TS. Võ Trí Thành: Ngay cả khi đã có giải pháp sống chung an toàn với dịch bệnh thì các gói hỗ trợ của Chính Phủ vẫn phải đảm bảo thực thi Nhanh - Đúng - Minh bạch

27/08/2020 16:09 PM | Kinh tế vĩ mô

Việt Nam đang trải qua đợt sóng tấn công thứ hai về tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Chính phủ và các cơ quan ban ngành đang cố gắng tập trung triển khai nhiều biện pháp khác nhau nhằm ngăn chặn và hạn chế sự lây nhiễm trong cộng đồng. Nền kinh tế chưa kịp phục hồi từ làn sóng dịch tháng Ba nay đã phải gánh thêm cú đánh thứ hai từ virus. TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã chia sẻ những đánh giá của ông về bức tranh kinh tế - xã hội và các biện pháp giảm đau kinh tế của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay.

Đây là cuộc khủng hoảng kép giữa Kinh tế và Y tế

PV: Xin chào tiến sĩ, Việt Nam chưa kịp đứng dậy sau làn sóng tấn công đầu tiên của Covid-19, thì nay đã phải trải qua giai đoạn khó khăn thứ hai khi tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng bùng phát, ông có thể cho biết dịch bệnh lần này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào?

TS. Võ Trí Thành: Tôi cho rằng, sau khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát lần thứ hai tại Việt Nam thì tác động của dịch bệnh lần này đối với nền kinh tế nước ta là vô cùng nghiêm trọng và có nhiều điểm khác biệt so với những cú sốc khác. Đây chính là cuộc khủng hoảng kép giữa kinh tế và y tế. Trên thực tế, chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều cuộc khủng hoảng, nhưng nó chỉ thuần về kinh tế mà thôi. Lần này, nó là khủng hoảng kinh tế đi kèm khủng hoảng về y tế và kéo dài hơn dự kiến, khiến Chính phủ nước ta buộc phải thực hiện các chính sách chống dịch như giãn cách xã hội hoặc cách ly địa giới. Chính sách này đưa ra về cơ bản sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế. Do đó, Chính phủ cần phải có thêm những chính sách vừa chống dịch, vừa chống khủng hoảng kinh tế.

TS. Võ Trí Thành: Ngay cả khi đã có giải pháp sống chung an toàn với dịch bệnh thì các gói hỗ trợ của Chính Phủ vẫn phải đảm bảo thực thi Nhanh - Đúng - Minh bạch  - Ảnh 1.

PV: Dịch bệnh Covid-19 chỉ có thể chấm dứt khi có vắc xin và thuốc đặc trị. Nhưng thời gian chờ đợi sẽ rất dài trong bối cảnh còn nhiều bất định. Vậy chúng ta có thể hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bằng cách nào?

TS. Võ Trí Thành: Hiện nay, để có thể hạn chế được những tác động tiêu cực của dịch bệnh, theo tôi đầu tiên, chúng ta phải chống được dịch bệnh thành công. Đây là một nhân tố vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, nếu khống chế được dịch bệnh thì chúng ta sẽ không phải tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội hay cách ly địa giới. Điều này cũng khiến cho tâm lý lo sợ dịch bệnh, ngại tiếp xúc… của người dân cũng được giải tỏa.

TS. Võ Trí Thành: Ngay cả khi đã có giải pháp sống chung an toàn với dịch bệnh thì các gói hỗ trợ của Chính Phủ vẫn phải đảm bảo thực thi Nhanh - Đúng - Minh bạch  - Ảnh 2.

Hơn thế nữa, dịch bệnh xảy ra đã khiến cho các chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Do đó, vấn đề này cũng phụ thuộc nhiều vào việc khống chế được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, dịch bệnh Covid-19 lần này sẽ còn kéo dài cho đến khi nghiên cứu và sản xuất được vắc xin, hay thuốc đặc trị. Vì vậy, câu hỏi đặt là: “Làm cách nào để chúng ta có thể tồn tại và sống sót cho đến lúc có vắc xine phòng, chống Covid-19?”.

