TS Trương Chí Bình: Doanh nghiệp Việt chịu lãi vay cao bậc nhất thế giới, nhiều chi phí không chính thức ngăn cản tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

28/08/2020 13:56 PM | Kinh tế vĩ mô

Đề xuất của bà Trương Chí Bình là phải làm sao để giảm tốt đa những chi phí không chính thức, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh về giá. Nếu không, chúng ta sẽ mãi đứng ngoài cuộc chơi...

Sáng 28/8, buổi hội thảo "Hiệp định EVFTA và sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu trong một thế giới hậu Covid-19" được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phối hợp thực hiện. Tại đây, các vấn đề về cơ hội, thách thức và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam đã được thảo luận với nhiều ý kiến từ đại diện VCCI, Bộ Công thương và Eurocham.

Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, nếu Việt Nam giống như nàng công chúa đang gặp khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn bị tác động bởi dịch Covid-19 thì Hiệp định EVFTA chính là chàng hoàng tử đến "cứu cánh" kịp thời. 

Cách tốt nhất của doanh nghiệp Việt là đứng trên vai người khổng lồ.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà chúng ta phải vươn tới là đáp ứng những chuẩn mực về sự minh bạch. Điều này không chỉ cần thiết khi tham gia hợp tác sâu rộng với châu Âu mà là yêu cầu tự thân của đất nước.

Chủ tịch VCCI cho biết: "Trong chuỗi ứng toàn cầu hiện nay, Việt Nam hoan nghênh tất cả các công đoạn nhưng chúng tôi đặt mục tiêu vươn lên những công đoạn cao hơn của chuỗi đó, không chỉ là lắp ráp. Khâu quan trọng nhất chính là công nghiệp hỗ trợ, đây là tiềm năng và vừa sức với chúng tôi hiện nay."

Trong bài phát biểu của mình, bà Trương Chí Bình – Viện Chiến lược phát triển (Bộ Công thương), kiêm Phó chủ tịch và Tổng Thư ký của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - cũng cho biết phái đoàn Liên minh châu Âu đã quan tâm đến ngành công nghiệp hỗ trợ ở nước ta từ 3 năm trước. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt còn rất hạn chế.

Đơn cử như một nhánh của công nghiệp hỗ trợ là ngành công nghiệp chế tạo, bao gồm sản xuất linh kiện điện - điện tử, hiện chỉ có khoảng hơn 20 doanh nghiệp Việt có đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với nhóm sản xuất điện thoại di động, hầu hết doanh nghiệp trong nước mới chỉ dừng lại ở làm vỏ điện thoại. Mặc dù chuỗi cung ứng điện tử ở Việt Nam là khu vực có thị phần lớn nhưng doanh nghiệp vẫn ít cơ hội tham gia.

Lĩnh vực sản xuất ô tô, vốn được doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm và thích làm nhưng gặp phải vấn đề lớn nhất là không đủ sản lượng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện Ô tô Trường Hải vẫn là doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất, họ phải sản xuất trong nhà máy rất nhiều, điều này đồng thời làm giá thành tăng, dẫn đến khó cạnh tranh.

Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp Việt có khả năng đáp ứng được chuỗi cung ứng thấp là do quy mô chưa đủ lớn, tiêu chuẩn chất lượng và sản lượng không đủ, tiêu chuẩn sản xuất chưa tinh gọn.

TS Trương Chí Bình: Doanh nghiệp Việt chịu lãi vay cao bậc nhất thế giới, nhiều chi phí không chính thức ngăn cản tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 1.

Một vấn đề nan giải khác là các chi phí không chính thức mà doanh nghiệp trong nước đang phải gánh chịu.

"Tại sao doanh nghiệp Việt Nam sản xuất chi phí lại cao hơn rất nhiều so với Trung Quốc, các nước ASEAN hay Ấn Độ? Các hiệp định thương mại quốc tế có thể giúp doanh nghiệp giảm vài phần trăm chi phí liên quan đến xuất khẩu, thuế nhưng những chi phí khác ở Việt Nam lại cao hơn rất nhiều.

Điển hình là lãi vay, doanh nghiệp Việt phải có lẽ trả lãi vay ngân hàng cao nhất thế giới, thông thường 7% - 9% cho vay trung hạn. Doanh nghiệp làm rất lâu, có tín dụng rất cao với ngân hàng cũng chỉ giảm được xuống còn 5% - 6% và phải có tài sản thế chấp. So với những doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam, cũng trong ngành sản xuất phụ tùng, họ chỉ phải trả lãi vay 1% - 2%.

Chi phí này họ không thể làm gì được. Những chi phí không chính thức họ buộc phải giải quyết thật nhanh gọn để công việc được trôi chảy."

Đề xuất của bà Trương Chí Bình là phải làm sao để giảm tốt đa những chi phí không chính thức, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh về giá. Nếu không, chúng ta sẽ mãi đứng ngoài cuộc chơi này. 


T.D

Cùng chuyên mục
XEM