TS. Trương Văn Phước: Tôi không cho rằng khủng hoảng kinh tế sẽ xảy ra, thế giới ngày nay đã khôn ngoan hơn rất nhiều sau những va vấp
Trái ngược với những ý kiến cho rằng kinh tế sắp lâm vào một thời kỳ suy thoái đen tối, rằng chu kỳ kinh tế 10 năm sẽ đưa khủng hoảng quay trở lại, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia – ông Trương Văn Phước đưa ra một góc nhìn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam và thế giới.
Nhận định về bối cảnh chung, ông Trương Văn Phước cho rằng kinh tế thế giới đang ở vào một giai đoạn khó khăn: từ Mỹ đến châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản đều không thực sự sáng sủa.Những bất ổn trong nội bộ chính phủ Hoa Kỳ, chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc, chính sách của Mỹ với khu vực Trung Đông, vấn đề nhập cư - bức tường biên giới với Mexio, những mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, Brexit ở châu Âu… là những quá trình vô cùng phức tạp.
Tuy nhiên, ông Phước nhận định: "Tôi không cho rằng kinh tếthế giới sẽ rơi vào khủng hoảng. Kinh tế học là khoa học của kỳ vọng, mỗi người đều nhìn hiện tượng kinh tế theo một góc nhìn khác nhau. Nhưng tôi nghĩ rằng một trong những vấn đề quan trọng là: thế giới ngày nay đã khôn ngoan hơn rất nhiều sau những va vấp.
Khi làm việc ở Mỹ, tôi cũng đã đặt vấn đề tương tự với nhiều nhà nghiên cứu, nhiều chuyên gia của Mỹ. Họ cho rằng những cảm xúc lo ngại và những dự báo đó cũng là điều mà nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các chuyên gia Mỹ đặt ra. Nhưng ngày nay nước Mỹ, hay nói rộng ra là toàn thế giới, những người hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, những người canh giữ sự ổn định cho nền kinh tế, tài chính thế giới có nhiều kinh nghiệm hơn 10 năm trước".
"Chúng ta cũng nên có niềm tin vào các nhà nghiên cứu, các chuyên gia. Trước đây nhiều căn bệnh y học bó tay, thì ngày nay người ta đã sáng chế ra vaccine phòng được, các vấn đề kinh tế cũng vậy",ông Phước nói thêm.
Với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ông Trương Văn Phước cho rằng, không nên chiết xuất chiến tranh thương mại ra khỏi bản đồ thế giới. Mỗi quốc gia đều có quốc kế của họ, cần bình tĩnh để xem bàn cờ kinh tế, chính trị, tài chính thế giới diễn biến như thế nào.
Ông Phước nói: "Cũng như lý thuyết trò chơi hay một bàn cờ, ta xem các nước khác diễn biến thế nào mà tính nước đi cho phù hợp. Chiến tranh thương mại cũng vậy. Sự chuyển dịch của các nhà máy ra khỏi Trung Quốc đến nước khác trong đó có Việt Nam là điều dễ thấy. Nhưng Trung Quốc không phải tay vừa, họ cũng có đối sách của họ, để hóa giải những vấn đề như thế. Họ cũng đang thực hiện chính sách kích cầu để giúp nền kinh tế của họ vượt qua khó khăn".
Trong thời gian tới, ông Trương Văn Phước cho rằng "Việt Nam sẽ tiếp tục linh hoạt hơn nữa với những đối sách, chiến lược lớn, thể hiện hình ảnh là một dân tộc trong sáng, đàng hoàng, chững chạc và nghĩa tình". Việt Nam không liên minh với quốc gia này để chống lại quốc gia khác, đó là chiến lược ở tầm quốc gia. Với sức mạnh truyền thống của cả dân tộc, Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.