Rất nhiều dự đoán nguy cơ dịch và bài toán về cách sống chung với dịch đã được đưa ra. Bởi lẽ, chúng ta không thể cứ mãi phong tỏa hay cách ly xã hội cho đến khi không còn một ai bị nhiễm bệnh mới gỡ bỏ các biện pháp này, mà chúng ta phải tìm ra một cách ứng xử hợp lý giữa chống dịch và sống chung với dịch một cách an toàn. Đây là một thách thức rất lớn không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn đối với rất nhiều nước trên thế giới hiện nay.

Việt Nam cần phải có một giải pháp đủ quyết liệt, gọn gàng trong cách chống dịch nhưng vẫn đảm bảo không để nền kinh tế bị tê liệt

PV: Theo ông, cách ứng xử nào được xem là hợp lý trong bối cảnh hiện nay?

TS. Võ Trí Thành: Tôi cho rằng, nếu chúng ta mở cửa hội nhập nền kinh tế sớm quá trong giai đoạn dịch bệnh đang căng thẳng như hiện nay thì cũng không tốt, nhưng nếu chúng ta sợ hãi quá độ, chẳng hạn như nếu chỉ có 1 ca bệnh xảy ra mà chúng ta phong tỏa tất cả các khu vực thì nền kinh tế cũng sẽ đứt gãy. Chính vì thế, chúng ta cần tìm ra một giải pháp hợp lý nhất, cân bằng, vừa phòng chống dịch vừa mở cửa nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, các nước khác trên thế giới cũng đã trải qua giai đoạn này. Có nhiều nước đã đưa ra các giải pháp khác nhau để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn chưa thành công bởi sau khi khống chế được dịch bệnh lần một, thì dịch bệnh lại tiếp tục bùng phát trở lại lần 2, lần 3… Riêng đối với Việt Nam, chúng ta đang nỗ lực hàng ngày để có thể hướng tới mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế”.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, giai đoạn đầu chúng ta đã thành công, nhưng ở giai đoạn 2 lần này, mặc dù chúng ta vẫn áp dụng theo các giải pháp lần một nhưng vì tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và kéo dài, hơn nữa với một quốc gia nằm trong vùng mà dịch bệnh vẫn đang lan truyền rất mạnh như Việt Nam thì nguy cơ dịch còn rất là cao. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải có một giải pháp đủ quyết liệt, gọn gàng trong cách chống dịch nhưng bên cạnh đó vẫn phải làm sao để khiến cho nền kinh tế không bị tê liệt.

Tuy nhiên, việc chống dịch vẫn là cực kì quan trọng và là mục tiêu hàng đầu, bởi vì cho dù Chính phủ không thực thi các biện pháp như giãn cách xã hội, nhưng dịch bệnh vẫn còn chưa khống chế được thì người dân vẫn còn lo ngại, ví dụ như đối với ngành du lịch trong đợt dịch bệnh lần một, chúng ta thấy rất rõ, mặc dù ngành du lịch đã kích cầu để giảm đau kinh tế, nhưng sau khi mở lại được một thời gian, dịch bệnh lại tái bùng phát, khiến mọi hoạt động du lịch phải ngừng lại. Mặc dù, Chính phủ chỉ hạn chế người dân đi du lịch tại những khu vực có dịch bệnh hoặc có nguy cơ bị dịch bệnh, nhưng người dân vẫn dè dặt không đi du lịch, hoặc đi rất ít trong thời điểm hiện nay.

Các gói hỗ trợ cần đảm bảo thực thi nhanh, đúng và minh bạch. Điều này vô cùng quan trọng!

PV: Theo ông, gói giảm đau kinh tế đầu tiên có được sử dụng hiệu quả hay không và Chính phủ cần có thêm những chính sách kích thích kinh tế nào trong bối cảnh hiện nay?

TS. Võ Trí Thành: Theo tôi, Chính Phủ cần tích cực đưa ra các gói hỗ trợ để phát huy hiệu quả hơn. Và ngay cả khi đã khống chế và có giải pháp sống chung với dịch bệnh tương đối tốt thì các gói hỗ trợ vẫn phải làm cho thích hợp, quyết liệt. Cần đảm bảo thực thi "nhanh, đúng và minh bạch" các gói hỗ trợ này. Điều này vô cùng quan trọng. Bởi trong đợt dịch lần thứ nhất, mặc dù việc ban hành các chính sách hỗ trợ của Chính phủ rất kịp thời ngay trong tháng 3, tháng 4, tuy nhiên việc thực thi các chính sách của Chính phủ sau khi ban hành còn chậm, chưa đồng bộ. Hơn thế, trong một số trường hợp còn thiếu minh bạch, ngoài chính sách đầu tư công và chính sách tiền tệ khá hơn một chút thì chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ các nhóm bị tổn thương hay giãn, hoãn thuế cực kì chậm.

