TS Lê Thẩm Dương: Dạy con khó nhất ở độ tuổi 15- 25 vì tuổi này nửa người lớn, nửa trẻ con
Ở độ tuổi 15-25, dù biết là đúng nhưng con vẫn cứ cãi là không đúng, bố mẹ mà can thiệp vào là thua.
Trong gia đình ông, các con ông nghe lời bố hơn hay nghe lời mẹ hơn?
TS. Lê Thẩm Dương: Trong gia đình tôi, cả hai cháu đều nghe lời tôi nhiều hơn. Lí do, vì tôi đạt được chỉ số nghe lời, người ta chỉ nghe lời khi người nói có chuyên môn tốt hơn, chú ý, không phải chuyên môn nghề nghiệp mà là chuyên môn cuộc sống; thứ hai là quyền lực cá nhân, tức là tính gương mẫu: Tất cả vì mẹ của các con tôi, vì các con, từ chuyện tiền bạc đến lao động cật lực, con cái nhìn vào là cảm nhận được hết.
Vai trò của người mẹ cũng có, nhưng về đường hướng chiến lược là các cháu nghe lời tôi. Khi nói chuyện với các con, tôi tâm niệm hai điều: Tuyệt đối không bao giờ được dùng quyền làm bố mà phải dùng quyền hơn hẳn về chuyên môn, hiểu biết về xã hội, về nghề nghiệp; Gương mẫu, gương mẫu nhất là đối xử với mẹ của chúng như thế nào thì chúng sẽ đối xử với mình thế.
Khi dạy con, theo ông khó nhất ở độ tuổi nào?
TS. Lê Thẩm Dương: Khó nhất với tôi là độ tuổi từ 15 đến 25, chẳng biết sinh lý, tâm lý như thế nào, nhưng tôi biết đó là tuổi đang khẳng định mình, nửa người lớn, nửa trẻ con. Nó biết là đúng mà vẫn cứ cãi là không đúng, bố mẹ mà can thiệp vào là thua. Vì tâm sinh lý họ đang muốn khẳng định mình là người lớn, mà bố mẹ lại cứ coi họ là trẻ con thì chết rồi.
Câu hỏi khó nhất mà con cái thường hỏi ông là gì?
TS. Lê Thẩm Dương: Hồi con tôi đi học, có lần bạn bè ở lớp bàn nhau là có một thầy/cô rất ghê, có khi mỗi bạn phải góp một ít, cho vào phong bì, thì mới qua môn được. Con tôi về hỏi tôi là có góp không. Câu hỏi quá khó! Nếu tôi bảo "Không", có thể con tôi không ra trường được. Mà nói có thì người nó phản bội đầu tiên chính là tôi sau khi nó thành công.
Với con gái, ông tập trung vào dục cái gì?
TS. Lê Thẩm Dương: Tôi quan niệm như này: Con gái hay con trai thì cũng phải ở quyền bình đẳng nam nữ, vì đó là quyền người: Con gái có thể hoàn toàn làm được việc lớn; Tôi dạy con gái tính độc lập. Ví dụ, nói ai không bao giờ tôi can thiệp, nhưng những tiêu chuẩn chính thì khi con hỏi tôi có trao đổi.
Thế còn với con trai?
TS. Lê Thẩm Dương: Với con trai, tôi muốn nó là thằng con trai vì nó là con trai. Thành công lớn nhất của tôi trong việc giáo dục con trai là để cháu quyết định tự nguyện đi bộ đội, bây giờ là hơn 8 tháng rồi. Tôi cực ky tôn trọng con tôi.
Quan điểm của tôi, con trai phải có (1) chuyên môn phải vững; (2) phải đàng hoàng, (3) biến cái đàng hoàng đó thành hành vi.
Các con ông đã lựa chọn nghề nghiệp thế nào?
TS. Lê Thẩm Dương: Các con tôi lựa chọn nghề nghiệp hoàn toàn ở thế tự do, thính thoảng các cháu mới hỏi tôi một câu. Lúc đó câu trả lời của tôi thường là: "Giờ bố mà nói thì mang đầy tính chủ quan, cho nên các con hãy lựa theo sở trường của mình". Cả hai con tôi đều chọn theo học ngành xã hội, vì chúng mạnh lĩnh vực đó.
(*) Nội dung tham khảo cuốn sách Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công.