Trước thực trạng Việt Nam có hơn 180 nghìn ca mắc mới và hơn 120 nghìn ca tử vong do ung thư, thành lập đơn vị tư vấn ‘di truyền ung thư’ đầu tiên tại TP.HCM

04/09/2024 16:32 PM | Sức khỏe

Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2022, mỗi năm tại Việt Nam ước tính có 180.480 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong do ung thư. Trong đó, dẫn đầu tỷ lệ mắc bệnh là ung thư vú, ung thư gan, ung thư phổi với tỷ lệ mắc mới và tử vong gia tăng theo từng năm.

Thực trạng này đòi hỏi việc đẩy mạnh công tác chẩn đoán và nâng cao chất lượng điều trị ung thư ngày càng trở nên cấp thiết.

Trong một bước tiến quan trọng nhằm cải thiện chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam và nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng điều trị, đồng thời tiếp tục phát huy các kết quả của những chương trình đã triển khai ở giai đoạn hợp tác trước đó, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM và AstraZeneca Việt Nam đã tiếp tục đồng hành với việc ký kết hợp tác giai đoạn 2024 - 2027.

Trước thực trạng Việt Nam có hơn 180 nghìn ca mắc mới và hơn 120 nghìn ca tử vong do ung thư, thành lập đơn vị tư vấn ‘di truyền ung thư’ đầu tiên tại TP.HCM - Ảnh 1.

Đại diện lãnh đạo 2 bên ký kết hợp tác.

Theo đó, hai bên thống nhất tập trung vào các hoạt động với mục tiêu đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế của bệnh viện, tăng cường chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư khu vực các tỉnh phía Nam và các khu vực lân cận. Các mũi nhọn hợp tác bao gồm:

Thúc đẩy nghiên cứu lâm sàng: Thực hiện các nghiên cứu lâm sàng tiên tiến để đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị mới, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu về dịch tễ học và ghi nhận ung thư. 

Đổi mới sáng tạo: Xây dựng và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và trí tuệ nhân tạo vào chẩn đoán và điều trị ung thư. 

Xây dựng thông tin dịch tễ học: Thực hiện các nghiên cứu về dịch tễ học và ghi nhận ung thư.

Đào tạo: Phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế. 

Tiếp cận điều trị: Đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh và hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận các loại thuốc điều trị tiên tiến, đảm bảo sự công bằng trong y tế.   

Ngoài ra, hai bên còn ưu tiên thúc đẩy mục tiêu bình đẳng trong y tế thông qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sàng lọc sớm ung thư phổi, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tăng khả năng điều trị thành công. Song song đó, trong thời gian ngắn tới đây, hai bên phối hợp thành lập "Đơn vị tư vấn di truyền ung thư" đầu tiên trên cả nước, đóng vai trò như một trung tâm tư vấn di truyền chuẩn (COE) nhằm nâng cao nhận thức, quản lý toàn diện suốt hành trình chẩn đoán và điều trị cho các đột biến gen chuyên biệt cũng như hỗ trợ tư vấn tâm lý cho bệnh nhân ung thư có yếu tố di truyền. 

Bằng cách tận dụng chuyên môn và nguồn lực kết hợp, 2 đơn vị sẽ tạo ra tác động thiết thực đối với cuộc sống của bệnh nhân ung thư và gia đình, góp phần vào một Việt Nam khỏe mạnh hơn. 

Ngọc Tú

Cùng chuyên mục
XEM