Truy vết Covid-19 ở Đà Nẵng: Sự hy sinh không thể đong đếm

15/08/2020 08:10 AM | Xã hội

Lực lượng tuyến đầu chống Covid-19 với những bữa cơm ăn vội, đêm không kịp ngủ để tham gia truy vết, cách ly, dập dịch tại Đà Nẵng...

Ròng rã 20 ngày qua, cả thành phố Đà Nẵng căng sức trong cuộc chiến chống dịch Covod-19. Bên cạnh các chiến sĩ blouse trắng, lực lượng tuyến đầu chống Covid-19 là các cán bộ phường xã, chiến sĩ công an, y tế dự phòng địa phương với những bữa cơm ăn vội, đêm không kịp ngủ để tham gia truy vết, cách ly, dập dịch... Họ âm thầm đóng góp công sức cùng với các y bác sĩ ở tuyến đầu ngăn chặn dịch lây lan diện rộng.

Truy vết Covid-19 ở Đà Nẵng: Sự hy sinh không thể đong đếm - Ảnh 1.
Người dân đến trạm Y tế phường Hòa Minh- quận Liên Chiểu chờ xét nghiệm.

Chị Đặng Thị Thu Hà, nhân viên trạm Y tế phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đã trải qua 20 ngày căng thẳng, sụt giảm mấy cân, người xanh xao, mệt mỏi.

Chị Hà là người đã bị ngất xỉu vì làm việc kiệt sức vào ngày 2/8 mà VOV đã đưa tin. Chị Hà cho biết, sau khi được thở ô xy, truyền dịch và nghỉ ngơi vài hôm, chị lại lao vào công việc truy vết, xét nghiệm, đưa bệnh nhân vào viện, đưa người đi cách ly. Công việc cứ cuốn đi, chị Hà cũng quên hết nhọc nhằn.

“Xe cấp cứu đi giờ nào là mình đi giờ nấy. Hôm ấy khoảng 9 giờ tối vẫn đưa bệnh nhân đi trong đêm, không kịp ăn mà hôm sau làm việc tiếp nên mệt quá, xỉu luôn. Nghỉ ngơi vài bữa là làm lại rồi, bởi công việc mà. Hàng ngày cứ sáng là xuống các khu nhà có người cách ly đo nhiệt độ, kiểm soát các trường hợp F1, cho những nhà gần F0. Sau đó gọi người lên xét nghiệm. Còn ai F1 của gia đình F0 thì đưa đi cách ly. Cứ có ca F0 là làm liền, trong đêm cũng phải chạy”, chị Hà chia sẻ.

Truy vết Covid-19 ở Đà Nẵng: Sự hy sinh không thể đong đếm - Ảnh 2.
Các nhân viên y tế làm việc cả ngày lẫn đêm để truy vết.

Chị Nguyễn Lê Thanh Ngọc, nhân viên Trạm Y tế phường Hòa Thọ Đông, quận cẩm Lệ có con nhỏ 10 tháng tuổi. Không tối nào, cháu ngủ yên vì thiếu hơi mẹ, cháu khóc mãi đến khi mệt thì ngủ thiếp đi. May nhà chị Ngọc gần trạm nên mỗi ngày 3 lần, chị vắt sữa cho con rồi lặng lẽ treo nơi hàng rào của Trạm y tế phường Hòa Thọ Đông để bà ngoại đến lấy mang về cho thằng bé.

Chị Ngọc là một trong số các nhân viên y tế phường, y tế dự phòng địa phương làm việc bất kể ngày đêm, trong điều kiện bảo hộ nghiêm ngặt để không bỏ sót các dấu truy vết, vận chuyển bệnh nhân, người nghi nhiễm đến nơi cách ly, cách ly điều trị được an toàn.

Chị Võ Thị Nga, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hòa Minh cho biết, khi có ca F0 là lập tức xuống gia đình dò hỏi, kê khai ngày tháng cẩn thận những nơi mà bệnh nhân đã đi qua, từng tiếp xúc. Theo chị Nga, nhân viên y tế cơ sở nào cũng vất vả như vậy.

Truy vết Covid-19 ở Đà Nẵng: Sự hy sinh không thể đong đếm - Ảnh 3.
Lực lượng tuyến đầu chống Covid-19 với những bữa cơm ăn vội, đêm không kịp ngủ để tham gia truy vết, cách ly, dập dịch

“Không riêng trạm Y tế Hòa Minh mà tất cả các nhân viên y tế đều như vậy hết. Chống dịch như chống giặc mà. Khi ở trên lệnh xuống, có ca nghi ngờ, thì trong đêm cũng phải đi xét nghiệm lại. Nói chung là đi sớm, về tối, bất kể thời gian nào. Truy vết F1, F2, rồi theo dõi sức khỏe cộng đồng ở những khu có bệnh nhân F0. Ngoài ra, cập nhật thông tin ở những tổ dân phố có F1 rồi xét nghiệm, rồi đi cộng đồng, kê khai y tế, điều tra truy vết...”, chị Nga cho hay.

