TS Vũ Thành Tự Anh: Lương làm thêm tính kiểu lũy kế khiến người lao động lười hơn

19/09/2019 08:50 AM | Kinh doanh

Chuyên gia Đại học Fulbright cho rằng dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đang có cách tiếp cận phiến diện và lạc hậu khi nhìn nhận chủ sử dụng lao động và người lao động là quan hệ xung đột.

Cụ thể, chuyên gia Fulbright cho rằng các nhà soạn luật đang rơi vào một cách nhìn nhận phiến diện và lạc hậu khi đánh giá mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động là quan hệ xung đột. Theo ông, tinh thần của dự thảo đang can thiệp quá sâu, quá thô bạo và quá chi tiết vào quan hệ lao động giữa người làm và người sử dụng lao. Tư duy này không có tính thị trường, thậm chí đi ngược lại chủ trương so với luật hiện hành.

Bộ Luật Lao động (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2019) và đang được tiếp tục chỉnh lý để trình phê duyệt vào kỳ họp tháng 10 tới. So với luật hiện hành thông qua năm 2012, dự thảo luật sửa đổi đề xuất giảm số giờ làm từ 48 tiếng/tuần xuống còn 44 tiếng/tuần, điều chỉnh tổng số giờ làm thêm trong năm, khống chế giờ làm thêm theo tuần và tăng mức tính lũy kế tiền lương làm thêm cho người lao động...

Các đề xuất này gặp phải sự phản đối cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đề nghị giữ nguyên số giờ làm 48 tiếng/tuần. Doanh nghiệp cũng đề nghị bỏ trần làm thêm theo tháng, nới tổng số giờ làm thêm cao hơn mức hiện hành 200 giờ/năm và 300 giờ/năm với trường hợp đặc biệt để tránh ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có tính mùa vụ...

"Dự thảo Bộ Luật Lao động không có dáng dấp của một chính sách được tư duy mạch lạc, được đánh giá một cách cẩn trọng và phù hợp với nền kinh tế mới, nhiều điểm là bước lùi so với bộ Luật Lao động 2012. Đây là nhận xét của TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam nêu lên ngày 18/9 tại Hội thảo "Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị", nơi rất nhiều ý kiến trái chiều được nêu lên với dự thảo luật có ý nghĩa hết sức quan trọng với nền kinh tế.

"Nhà soạn luật sợ người lao động làm quá giờ kiệt sức, sợ giới chủ bóc lột dù 2 bên đã có thỏa thuận. Tư duy đằng sau là tư duy nhà nước phụ mẫu, không tôn trọng quyền tự chủ, tự quyết của người lao động và chủ sử dụng, dù đã có khế ước lao động", chuyên gia nhận định. 

Ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng nhiệm vụ của Nhà nước là phải làm thế nào để khế ước lao động được thực thi, thay vì ngồi nghĩ thay cho 2 bên.

Trong khi đó, vị này cho rằng nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào lao động, thẳng thắn là lao động giá rẻ, giản đơn với quy mô lớn. 

Vì vậy, khi bộ luật được đưa ra, Việt Nam không thể toàn dụng lao động vì những giới hạn liên quan thời gian làm thêm, tiền lương lũy kế… Với những giới hạn này thậm chí còn khiến Việt Nam thiểu dụng lao động và tạo ra thất nghiệp có tính cơ cấu do chính sách.

TS Vũ Thành Tự Anh: Lương làm thêm tính kiểu lũy kế khiến người lao động lười hơn - Ảnh 2.

TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) lần này chưa sẵn sàng để đưa ra Quốc hội phê chuẩn. Ảnh: N.M

Theo chuyên gia, chính sách tính tiền lương làm thêm ngoài giờ theo hướng lũy kế còn tạo ra khuyến khích ngược, khiến người lao động lười hơn. Tiền lương cao vào những giờ làm thêm sau sẽ tạo động lực để người lao động làm việc sơ sài trong 2 giờ đầu, để có giờ làm thêm thứ 3, thứ 4. 

Ông cho rằng các khuyến khích ngược đầy rẫy trong bộ luật này. Các quy định sẽ làm tăng chi phí tuân thủ và chi phí cưỡng chế tuân thủ. Nếu bộ luật ra đời với tinh thần này, người sử dụng lao động sẽ tìm cách lách dẫn tới tăng chi phí. Đây là lãng phí xã hội không cần thiết.

Mặt khác, lợi thế so sánh của Việt Nam đang mất đi rất lớn khi tốc độ tăng năng suất chỉ 2-3% còn tốc độ tăng tiền lương trong suốt 15 năm qua khoảng 7-8%. "Với bộ luật lao động này lợi thế so sánh của chúng ta tiếp tục xói mòn, làm Việt Nam thất thế hơn trong môi trường cạnh tranh quốc tế", TS Vũ Thành Tự Anh nhận định.

Tưởng là lo cho người lao động nhưng thực tế lại khiến người lao động lười biếng hơn và tăng chi phí cho chủ sử dụng lao động, dẫn đến hệ quả người chủ phải giảm bớt giờ làm đi.

TS Vũ Thành Tự Anh

Chuyên gia Fulbright cho rằng thị trường lao động phải linh hoạt, nghĩa là tạo ra không gian để người sử dụng lao động sử dụng lao động một cách hiệu quả nhất. Ví dụ sống trong thời kỳ hội nhập và công nghệ 4.0, rất nhiều người phải làm việc ban đêm với khách hàng bên Mỹ, khi đó sẽ được tính lương là làm việc ngoài giờ sẽ khó để cạnh tranh. "Chỉ cần người lao động đồng thuận, tại sao Nhà nước phải lo người lao động kiệt sức khi làm việc ban đêm?", vị TS đặt dấu hỏi.

"Với các tiêu chí quá lạc hậu về tư duy, không đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và trong nhiều trường hợp gây tổn hại cho nền kinh tế thì Luật Lao động (sửa đổi) đoạt giải quán quân. Bộ luật này chưa sẵn sàng để đưa ra Quốc hội phê chuẩn", chuyên gia nhận xét.

Theo PV

Từ khóa:  Fullbright
Cùng chuyên mục
XEM