Trưởng thành, có nghĩa là xử lý mọi chuyện trước, rồi mới quan tâm đến cảm xúc
Tuổi trẻ chúng ta từng cho là đầy khó khăn sau này lại trở thành những hồi ức đẹp nhất. Sau khi trưởng thành, chúng ta phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm hơn, phải thích ứng với những vai trò mới. Để tránh rơi vào những cái bẫy cảm xúc dẫn đến quyết định bồng bột và làm hỏng việc, chúng ta phải học cách trở nên lý trí hơn.
1. Người trưởng thành luôn hiểu rằng, rất nhiều lúc, cảm xúc là một thứ vô dụng
Hành động theo cảm tính không những không giải quyết được bất cứ vấn đề gì, mà chỉ luôn khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.
Người trưởng thành thì nên như vậy, cho dù có buồn bã hay tức giận đến mức nào, đều nên đặt cảm xúc sang một bên, bình tĩnh lại và tìm cách xử lý các vấn đề và mâu thuẫn trước.
Chuyện gấp thì càng phải từ từ làm, lúc đang nóng vội thì càng phải bình tĩnh thận trọng, không được tùy tiện trút cảm xúc của mình lên người khác.
Bên cạnh đó bạn cũng phải học cách bàn bạc trước khi làm, nếu chuyện không quá gấp, và bạn cũng không phải người có toàn quyền quyết định, thì hãy tránh tự ý định đoạt. Gặp chuyện cũng đừng hoảng loạn, hãy bàn bạc với những người liên quan đã.
2. Học cách nổi nóng một cách lý trí
Dung hòa các mối quan hệ xã hội thực ra là một việc rất mệt mỏi. Ai cũng có cá tính của riêng mình, một số người có thể khống chế cảm xúc của mình, một số khác thì không. Những người không khống chế được cảm xúc giống như quả bom nổ chậm, có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Bạn nên tránh trở thành người nóng nảy, cũng nên học cách đối phó với những "vụ nổ" này.
Vậy thì lúc nào cũng nên nhẫn nhịn sao? Dù đối phương có vô lý và quá đáng đến mức nào cũng không được nổi giận?
Không, bạn có thể nổi giận, nhưng đồng thời cũng phải giữ tỉnh táo, và biết cách nổi giận một cách có giá trị. Cũng tức là, trong lúc tỏ ra giận dữ, bạn cũng luôn phải biết mình đang làm gì, thái độ này sẽ mang lại lợi ích như thế nào trong cuộc đối thoại. Không được để cảm xúc khống chế bạn, bạn mới là người sử dụng cảm xúc để đạt được mục đích của mình.
3. Sau khi mọi chuyện đã được giải quyết, phải làm sao để làm dịu cảm xúc?
Có những người sẽ xử lý cảm xúc của mình bằng cách trút lên người yếu thế hơn. Cha mẹ cáu giận về nhà đánh chửi con cái, cấp trên bực mình quay ra soi xét nhân viên, nhân viên đi làm về ức chế chạy ra hành hạ chó mèo lang thang. Tùy tiện trút cảm xúc lên người khác là cách xử lý tồi tệ nhất.
Chúng ta nên học cách điều hòa cảm xúc tiêu cực của mình từ bên trong. Tâm trạng của bạn biến đổi theo quy luật, khi chúng ta không quá bài xích hay phẫn nộ, cảm xúc sẽ từ từ dịu xuống một cách tự nhiên. Nhưng một khi bạn điên cuồng muốn "xua đuổi" cảm xúc của chính mình, nó sẽ bắt đầu dai dẳng đeo bám bạn.
Bạn phản ứng tiêu cực, tức là bạn bận tâm, mà bạn càng bận tâm thì lại càng không quên được cơn tức của mình. Hãy cố nhìn nhận cảm xúc tiêu cực của mình với thái độ bao dung hơn, tất cả rồi sẽ tan biến theo thời gian.
Cảm xúc tiêu cực chỉ tiêu cực khi nó khiến bạn gây ra hậu quả khó lường, còn một khi bạn đã kiểm soát được, thì thực ra đó cũng là một loại cảm xúc tích cực. Nó sẽ giúp bạn học được nhiều hơn và trưởng thành hơn.