Bác sĩ Võ Văn Tỵ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS, Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ cho hay, vất vả nhất là tiếp xúc điều tra dịch tễ của các F, từ F0 cho đến F1, F2, F3...

Các vết dịch tễ đều phải đảm bảo không bị bỏ sót. Nhiều thành viên làm việc liên tục, có khi đến 20 giờ đồng hồ mỗi ngày. Nhất là khi có dấu dịch tễ, họ đi truy vết, lấy mẫu, xâu chuỗi... bất kể ngày đêm, để cung cấp thông tin khẩn trương, kịp thời đưa phương án dập dịch.

Truy vết Covid-19 ở Đà Nẵng: Sự hy sinh không thể đong đếm - Ảnh 4.
Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm đã tiến hành cho hơn 73 ngàn người dân.

Bác sĩ Võ Văn Tỵ cho biết, cả Khoa có 10 người nhưng phải chi viện cho 3 trạm Y tế bị cách ly nên số còn lại phải phân công làm việc suốt ngày đêm trong điều kiện Trung tâm Y tế Cẩm Lệ bị phong tỏa.

“Khó khăn nhất của anh em hiện nay là F0 trong cộng đồng nhiều. Anh em tìm F1, truy vết F1 nên anh em phải làm việc suốt ngày đêm. Trung tâm Y tế ở đây bị phong tỏa mà còn phải tăng cường cho 3 trạm Y tế có người bị cách ly nên anh em phải tăng cường giúp họ. Nhưng mà phải cố gắng, cố gắng”, bác sĩ Tỵ nói.

Hiện nay, việc chăm lo đời sống sinh hoạt cho hàng ngàn người cách ly ở các khu Ký túc xá, các trường học cũng là vấn đề lớn đối với các địa phương. Ông Phan Trình, Trưởng phòng Y tế quận Liên Chiểu cho biết, địa bàn quận có 2 khu ký túc xá với hơn 1300 người được cách ly. Ngoài ra, quận phải lo điều kiện ăn nghỉ, sinh hoạt cho các y bác sĩ hết ca trực về nghỉ cách ly tại 3 khách sạn.

Tại các Khu Ký túc xá, ngoài việc lo tiếp tế lương thực, thực phẩm, địa phương còn phải truy vết, xét nghiệm. Theo ông Phan Trình, cán bộ y tế cơ sở những ngày xảy ra dịch phải làm việc gấp nhiều lần bình thường.

Truy vết Covid-19 ở Đà Nẵng: Sự hy sinh không thể đong đếm - Ảnh 5.
Ông Ngô Ngọc Trúc - Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến ăn ngủ tại trụ sở xã từ ngày 26/7 đến nay để chống dịch.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở tâm dịch Đà Nẵng, còn có sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ xã, phường. Ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cho biết, xã đã ghi nhận 13 trường hợp mắc Covid-19, 2 thôn bị phong tỏa là Lệ Sơn Nam và Yến Nê 2. Ngay từ khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, 17 cán bộ xã đã sắp xếp để thực hiện cách ly tại trụ sở xã.

Mới đây, 3 cán bộ có nhà ở thôn Yến Nê 2 bị phong tỏa, xã đã cử họ về nhà cách ly tại đó giúp hệ thống chính trị của thôn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Ông Ngô Ngọc Trúc cho biết thêm, hiện còn 14 cán bộ xã phải sử dụng chính phòng làm việc, phòng họp để ngủ tạm, đến giờ ăn cơm thì thay phiên nhau ăn vội qua bữa rồi lao vào việc.

“Cả 14 người đều mang hành trang lên cơ quan làm việc rồi ở lại đây luôn. Từ ngày 26/7 đến nay, bản thân tôi chưa về nhà mặc dù nhà cạnh đây mấy căn nhà thôi. Sức khỏe của anh em thì cơ bản ổn định, qua sàng lọc tất cả đều âm tính. Có khi là xuống chốt, khi thì tiếp tế cho các chốt trực, xong lại chạy phân phát hàng quà cứu trợ cho các nơi. Tần suất làm việc rất cao nhưng anh em vẫn vui vẻ”, ông Trúc nói./.

Thanh Hà

Cùng chuyên mục
XEM