Trước bình luận "không phí tuổi thơ vào giải Toán vô bổ", Shark Bình từng có vài pha tính toán “đi vào lòng đất”: 100.000 USD đổi 6% cổ phần, định giá startup 3 triệu USD?

14/09/2021 13:46 PM | Kinh doanh

Shark Bình từng có vài pha tính toán “đi vào lòng đất” tại Shark Tank Việt Nam mùa 3. Rất may cho vị cá mập này bởi trong mùa 4, các Shark được sử dụng máy tính bảng…

"Bạn đã hiểu vì sao chơi nhiều, học kém nhưng vẫn có nhiều người thành công ở trường đời hơn các bạn Top đầu lớp chưa??? Vì họ không phí tuổi thơ vào những bài Toán khó, vô bổ cho cuộc sống như này!" – bình luận trên Fanpage chính thức của Shark Bình dấy lên nhiều quan điểm tiêu cực, cho rằng vị cá mập này coi thường việc học ở trường lớp, nhất là môn Toán học.

Trước bình luận không phí tuổi thơ vào giải Toán vô bổ, Shark Bình từng có vài pha tính toán “đi vào lòng đất”: 100.000 USD đổi 6% cổ phần, định giá startup 3 triệu USD? - Ảnh 1.

Học vấn của Shark Bình không phải dạng vừa. Trong bài đăng sau đó, chính vị này cho biết hồi phổ thông ông học giỏi Top đầu trường chuyên, được giải quốc gia Toán, vào thẳng Đại Học, vào thẳng luôn cả học bổng thạc sỹ du học nước ngoài.

Với nền tàng học vấn như vậy ở trường học, năng lực tính toán thực tế của Shark Bình ra sao ở “trường đời”?

Trong Shark Tank Việt Nam mùa 3, khi lần đầu ngồi ghế nóng, Shark Bình gây tranh cãi rất nhiều không chỉ bởi cá tính "đanh đá", mắng vỗ mặt startup, mà còn bởi kiến thức vĩ mô và năng lực tính toán của Shark đôi khi vẫn cần đặt dấu hỏi.

100.000 USD đổi 6% cổ phần => Định giá 3 triệu USD?

Trước bình luận không phí tuổi thơ vào giải Toán vô bổ, Shark Bình từng có vài pha tính toán “đi vào lòng đất”: 100.000 USD đổi 6% cổ phần, định giá startup 3 triệu USD? - Ảnh 2.

Trong Shark Tank Việt Nam mùa 3 tập 9, mạng xã hội du lịch Astra kêu gọi 1 triệu USD cho 10% cổ phần công ty. Nguyễn Tiệp - Founder kiêm CEO Astra - cho biết startup này đã gọi vốn thành công từ hai nhà đầu tư thiên thần, mỗi nhà đầu tư đã rót vốn 50.000 USD đổi lấy 3% cổ phần.

Đến đây, Shark Bình nhanh chóng tính nhẩm: "Định giá công ty lúc ấy khoảng 3 triệu USD…"

Thực tế là, Post-money (Giá trị công ty sau khi nhà đầu tư bỏ tiền) trong case này = 100.000/6% = 1,667 triệu USD, khớp với tính toán của Shark Dzung sau đó.

GDP Việt Nam = 1/10 GDP Mỹ?

Tại tập 6 Shark Tank Việt Nam mùa 3, khi Founder Khánh Trình gọi vốn 5 triệu USD đổi lấy 10% cổ phần công ty chỉ với sản phẩm xà đơn đa năng tự đứng, Shark Bình tiếp tục dùng cụm từ đặc trưng "ngáo giá" cho startup này với lập luận như sau:

"Ngay Shark Tank tại Mỹ, nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần, trung bình khoảng hơn 10 lần, mà deal lớn nhất là Zipz gọi 2,5 triệu USD cho 10%, tức định giá 25 triệu là lớn nhất rồi đấy. Trong khi ở đây em định giá 50 triệu USD. Mà còn chưa kể Zipz là deal lớn nhất mà cũng là thất bại lớn nhất của Shark Tank Mỹ".

Trước bình luận không phí tuổi thơ vào giải Toán vô bổ, Shark Bình từng có vài pha tính toán “đi vào lòng đất”: 100.000 USD đổi 6% cổ phần, định giá startup 3 triệu USD? - Ảnh 3.

Lập luận của Shark Bình khiến nhiều người đặt dấu hỏi với câu chuyện nền kinh tế Mỹ lớn gấp hơn 10 lần Việt Nam.

Theo số liệu chính thức từ World Bank, tính theo GDP, năm 2018 (thời điểm tập Shark Bình phát ngôn như trên là tháng 8/2019), GDP của Việt Nam là gần 245 tỷ USD. Trong khi đó, GDP của Mỹ vào khoảng 20.494 tỷ USD. Từ đó có thể tính ra nền kinh tế Mỹ lớn hơn Việt Nam trên dưới 80 lần.