Hiện tại, tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với kinh tế của nước ta càng ngày càng tiêu cực hơn. Do vậy, chúng ta cần phải tiếp tục có những chính sách kích thích kinh tế mới hơn nữa. Hơn thế, chính sách lần này đưa ra cần phải cố gắng làm nhanh cả về việc ra chính sách và thực thi chính sách.

Tức là chính sách hỗ trợ kinh tế lần 2 mà Chính phủ đưa ra lần này cần phải bao quát toàn diện các đối tượng (doanh nghiệp, người lao động, người dân). Mặt khác, tính bao trùm của nó phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay và kích thích tăng trưởng kinh tế tất cả các ngành nghề. Bởi vì dịch bệnh xảy ra gây tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực, các ngành nghề.

TS. Võ Trí Thành: Ngay cả khi đã có giải pháp sống chung an toàn với dịch bệnh thì các gói hỗ trợ của Chính Phủ vẫn phải đảm bảo thực thi Nhanh - Đúng - Minh bạch  - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, chính sách lần này cần phải có điểm nhấn, và cần phải tách bạch rõ ràng những diện nào cần hỗ trợ. Chẳng hạn như cần phải ưu tiên hỗ trợ các đối tượng là những cá nhân và doanh nghiệp dễ bị hay đã bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch bệnh. Về cá nhân đó là công nhân lao động, hộ nghèo, người thất nghiệp, lao động tự do. Về đối tượng là doanh nghiệp, đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, là những doanh nghiệp hầu như không có nguồn lực dự trữ và khả năng tiếp cận các nguồn lực khác.

Đồng thời chính sách mới này phải tính đến việc tái cấu trúc nền kinh tế, tức là nó không chỉ giúp nền kinh tế nước ta vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay mà còn phải bắt nhịp được với các xu hướng cải cách; xu hướng phát triển công nghệ như: công nghệ 4.0, chuyển đổi số hay cách sống mới, sự dịch chuyển chuỗi giá trị; sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư.

Đặc biệt, gói hỗ trợ này cần phải tính toán cho đến năm 2021, bởi dịch bệnh sẽ còn kéo dài ít nhất là khoảng 1-2 năm nữa, ngay cả trường hợp khi sản xuất được vắc xin đại trà. Do đó, cách hỗ trợ hay các gói hỗ trợ của Chính phủ phải tính trước đến năm 2021, cho dù chúng ta phải chấp nhận thâm hụt ngân sách, chấp nhận tỉ lệ nợ công cao hơn.

PV: Ông có thể đưa ra dự báo về sự thay đổi của nền kinh tế sau đại dịch lần này không?

TS. Võ Trí Thành: Ngay cả khi đã có giải pháp sống chung an toàn với dịch bệnh thì các gói hỗ trợ của Chính Phủ vẫn phải đảm bảo thực thi Nhanh - Đúng - Minh bạch  - Ảnh 4.

TS. Võ Trí Thành: Tôi cho rằng, đại dịch Covid-19 chỉ là một sự cố tác động đến cách thức vận hành định chế kinh tế hiện tại. Khi dịch bệnh xảy ra, cách thức vận hành có mặt mạnh nào thì lộ rõ, còn mặt hạn chế cũng sẽ được phơi bày, đòi hỏi phải có sự thay đổi.

Dịch bệnh Covid-19 rồi cũng phải qua đi, thế giới, con người có thể sẽ chịu thảm họa, nhưng cuối cùng nó sẽ phải kết thúc. Có thể virus vẫn sẽ tồn tại nhưng loài người không sợ nó nữa, khi có vắc xin sẽ khống chế được. Khi đó, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ lại trở lại trạng thái bình thường, nhưng là “bình thường mới”.

Xin cảm ơn ông.

TS. Võ Trí Thành: Ngay cả khi đã có giải pháp sống chung an toàn với dịch bệnh thì các gói hỗ trợ của Chính Phủ vẫn phải đảm bảo thực thi Nhanh - Đúng - Minh bạch  - Ảnh 5.

TS. VÕ TRÍ THÀNH

Cùng chuyên mục
XEM