TS. Trần Hoàng Ngân: Phải chi Việt Nam có thêm nhiều người giàu từ sản xuất như ông chủ của ô tô Trường Hải, thép Hoà Phát
Tỏ ra lạc quan và tin tưởng vào tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2018 nhưng TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những điểm hạn chế cần khắc phục như thu chi ngân sách Chính phủ, sự bất cập giàu nghèo hay "sóng" lớn chứng khoán...
Sáng nay (21/9), Quốc hội họp phiên khai mạc và nghe báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh, thành viên Tổ tư vấn cho Thủ tướng.
Ông đánh giá như thế nào về tăng trưởng kinh tế năm 2017 và quý I/2018?
Năm 2017, GDP Việt Nam năm 2017 đạt 6,81%, cao nhất kể từ khi bắt đầu xảy ra khủng hoảng suy thoái tài chính năm 2008 của thế giới đến nay. Quý I/2018 GDP cũng đạt được mức tăng kỷ lục sau một thập kỷ, là 7,38%. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã khắc phục được những hậu quả do kỳ khủng hoảng thế giới.
GDP tăng dẫn đến nợ công/GDP giảm, từ gần sát trần nợ công hạ xuống còn 61,4%. Nợ công giảm giúp Việt Nam có dư địa cho phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho tăng trưởng bền vững hơn.
Bên cạnh đó, tăng trưởng Việt Nam thời gian qua là trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Cụ thể, lạm phát được kiểm soát tốt, cán cân thanh toán quốc tế, cán cân vãng lai đều có thặng dư, cán cân thương mại xuất siêu. Bội chi ngân sách cũng đang giảm, tỷ giá được ổn đinh... Sức hút các nhà đầu tư nước ngoài là từ đây vì không có ai "dại" đi đầu tư vào một nền kinh tế bất ổn.
Dù tăng trưởng cao nhưng GDP Việt Nam vẫn bị đánh giá là tăng không bền vững, ông nghĩ gì về điều này?
Sự bền vững chưa được nhìn thấy theo tôi ở các lý do sau. Đầu tiên, Việt Nam là nước có độ mở kinh tế rất cao, trong top 10 thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt trên 190% GDP. Chính vì vậy, nếu tình hình kinh tế thế giới có bất ổn, suy thoái quay trở lại theo tính chu kỳ, lập tức Việt Nam bị tác động rất lớn.
Điểm tiếp theo là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng phát triển, đóng góp rất lớn vào nền kinh tế. Cụ thể, FDI đang góp 20% GDP, 23% tổng vốn đầu tư xã hội, 72% vào kim ngạch xuất nhập khẩu. Có thể nói Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào khối FDI.
Tuy nhiên, phải khẳng định là Việt Nam vẫn rất cần vốn FDI để phát triển. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự định hướng, chọn lọc kỹ càng với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, ưu tiên doanh nghiệp FDI công nghệ cao, có tính lan toả.
Ngoài ra, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt còn thấp. Chính vì những lẽ đó, kinh tế Việt Nam dù tăng trưởng cao nhưng vẫn thiếu yếu tố bền vững. Tôi nhấn mạnh là "thiếu" chứ không phải là "không" hay "chưa".
Chương trình Fulbright trong một nghiên cứu gần đây nhấn mạnh Nhà nước đang tiêu dùng "quá trán". Trong 10 năm, Việt Nam thu 24,6% GDP nhưng tiêu 29,7% GDP, hao hụt 5,1%. Ông đánh giá như thế nào về tình hình chi tiêu Chính phủ?
Chi tiêu ngân sách không phải là vấn đề bây giờ mới nói, các đại biểu Quốc hội đã nói liên tục về hiện tượng đầu tư công không hiệu quả, lãng phí ngân sách. Đó là lý do Luật Đầu tư công ra đời. Trước vấn đề về quản lý nợ công, Luật Quản lý nợ công cũng đang được yêu cầu sửa đổi. Rất nhiều bộ luật được sửa đổi, ban hành để kiểm soát chi tiêu của nhà nước. Kế hoạch tài chính 5 năm cũng đang được thực hiện theo xu hướng giảm dần bội chi ngân sách... Quốc hội đã nhìn thấy vấn đề này và đang siết chặt.
Về phía Đảng và Nhà nước, Hội nghị Trung ương 7 vừa qua đã đề cập đến vấn đề đổi mới, sắp xếp tinh giản bộ máy nhà nước, thông qua đó, giảm mạnh số người làm việc không hiệu quả, hưởng lương từ ngân sách.
Nghĩa là vấn đề chi tiêu đã được nhận diện, nhưng quá trình thực hiện đòi hỏi cần quyết liệt hơn nữa.
Một điểm đáng lo ngại khác là khoảng cách giàu – nghèo của người dân đang tăng rất nhanh. Theo ông cần phải làm gì?
Khoảng cách giàu nghèo đang doãng ra mà phần lớn là người giàu ở đây là do bong bóng BĐS và tài chính. Phải chi Việt Nam có thêm nhiều người giàu từ sản xuất như ông chủ của ô tô Trường Hải, thép Hoà Phát... Đối với những yếu tố này, cần phải có những chính sách ưu đãi để khuyến khích họ, đồng thời giữ thương hiệu Việt. Còn với những người giàu nhờ BĐS, cần xem xét lại, kiểm soát các dự án, vấn đề về đất đai, tài sản công.
