TS Nguyễn Thành Sơn: Xuất khẩu tới 30 triệu tấn than/năm thì vài năm nữa Việt Nam 'ngắc ngoải' thôi
Chuyên gia kinh tế độc lập - TS Nguyễn Thành Sơn - cho rằng nếu cứ xuất khẩu than như hiện nay thì chẳng mấy năm nữa mà ngành than Việt Nam ngắc ngoải.
Phát biểu tại Hội thảo "Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: Các bất cập và khuyến nghị", chuyên gia kinh tế độc lập - TS Nguyễn Thành Sơn chỉ ra bốn bất cập của khai thác than - khoáng sản Việt Nam.
Đầu tiên là khai thác khoáng sản với trình độ công nghệ khác nhau, tỷ lệ thu hồi khoáng sản chưa cao, nhiều khoáng sản phụ có hàm lượng thấp chưa được chú trọng khai thác. Đặc biệt tình trạng xuất khoáng sản thô kéo dài, xuất lậu sang Trung quốc nghiêm trọng.
Chẳng hạn như quy hoạch năm 2003 nói rõ xuất khẩu than tối đa 5 triệu tấn nhưng lại xuất đến hơn 20 triệu tấn. Sản lượng xuất khẩu quy định giảm xuống còn 2 triệu tấn vào năm 2015 nhưng trước đó lại xuất đến 20 triệu tấn. Năm cao nhất là xuất đến 30 triệu tấn than.
Thứ hai, về đầu tư cho than khoáng sản, tái đầu tư sản xuất gần như không có. Trước đây, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam - TKV có phân biệt đầu tư sản xuất và tái mở rộng nhưng hiện nay TKV chỉ chú trọng tới duy trì sản xuất đem bán chứ không tái đầu tư sản xuất.
Thứ ba, mối quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp khai thác - chủ yếu các doanh nghiệp là Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Các ngân hàng thương mại vẫn chịu sự chi phối mạnh mẽ của nhà nước. Nhiều dự án vẫn được chấp thuận đầu tư và cấp tín dụng dù không thực sự hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường.
"Các ngân hàng khi xem xét cấp tín dụng lại không biết đánh giá tác động môi trường, không biết dựa vào cái gì để cấp tiền thì đâu gọi là kinh doanh. Đáng lẽ ra, các doanh nghiệp phải mua đứt tài nguyên, rồi mang ra ngân hàng thế chấp lấy tiền nhưng ở Việt Nam doanh nghiệp không được quyền đó, không được quyền sở hữu. Doanh nghiệp chỉ dựa vào ngân hàng như ký sinh", ông Sơn nói.
TS Nguyễn Thành Sơn khẳng định: "Nếu cứ thế này thì vài năm nữa Việt Nam ngắc ngoải thôi".