẩm cùng loại của các nước. Thanh long, xoài, bưởi, sầu riêng sẽ có nhiều cơ hội và đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm của thế giới.

Nam Anh

Cùng chuyên mục
XEM