Bên cạnh đó, để xoá được khoảng cách giàu – nghèo, cần chấn hưng được nền nông nghiệp Việt Nam, nơi có số lao động chiếm hơn 40% của cả nước, đóng góp gần 15% GDP. Chúng ta phải có các giải pháp về đầu tư, nâng cao năng suất lao động. Dù Quốc hội đã bàn rồi nhưng phải bàn nữa, đây là lĩnh vực liên quan đến 40% lao động, không lý gì lại không dành thời gian.
Liệu có thực sự dựa được vào nông nghiệp hay không khi nhiều tỉnh mạnh về nông nghiệp đang không tự chủ được ngân sách?
Chúng ta hãy xem và học từ các nước xung quanh. Tại sao là gạo Thái, Myanmar trong khi Việt Nam cũng là nước xuất khẩu lớn? Tại sao hoa quả ngoại lại có chi phí rẻ, đắt hàng hơn của chúng ta? Rõ ràng là bài toán chất lượng cũng như quy mô sản xuất. Muốn làm được thì chỉ có dựa vào công nghệ cao.
FDI ít quan tâm đến nông nghiệp là bởi điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng còn đang thấp. Mặt khác, chi phí logistics trong ngành này rất cao. Ví dụ như một trái cà, nông dân bán giá 3.000 đồng nhưng người tiêu dùng thành phố phải mua với giá 15.000 đồng. 12.000 đồng trong đó đã bị khâu vận chuyển "ăn mất". Nếu cải thiện giao thông, vận tải, người thu mua có thể trả cho nông dân lên 6.000 – 7.000 đồng, giúp họ cải thiện thu nhập.
Như vậy, có hai vấn đề mấu chốt, cần giải quyết là quy mô sản xuất lớn theo công nghệ cao và cải thiện logistics.
Vấn đề nông nghiệp và đóng góp cho GDP, như đã nói ở trên, lĩnh vực này đang góp gần 15% cho tăng trưởng. Nếu đi vào sản xuất công nghiệp cao sẽ giúp cho lực lượng lao động trong nông nghiệp giảm, tạo lợi ích từ hai khía cạnh. Lao động dịch chuyển sang các ngành dịch vụ, sản xuất làm cho hai ngành này phát triển. Bản thân nông nghiệp dùng lao động ít đi, dù GDP vẫn đóng góp được khoảng 15% nhưng năng suất lao động tăng.
Cuộc họp về kinh tế vĩ mô vừa qua do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ điều hành có nêu ra một loạt rủi ro, trong đó có đề cập đến thị trường chứng khoán. Phó Thủ tướng nhận xét: "Thị trường chứng khoán gần đây không ổn định, mật độ tăng giảm dày". Theo ông, tại sao có hiện tượng này?
Thứ nhất phải xác định thị trường chứng khoán như điện tâm đồ, đứng yên đồng nghĩa là chết. Nhưng vấn đề ở đây là "sóng" lớn quá, nghĩa là thị trường đang bị lũng đoạn, có những điểm bị nghẽn mạch. Do đó, cần tăng cường giám sát thị trường để nghiêm trị những đối tượng đầu cơ, thao túng thị trường.
Ngoài ra, giá đang bị đẩy lên rất cao, khiến cho nó bị "chới với", dễ bị tác động cho dù chỉ là một "luồng gió" nhỏ cũng khiến rung lắc mạnh. Bản thân sự tăng giá này cũng không làm tăng vốn của nền kinh tế, do nó chỉ là giao dịch mua đi bán lại.
Phó Thủ tướng cũng có nói đến thời gian Việt Nam hưởng lợi nhờ chu kỳ tích cực của thế giới kéo dài thêm 2 năm. Chúng ta cần làm gì để tận dụng cơ hội đó?
Ở đây là tận dụng dòng chảy của vốn đầu tư nước ngoài. Trong năm nay, năm sau, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng vì Mỹ tăng lãi suất, khiến dòng chảy USD giảm đi. Hiện tượng này đã xảy ra rồi. Lượng cung tiền giảm dẫn đến cầu chứng khoán giảm. Do đó, chúng ta phải sắp xếp, tăng cường thể chế để hoạt động đúng bài bản, tăng cường cơ chế giám sát để thị trường minh bạch, chống lũng đoạn. Vấn đề cổ phần hoá DNNN cũng phải làm tốt.
Cuối cùng, có nên lạc quan với tình hình năm 2018 hay không?
Sự lạc quan cho năm 2018 là cần thiết. Các tổ chức nước ngoài cũng đã đánh giá Việt Nam cao dựa vào việc phân tích tiềm năng, lợi thế. Thế giới cũng đang trong đà tăng trưởng trở lại, Việt Nam lại là nước có độ mở cao nên có cơ sở. Vấn đề là Việt Nam cần tăng cường nội lực để đảm bảo phát triển bền vững. Nội lực thể hiện ở hai điểm là nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cảm ơn ông!
Phương Ánh
Tiến Tuấn
7pm
Theo Trí Thức Trẻ 21/05/2018