TS. Cấn Văn Lực: Nếu không có phương án phòng vệ năng lượng tái tạo, doanh nghiệp sẽ 'mất trắng' khi mưa bão

29/10/2020 19:16 PM | Kinh tế vĩ mô

TS. Cấn Văn Lực khẳng định, cần có chính sách cho từng loại năng lượng tái tạo khác nhau, phân ra các loại như năng lượng mặt trời, năng lượng gió onshore, năng lượng offshore...

Tại tọa đàm "Góp ý cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo" diễn ra sáng ngày 29/10, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực cho biết lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian vừa qua đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc. Cụ thể, năm 2016, tổng công suất lắp điện năng lượng tái tạo chỉ đạt khoảng 303 MW thì đến năm 2020, con số này ước tăng gấp 20 lần, đạt khoảng 7.000 MW.

Chính sách phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu toàn cầu

Đáng chú ý, sau khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, ngành năng lượng tái tạo ngày càng có nhiều tiềm năng. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, từ đó tạo ra sự bùng nổ trong ngành năng lượng này. Điển hình một trong số đó là cơ chế giá điện FIT (Feed-in tariff). Bên cạnh đó, luật PPP mới được thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2021 sẽ có thể là "kênh" quan trọng đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho biết ngành năng lượng tái tạo Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Cụ thể, hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh, quy hoạch điện VIII chuẩn bị ban hành nhưng thực tế cho thấy đã khá chậm. Đồng thời, cơ chế chính sách ban hành chậm, thời gian kéo dài ngắn 1-2 năm không đủ để doanh nghiệp xoay xở.

Theo đó, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh cần có chính sách cho từng loại năng lượng tái tạo khác nhau, phân ra các loại như năng lượng mặt trời, năng lượng gió onshore, năng lượng offshore...

Đặc biệt trong bối cảnh mưa, bão, TS. Lực đặt ra câu hỏi: "Vậy điện áp mái sẽ như thế nào? Phải quản lý rủi ro ra sao, liệu có thể mua bảo hiểm không, và nếu mua thì mua ở đâu và ai bán? Nếu chúng ta không có phương án phòng vệ rủi ro thì lúc có mưa bão, sự cố xảy ra như năm nay thì sẽ mất trắng".

Doanh nghiệp có hiện tượng chạy dự án

Đáng chú ý, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra hiện nay có tồn tại hiện tượng chạy dự án, lách luật, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý. Ví dụ như mặc dù thời hạn giá điện chốt hết năm nay những một số doanh nghiệp bố trí dự án, chạy dự án cấp phép trước thời điểm hết hạn. Một ví dụ khác như theo quy định dự án 1.000MW do địa phương quyết định, vì vậy một số doanh nghiệp chia nhỏ dự án để đơn giản hóa thủ tục cấp phép.

Ngoài ra, TS. Lực nhấn mạnh, vốn chủ yếu vẫn là từ tín dụng, còn vốn tự có quá nhỏ. "Hiện nay, 12-15 tỷ đồng cho 1 dự án điện mặt trời nhỏ nên bỏ ra 30% là bình thường, còn lại là tín dụng ngân hàng hoặc các loại vốn góp khác".

Định hướng phát triển ngành năng lượng tái tạo bền vững

Từ đó, ông đề ra một số giải pháp. Đối với khung pháp lý, cần sớm ban hành quy hoạch điện VIII cùng các giải pháp thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất, truyền tải, hạ tầng đến bán điện và thị trường điện cạnh tranh.

Đối với bài toán vốn của các dự án năng lượng tái tạo, cần đa dạng hóa nguồn vốn phát triển năng lượng tái tạo bằng cách tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đặc biệt, xem xét thúc đẩy tốc độ hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện đồng bộ với quy hoạch phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Đồng thời, phát triển thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư, trong đó có thị trường trái phiếu năng lượng sạch, trái phiếu xanh là loại hình đã được các định chế tài chính quốc tế lớn (WB, IFC, ADB...) thực hiện thành công trong thời gian qua.

Đối với doanh nghiệp, chủ đầu tư, TS. Lực nêu rõ cần chủ động nắm bắt kỹ thuật công nghệ, có định hướng đầu tư lâu dài, không tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn nhằm trục lợi ưu đãi từ cơ chế. Bên cạnh đó, cần tăng khả năng tự chủ nguồn vốn, chú trọng nguồn vốn trung dài hạn từ thị trường trái phiếu, các quỹ đầu tư và cả nguồn vốn quốc tế.

Q.L

Cùng chuyên mục
XEM