TT Trump muốn phát tiền mặt cho dân: Vừa khắc phục COVID-19, vừa mở toang lời giải 1 bài toán hóc búa khác
"Đưa tiền mặt trực tiếp là một phương thức đơn giản, minh bạch và công bằng để hỗ trợ người dân Mỹ trước những biến động kinh tế” - Hai tác giả Reynolds và Hainer cho hay.
Phát tiền cho người dân giữa COVID-19
Không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 còn dẫn tới một cuộc khủng hoảng về kinh tế đối với nhiều quốc gia trên thế giới .
Thị trường chứng khoán biến động mạnh, hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng triệu người phải ở nhà để hạn chế sự lây lan của virus. Theo tờ Bangor Daily News, tất cả người dân trên khắp nước Mỹ đang cảm nhận được nỗi đau kinh tế, một nỗi đau “chưa từng thấy”.
Làm thế nào để cứu vãn nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch là một bài toán khó đang được đặt ra.
Trong tháng Ba vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất ý tưởng phát không tiền mặt cho người dân.
Cụ thể, Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hôm 17/3 đã đề xuất gửi các tấm séc trị giá 1.000 USD cho mỗi người trưởng thành tại Mỹ nhằm nhanh chóng bơm hàng trăm tỉ USD vào nền kinh tế.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất một ý tưởng khác lạ: phát tiền cho người dân (Ảnh minh họa. Nguồn: Stabroek News)
Song, bất cứ một chương trình nào tương tự cũng cần có sự chấp thuận từ Quốc hội Mỹ. Hiện nay, chính quyền Tổng thống Trump đang vận động sự ủng hộ từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Một số nhà kinh tế cho rằng có thể còn quá sớm để xem xét các khoản thanh toán trực tiếp cho người dân vì vẫn chưa rõ virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế.
Ngoài ra, giống như các nỗ lực kích thích kinh tế khác, chi phí cho việc phát tiền không cũng sẽ không hề rẻ. Nếu Quốc hội phê chuẩn tờ séc 1.000 USD mà Tổng thống Trump đề xuất, điều đó sẽ dẫn đến chi phí thực tế lớn hơn nhiều trong bối cảnh Washington đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách gần mức kỷ lục.
Tuy nhiên, những người ủng hộ kế hoạch trên nói rằng nó sẽ có tác dụng nhanh hơn là những đề xuất khác, như giảm thuế quỹ lương (payroll tax), bởi vì chính phủ có thể đưa tiền đến tay người dân chỉ trong vài tháng và những đồng bạc xanh này sẽ nhanh chóng quay trở lại nền kinh tế.
Giải pháp cho cả khủng hoảng biến đổi khí hậu
Trong bài viết đăng trên nhật báo Bangor, ông Mark Reynolds - Giám đốc điều hành tổ chức bảo vệ môi trường Citizens’ Climate Lobby (CCL) cùng bà Theresa Hainer, đồng lãnh đạo cơ sở của CCL tại Bangor (tây bắc Wales) tin rằng, việc chính phủ Mỹ phát tiền mặt cho người dân sẽ hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế Mỹ trong đại dịch COVID-19.
Thế nhưng, hiệu quả của giải pháp này không chỉ dừng lại ở đó. Với tư cách là các nhà bảo vệ môi trường, ông Reynolds và bà Hainer cho rằng, Mỹ hoàn toàn có thể áp dụng cách giải quyết tương tự khi phải đương đầu với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu sắp xảy ra.
“Khi Quốc hội Mỹ hướng sự chú ý sang biến đổi khí hậu - một cuộc khủng hoảng khác đang dần hiện hữu - họ không nên quên đi bài học này: Đưa tiền mặt trực tiếp là một phương thức đơn giản, minh bạch và công bằng để hỗ trợ người dân Mỹ trước những biến động kinh tế” - Hai tác giả viết.
Quốc hội Mỹ có thể "định giá" cho lượng khí thải Carbon...
Số tiền thu được từ các công ty muốn khai thác nhiên liệu hóa thạch sẽ được hoàn lại dưới dạng "cổ tức bằng tiền" tới tay mỗi người dân Mỹ hàng quý (Ảnh minh họa: CCL)
Để khắc phục biến đổi khí hậu, con người cần ngừng phát thải khí thải nhà kính. Nước Mỹ cần chuyển dịch từ nền kinh tế dựa trên nhiên liệu hóa thạch sang nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch.
Do đó, Quốc hội Mỹ có thể “định giá” cho lượng khí thải carbon để tác động nền kinh tế Mỹ chuyển hướng, sau đó hoàn lại số tiền này dưới dạng “cổ tức bằng tiền” cho tất cả người dân Mỹ mỗi tháng.
Cụ thể, bất cứ công ty nào đang khai thác các loại nhiên liệu hóa thạch mới từ lòng đất hoặc nhập khẩu chúng vào Mỹ sẽ phải "mua" giấy phép tại một cuộc đấu giá do chính phủ tổ chức dành cho mỗi tấn CO2 mà những nhiên liệu hóa thạch này thải vào khí quyển.
Theo cách đó, các công ty đưa nhiên liệu hóa thạch mới vào nền kinh tế sẽ phải chịu trách nhiệm về mức ô nhiễm môi trường mà chúng gây ra.
Tất cả khoản tiền thu được sẽ được hoàn lại dưới dạng "cổ tức bằng tiền" tới tay mỗi người dân Mỹ hàng quý theo số an ninh xã hội.
Theo hai tác giả, các khoản tiền mặt sẽ mang lại cho người dân Mỹ sự chủ động trong chi tiêu, họ có thể quyết định dùng tiền vào việc chi trả hóa đơn, mua thực phẩm, tiết kiệm, đầu tư… Nói cách khác, số tiền phát ra sẽ được người dân sử dụng để trang trải cho nhu cầu của họ, và từ đó quay trở lại nền kinh tế.
“Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người Mỹ có thu nhập thấp hoặc trung bình, họ có thể sẽ gặp khó khăn khi chi phí gia tăng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch” - Hai tác giả nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cũng theo các tác giả, cổ tức bằng tiền rất minh bạch và dễ theo dõi, không giống như khác khoản giảm thuế.
“Rõ ràng, những khoản tiền trong tay người dân Mỹ sẽ giúp chúng ta (người Mỹ) duy trì hoạt động của nền kinh tế. Đó là lý do tại sao Quốc hội và Tổng thống lại lựa chọn phương thức đó trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Khi chúng ta đã xử lý xong COVID-19, hãy sử dụng phương thức ấy để đối phó với biến đổi khí hậu” - Hai tác giả bài viết kết luận.
Trong phạm vi công ty, cổ tức bằng tiền là khoản lợi nhuận sau thuế được biểu hiện bằng tiền mà công ty trả trực tiếp cho cổ đông hiện hành. Việc trả cổ tức bằng tiền sẽ tạo ra thu nhập thực tế cho cổ đông, đáp ứng nhu cầu chi tiêu thường xuyên của các cổ đông.
Tuy nhiên, hình thức này có hạn chế là công ty sẽ bị sụt giảm một lượng tiền mặt, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của công ty và đòi hỏi công ty phải dồi dào vốn bằng tiền.