Từ câu chuyện người thợ xây nhà nghĩ đến cách hành xử của doanh nghiệp đối với người lao động

19/09/2017 08:17 AM | Kinh doanh

Lẽ ra người chủ thông báo trước cho người thợ xây về món quà đáng quý mà doanh nghiệp dành cho ông thì câu chuyện đã khác.

Từ câu chuyện người thợ xây

Người thợ xây nọ đã làm việc rất chuyên cần và hữu hiệu trong nhiều năm cho một hãng thầu xây dựng. Một ngày kia, ông ngỏ ý với hãng muốn xin nghỉ việc về hưu để vui thú với gia đình.

Hãng thầu rất tiếc khi thiếu đi một người thợ giỏi đã tận tụy nhiều năm. Hãng đề nghị ông cố gắng ở lại giúp hãng xây một căn nhà trước khi thôi việc. Ông ta nhận lời. Vì biết mình sẽ giải nghệ, cùng với sự miễn cưỡng, ông ta làm việc một cách tắc trách qua quýt, xây dựng căn nhà với những vật liệu tầm thường, kém chọn lọc, miễn có một bề ngoài đẹp đẽ mà thôi.

Từ câu chuyện người thợ xây nhà nghĩ đến cách hành xử của doanh nghiệp đối với người lao động  - Ảnh 1.

Mấy tháng sau, căn nhà đã hoàn thành. Người chủ hãng mời ông đến, trao cho ông chiếc chìa khóa của ngôi nhà và nói: “Ông đã gắn bó và làm việc rất tận tụy với hãng trong nhiều năm, để tưởng thưởng về sự đóng góp của ông cho sự thịnh vượng của hãng, chúng tôi xin tặng ông ngôi nhà vừa xây xong!”. Thật là bàng hoàng! Nếu người thợ biết mình sẽ xây cất căn nhà cho chính mình thì hẳn ông ta đã làm việc cẩn thận hơn và chọn lựa những vật liệu có phẩm chất hơn. Sự làm việc tắc trách chỉ có mình ông biết và nay thì ông phải sống với căn nhà mà ông biết rõ là kém phẩm chất như thế nào.

...Đến cách hành xử của doanh nghiệp

Câu chuyện đã nhận được những quan điểm đầy ý nghĩa về cách hành xử của con người trong cuộc sống và có nhiều ý kiến chê trách người thợ xây kia. Tuy nhiên đứng dưới góc độ kinh tế, có một cách hành xử tốt hơn đã được gợi ý cho phía doanh nghiệp.

Trong kinh tế có một lý thuyết rất nổi tiếng về mối quan hệ chủ - tớ đó là lý thuyết người đại diện, trong trường hợp của câu chuyện trên ông chủ hãng đóng vai trò là người chủ sở hữu nguồn lực để xây ngôi nhà và người thợ xây đóng vai trò là người được uỷ quyền (người đại diện cho ông chủ) để xây ngôi nhà. Theo đó kể cả trong trường hợp người thợ xây không phải xây ngôi nhà cho chính mình thì kết quả có thể vẫn sẽ là một ngôi nhà kém chất lượng bởi xuất hiện sự xung đột lợi ích giữa người chủ và người thợ xây mà trong trường hợp này các nhà nghiên cứu gọi là vấn đề rủi ro đạo đức, người thợ xây có hành vi làm việc tắc trách, lựa chọn nguyên vật liệu kém.

Các nhà nghiên cứu cũng đã lý giải hàng loạt nguyên nhân dẫn đến vấn đề của người đại diện và trong trường hợp của câu chuyện trên là do "thời gian gắn kết" - khi người đại diện làm việc ngắn hạn thì sẽ thu cố gắng thu lợi ích lớn nhất, do đó vì người thợ xây chỉ còn thời gian ngắn để làm việc tại công ty nên ông ta có động cơ tối đa lợi ích của mình hay tiết kiệm công sức mà mình bỏ ra.

Như vậy trong trường hợp căn nhà đó không phải được sử dụng để tặng cho người thợ kia thì ông chủ đã nhận về một sản phẩm lỗi. Khuyến cáo được đưa ra cho phía doanh nghiệp sử dụng người lao động lúc này là cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm giảm thiểu rủi ro đạo đức gây ra từ việc thông tin phi đối xứng giữa người sở hữu và người quản lý. Bên cạnh đó nên có cam kết về lợi ích, nếu người giám đốc kia tuyên bố trước đó là ngôi nhà dành cho anh thì người thợ xây sẽ phải tích cực, lựa chọn cẩn thận nguyên vật liệu để xây cho ngôi nhà đó thật tốt.

Cách hành xử của doanh nghiệp ở nước ngoài thường hay làm đó là tuyên bố trước về các gói lợi ích và các quyền lợi mà người lao động sẽ được hưởng theo thời hạn, có thể một năm, vài năm hoặc đến khi nghỉ hưu, theo đó người lao động sẽ nỗ lực làm việc cho đến cùng và thúc đẩy người lao động làm việc tốt hơn.

Làm tới lúc chết - xu thế mới của người lao động trên thế giới

Từ câu chuyện người thợ xây nhà nghĩ đến cách hành xử của doanh nghiệp đối với người lao động  - Ảnh 2.

Câu chuyện của người thợ xây không phải là cá biệt ở Việt Nam khi tư duy sắp nghỉ hưu len lỏi vào trong tâm lý của rất nhiều người lao động trong khi đó xu hướng mới của lao động trên thế giới đó là làm tới lúc chết. Theo kết quả của một nghiên cứu mới đây được công bố thì thay vì nghỉ hưu, một số người lớn tuổi ở Mỹ chuyển từ các công việc truyền thống sang việc tự tạo. Họ thường chuyển chỗ ở và đầu tư một khoản tiền để có thể tự tìm việc cho mình. Hành động này đem lại cho họ một môi trường làm việc như ý nhưng với thu nhập trung bình giảm 18.160 USD. Tuy nhiên thu nhập giảm không phải là vấn đề bởi những người muốn làm việc và có thể dễ dàng duy trì công việc sau khi nghỉ hưu đều có sức khỏe tốt, trình độ giáo dục và chuyên môn cao. Họ có xu hướng không cần tiền.

Theo Minh Phương

Từ khóa:  doanh nghiệp
Cùng chuyên mục
XEM