Một số fan hâm mộ Shark thuở đó phản biện lại là có thể vị cá mập này nói về GDP/người. Tuy nhiên, nếu tính theo GDP/người, chỉ số này của Việt Nam năm 2018 là 2.563 USD/người/năm, trong khi Mỹ là 62.641 USD/người/năm. Hai số liệu này chênh nhau khoảng 24 lần.

Vì đâu Shark Bình mắc lỗi sơ đẳng này?

Theo quy định của Shark Tank Việt Nam, các Shark không được dùng các công cụ hỗ trợ bao gồm máy tính và điện thoại. Công cụ duy nhất của các Shark chỉ là 1 quyển sổ và 1 cái bút.

Với quy định này, các Shark phải dựa trên kỹ năng cũng như khả năng phán đoán của một doanh nhân/nhà đầu tư để kiểm tra số liệu Startup đưa ra, không được dùng các công cụ hỗ trợ khác. Đây cũng là chiêu cân não các Shark và khiến gameshow kịch tính hơn. Khi không có công cụ hỗ trợ, các Shark buộc phải lắng nghe rất kỹ, cân nhắc, tính toán… thay vì "cắm mặt" vào smartphone để kiểm tra các dữ liệu và thông số.

Quy định cá mập không được dùng điện thoại và máy tính khi ngồi "ghế nóng" cũng được một Shark trong hội đồng đầu tư mùa 3 xác nhận. "Các Shark chỉ được phép tính nhẩm", vị này cho biết.

Rất may cho Shark Bình là trong mùa 4, quy định này đã được bỏ. Các Shark mùa 4 đều được trang bị iPad với màn hình nền là logo và nhận diện thương hiệu CENLand của Shark Hưng. Có lẽ nhờ vậy mà suốt 16 tập Shark Tank mùa 4, Shark Bình tính toán “không trượt phát nào” như mùa trước đó.

Phát ngôn mới đây không phải là lần đầu tiên shark Bình gây sóng dư luận trên mạng xã hội. Ông từng có màn “cà khịa” đối thủ khá ồn ào trên Facebook thời điểm năm 2018 - khi chưa tham gia Shark Tank Việt Nam (ông chính thức tham gia show này vào mùa 3, năm 2019).

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ cái tên FastGo – một startup gọi xe nằm trong hệ sinh thái NextTech ra đời vào giữa năm 2018. Sau được VinaCapital rót vốn vào tháng 8/2018, FastGo liên tục tự đặt mình so sánh với Grab, đồng thời không ngần ngại “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc chiến pháp lý giữa Grab và Vinasun thời điểm đó, dù mô hình kinh doanh của FastGo chẳng khác gì Grab - decacorn (kỳ lân nhiều sừng) đến từ Malaysia.

Hồi cuối năm 2018, theo Trí thức trẻ, Shark Bình thậm chí còn đòi đọ số liệu tăng trưởng của Fastgo với Grab. Bài đăng này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cả người trong giới lẫn ngoài giới. Bởi việc đọ số tăng trưởng của một startup 6 tháng tuổi với một decacorn thì khác nào bảo Việt Nam thách đọ tăng trưởng GDP với Mỹ, tức là con số tăng trưởng có thể nhanh hơn nhưng giá trị tuyệt đối rất nhỏ hơn nhiều.

Trước bình luận không phí tuổi thơ vào giải Toán vô bổ, Shark Bình từng có vài pha tính toán “đi vào lòng đất”: 100.000 USD đổi 6% cổ phần, định giá startup 3 triệu USD? - Ảnh 5.

Nguồn: Trí thức trẻ.

Sau khi bị nhiều người công kích, Shark Bình lại sửa status nói trên. Từ đầu năm 2020, FastGo không còn tương tác, với các rating 1 sao đang dày lên trên CH Play.

Ưa thích phong cách tự so sánh mình với đối thủ là vậy, nhưng cuối năm 2016, ông Bình lại đăng đàn chê một doanh nhân đàn anh khi cho rằng vị này tự so sánh mình với một doanh nhân tên tuổi khác.

"Cách này không hay thậm chí tác dụng tiêu cực trong mắt giới tinh hoa vì ai cũng hiểu mỗi người có một cách làm và mỗi doanh nghiệp có các điều kiện, hoàn cảnh và lịch sử khác nhau", Shark Bình của năm 2016 viết.

Trước bình luận không phí tuổi thơ vào giải Toán vô bổ, Shark Bình từng có vài pha tính toán “đi vào lòng đất”: 100.000 USD đổi 6% cổ phần, định giá startup 3 triệu USD? - Ảnh 6.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM