TS. Cấn Văn Lực: Việt Nam đi sau, nhưng vẫn có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn

25/09/2024 14:09 PM | Kinh tế vĩ mô

Tại Diễn đàn “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới”, TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đã có tham luận việc phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) ở Việt Nam hiện nay.

TS. Cấn Văn Lực: Việt Nam đi sau, nhưng vẫn có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn- Ảnh 1.

TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV.

Việt Nam vẫn đang là người đi sau trong việc phát triển KTTH

Theo WB, Việt Nam thuộc 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thay đổi hệ sinh thái sinh học (tổn thất có thể lên đến 11% GDP vào năm 2100) vì thế tăng trưởng xanh là điều tất yếu.

TS. Cấn Văn Lực nêu: Việc tăng trưởng xanh sẽ tăng hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn khi cứ 1 triệu USD đầu tư vào năng lượng tái tạo giúp tăng thêm ít nhất 5 việc làm (so với đầu tư năng lượng hóa thạch). Bên cạnh đó, tăng năng lực cạnh tranh, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế và DN.

Ông Lực cũng cho biết Chính phủ đã ban hành quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” với mục tiêu góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050; Đẩy mạnh ứng dụng mô hình KTTH thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế…

Tuy nhiên khi so sánh với các nước trong khu vực và láng giềng, ông Lực đánh giá Việt Nam vẫn đang đi sau.

Cụ thể, theo TS. Cấn Văn Lực Trung Quốc và Thái Lan là hai quốc gia đang thực hiện khá tốt những chương trình về phát triển KTTH.

“Ở Trung Quốc, năm 2009 Luật Thúc đẩy KTTH đã có và sửa đổi năm 2017. Luật này nhằm hỗ trợ ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện (như miễn hay hoàn thuế VAT đầu vào theo tỷ lệ nhất định, trợ cấp thuế) và giảm chi phí/thuế cho doanh nghiệp chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang KTTH (được khấu trừ thuế TNDN 10%); tất cả các cơ quan Chính phủ đều phải thực hiện mua sắm xanh. Đồng thời, Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách kinh tế & hỗ trợ các ngành để thúc đẩy sự phát triển KTTH (chủ yếu gồm chính sách thuế, tài chính, tiền tệ và giá cả)… ”, ông Lực nêu và cho biết thêm rằng ở quốc gia tỷ dân này chính quyền thành phố, BLĐ doanh nghiệp và khu công nghiệp có thể nộp đơn lên Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) để được chỉ định thí điểm và tài trợ một phần cho KTTH.

Nhắc đến Thái Lan, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nói đến việc nước này đã thực hiện phát triển KTTH sau dịch Covid-19: Thái Lan triển khai Mô hình “Nền kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh” (BCG) năm 2021, tập trung vào 4 lĩnh vực: nông nghiệp và LT-TP; sức khỏe và y tế; năng lượng, nguyên vật liệu và hóa sinh; du lịch và kinh tế sáng tạo. Chính phủ phê duyệt ngân sách thúc đẩy Chương trình BCG 2022-2027 là 1,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, giảm 25% thuế TNDN cho DN nhựa hóa sinh đến hết 2024 (năm 2020 có 14 DN đủ tiêu chuẩn)…

TS. Cấn Văn Lực: Việt Nam đi sau, nhưng vẫn có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn- Ảnh 2.

Tăng trưởng xanh gắn với chuyển đổi số

Là một nước đi sau nhưng theo ông Lực Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phát triển KTTH. “Cam kết COP26 và thích ứng BĐKH đòi hỏi Việt Nam đầu tư cho nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải các-bon thấp, quản lý nước, năng lực ứng phó, thích ứng biến đổi khí hậu… Đồng thời, định hướng, chiến lược, đề án, hành lang pháp lý cho tăng trưởng xanh, phát triển KTTH, phát triển bền vững dần được hoàn thiện. Một điều đáng chú ý là việc hội nhập và hợp tác quốc tế; lợi thế của “người đi sau” tạo dư địa thực hiện tăng trưởng xanh và KTTH”, TS. Cấn Văn Lực đánh giá.

TS. Cấn Văn Lực: Việt Nam đi sau, nhưng vẫn có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn- Ảnh 3.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi thì vẫn còn đó thách thức. Ông Lực nhận định nhận thức các bên đối với ESG, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững chưa cao và chưa đồng đều. Bên cạnh đó, chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán. Việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường và xã hội gặp nhiều khó khăn; Thiếu cơ chế phố hợp và ưu đã cho các hoạt động tăng trưởng xanh, KTTH; Hệ sinh thái cho tăng trưởng xanh và KTTH còn hạn chế, manh mún…

TS. Cấn Văn Lực: Việt Nam đi sau, nhưng vẫn có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn- Ảnh 4.

Trước những khó khăn đó, TS. Cấn Văn Lực đã đưa ra một số giải pháp. " Huy động nội lực: tiết kiệm năng lượng, quản lý và xử lý chất thải, thay đổi thói quen/hành vi tiêu dùng (5Rs: Refuse, Reuse, Reduce, Recycle, Repair/Refurbish/Recover); Tăng trưởng/chuyển đổi xanh gắn (song hành) với chuyển đổi số; Định hướng, chính sách, chiến lược và giải pháp cần “SMART”; Thí điểm khu vực, ngành/lĩnh vực thực hiện mô hình KTTH điểm (kinh nghiệm Trung Quốc, Thái Lan)” TS. Cấn Văn Lực nêu.

Huyền Thanh

Cùng chuyên mục
XEM