Việc Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Kim Jong Un ở Hà Nội cũng là một trong những cột mốc trên con đường hóa giải những vấn đề rất lớn giữa Mỹ và Triều Tiên. Đối với các vấn đề của thế giới, Việt Nam ứng xử bằng thái độ của một dân tộc yêu hòa bình.
Ông Phước chia sẻ: "Suy nghĩ riêng của tôi, không phải đến bây giờ mà Việt Nam đã từ lâu ý thức được rằng một nền kinh tế như chúng ta cần ứng xử thế nào, tận dụng mọi thời cơ ra sao để không vướng vào những vấn đề phức tạp của thế giới. Đó là một chính sách khôn ngoan - đa phương hóa với thế giới".
Không giống với nhiều chuyên gia kinh tế khác, ông Trương Văn Phước cho rằng, lạm phát không phải là vấn đề lớn với Việt Nam trong năm 2019 dù giá điện và giá xăng dầu tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Chuyên gia này phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái, tổng cầu của thế giới giảm, thương mại quốc tế cũng giảm và kéo theo áp lực giá từ thế giới không phải quá lớn đối với Việt Nam. Trước đây, người ta dự báo giá xăng dầu sẽ tăng mạnh trong năm 2019 nhưng giờ đã điều chỉnh theo hướng xăng dầu thế giới không tăng quá nhiều.
Việc Việt Nam tăng giá điện, giá xăng dầu vừa qua, là nhằm thực thi lộ trình thị trường hoá các hàng hoá dịch vụ cơ bản. Theo ông Phước, giá xăng dầu tuy có điều chỉnh nhưng Chính phủ đã có quá nhiều kinh nghiệm trong việc tăng lúc nào, tăng bao nhiêu và có biện pháp gì để hoá giải tác động của việc tăng giá đó.
Việc tăng giá điện vừa qua có thể có tác động nhưng không nhiều đến CPI. Còn về giá nông sản lương thực thực phẩm do mặt bằng chung giá nông sản của thế giới cũng như Trung Quốc cũng ổn định không tăng. Giá một số hàng hoá, dịch vụ công như giáo dục, y tế… là tăng theo lộ trình, áp lực cũng không lớn.
Ông Phước cho rằng, các lĩnh vực được xem là nhạy cảm như bất động sản và tài chính ngân hàng cũng không có vấn đề quá đáng lo ngại trong năm 2019.
Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lưu ý, khi xem xét mức độ rủi ro của nền kinh tế và trong từng ngành bao giờ cũng có hai mặt. Tại sao hoạt động của ngân hàng trong thời gian gần đây tốt hơn, xử lý được nhiều nợ xấu? Có phần do nội lực của chính họ, có phần do điều hành chính sách của Nhà nước nhưng cũng có một yếu tố rất khách quan là do sự khởi sắc, phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản. Nếu không có sự khởi sắc này, làm sao các ngân hàng bán được nợ xấu vốn bị "chôn" rất nhiều trong bất động sản.
Chuyên gia này nhận xét: "Ngày nay, các nhà làm chính sách và nhà kinh doanh bất động sản đã khôn khéo hơn trước rất nhiều. Việc nói là 10 năm trước khủng hoảng, bây giờ đã đến chu kỳ chưa hẳn đúng vì tình hình bây giờ khác rất nhiều. Hãy nhìn những Vingroup, Sun Group, FLC,… họ vẫn xây nhà vẫn bán tốt! Còn các ngân hàng, họ cũng cảnh giác và có bài học hơn trước".
Ông Phước nhận định, Việt Nam vẫn là nơi thu hút vốn nhờ chính trị ổn định, lạm phát tương đối thấp, tỷ giá ổn định, tăng trưởng cao và sẽ còn tăng trưởng cao trong một thời gian dài. Tuy nhiên, Việt Nam phải tiếp tục đổi mới nhiều thứ, đặc biệt là cải cách thể chế để người dân, doanh nghiệp đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân có nhiều không gian hơn để cạnh tranh và tìm kiếm lợi nhuận.