Từ 1/7 bắt buộc lắp camera giám sát, doanh nghiệp vận tải lo khó về tài chính

14/04/2021 19:45 PM | Xã hội

Quy định này thực thi rơi vào tình cảnh ngành giao thông vận tải nói chung và vận tải hành khách gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 thì cần phải xem xét lại.

Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có quy định trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông . Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Việc lắp camera phải đảm bảo có chức năng ghi, lưu trữ theo quy định theo Khoản 2 Điều 13 và Khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 10 và đảm bảo các yêu cầu tối thiểu theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2021 của Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, camera phải truyền được dữ liệu hình ảnh với tần suất từ 12 - 20 lần/giờ (tương đương 3- 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Liên quan tới quy định này, mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có văn bản hoả tốc yêu cầu các tỉnh, thành phố đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn có phương tiện thuộc đối tượng phải lắp camera khẩn trương lắp đặt xong trước ngày 1/7/2021 theo Nghị định 10/2020.

Bất cập về công nghệ

Trước mốc thời hạn trên, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước bài toán khó khăn về tài chính, do năm qua chịu trong cảnh lao đao vì dịch COVID-19 thì nay lại đứng trước nguy cơ tốn thêm hàng tỷ đồng để thay thế hệ thống camera giám sát.

Từ 1/7 bắt buộc lắp camera giám sát, doanh nghiệp vận tải lo khó về tài chính - Ảnh 1.

Trao đổi với PV Nhịp sống doanh nghiệp BizLIVE, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt cho biết, công ty đã làm việc với đơn vị cung cấp camera để triển khai phương án thay thế thiết bị, tuy nhiên mức chi phí cho hệ thống này là rất lớn.

Khi đầu tư hệ thống camera giám sát hành trình, doanh nghiệp đã phải bỏ ra trên 10 triệu đồng/xe, đến nay khi có chủ trương về việc lắp camera giám sát phương tiện vận tải ở bên trong xe, doanh nghiệp hình dung là sẽ phải bỏ thêm tiền mua thiết bị và vẫn sử dụng hệ thống cũ.

Tuy nhiên, đơn vị cung cấp báo với chúng tôi rằng thiết bị giám sát hành trình không tương thích với phần mềm của hệ thống camera giám sát theo chuẩn mới. Như vậy, chúng tôi sẽ phải bỏ đi toàn bộ hệ thống cũ, dù những thiết bị cũ đã đạt chuẩn. Bởi lẽ, hệ thống camera giám sát mới phải đi liền với phần mềm riêng.

"Chi phí cho đợt thay mới này ước tính là 8,9 triệu đồng/xe, với 100 xe như quy mô của Sao Việt, đơn vị này phải bỏ ra gần 1 tỷ đồng. Đó là chưa kể chi phí cho hệ thống camera hành trình và camera giám sát cũ cũng hơn 10 triệu đồng/xe, toàn bộ sẽ phải bỏ đi", ông Bằng cho hay.

Năm vừa qua doanh nghiệp vận tải đã quá mệt mỏi với dịch COVID-19. Có những đơn vị đã đỗ xe ở nhà cả năm nay, vậy mà bây giờ hoạt động lại phải mất hàng loạt loại phí, lại tốn thêm chi phí cho thiết bị giám sát phương tiện kinh doanh vận tải dù đã có hệ thống giám sát hành trình, ông Bằng chia sẻ.

Mặc dù, chủ trương của việc lắp camera giám sát trong xe là rất tốt nhưng theo ông Bằng, thời điểm thực thi là chưa phù hợp khi doanh nghiệp vẫn lao đao vì dịch COVID-19.

“Cần lùi thêm 1 năm để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị hệ thống, nguồn lực cũng như vượt qua khó khăn ở giai đoạn hiện tại”, ông Bằng đề xuất.

Từ 1/7 bắt buộc lắp camera giám sát, doanh nghiệp vận tải lo khó về tài chính - Ảnh 2.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội  

Xin lùi thời gian thực hiện

Theo ý kiến của ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội, quy định của Nhà nước về việc lắp camera trên ô tô khách 9 chỗ trở lên, container và xe tải rất đáng hoan nghênh. Chủ trương này sẽ giúp quản lý lĩnh vực vận tải hiệu quả, hành khách cũng được đảm bảo quyền lợi và nâng cao ngành giao thông vận tải trong nước.

Tuy nhiên, quy định này thực thi rơi vào tình cảnh ngành giao thông vận tải nói chung và vận tải hành khách gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 thì cần phải xem xét lại.

Hiện nay, gần như toàn bộ các chủ đầu tư xe kinh doanh vận tải đều đang gặp khó, doanh thu sụt giảm do dịch COVID-19, thậm chí có giai đoạn xe “đắp chiếu”. Một số chủ xe hiện vay vốn ngân hàng tới 70%, thanh lý bán xe nghỉ chạy trong giai đoạn này cũng khó khăn, “bán không ai mua”.

Tình thế của nhiều doanh nghiệp vận tải hiện đang rất “gay go”, vì vậy việc bỏ chi phí nâng cấp hệ thống camera giám sát trong giai đoạn này sẽ khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng.

"Trong khi nhiều ngành được hỗ trợ kịp thời thì vận tải hầu như chưa có một chính sách hỗ trợ riêng và hiệu quả. Ấy vậy mà lại thêm chi phí sẽ khiến doanh nghiệp càng thêm lao đao", ông Liên nói.

Hiệp hội vận tải Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ lùi thời hạn thực thi quyết định này thêm một năm sang 1/7/2022 để doanh nghiệp có thêm thời gian hồi phục.

Ngoài ra, ông Liên cũng chỉ ra rằng, với mức chi phí tối thiểu cho một camera trên xe là 5 triệu đồng và quy định từ Bộ GTVT yêu cầu phải có ít nhất hai khu vực lắp camera là trên ghế lái và cửa ra vào, chủ xe sẽ mất tối thiểu gần 10 triệu đồng. Cần tính toán đến phương án 1 camera có thể xoay trục để tiết kiệm chi phí.

"Vấn đề cần xem xét là có nhất thiết phải áp dụng ngay trong thời điểm này hay không, khi mà doanh nghiệp đang rất khó khăn. Phải chăng chọn một thời điểm thích hợp hơn sẽ hài hoà lợi ích của cả xã hội, người dân và doanh nghiệp vận tải", ông Liên nhấn mạnh.

Hạ An

Cùng chuyên mục
XEM